Triều Nguyễn, các vị vua đều quan tâm đến việc học ngoại ngữ và ban hành nhiều chủ trương, chính sách về dạy và học các thứ tiếng nước ngoài. Định hướng về chủ trương đó vẫn còn được lưu giữ trong châu bản, mộc bản triều Nguyễn. Những di sản tư liệu thế giới này đang được giới thiệu tại triển lãm 3D “Giáo dục triều nguyễn - Vang vọng còn lại”.
Học ngoại ngữ được cấp quần áo, đồ ăn
Nền giáo dục cũ, trong đó có giáo dục triều Nguyễn đã lùi xa nhưng triết lý về giáo dục và đào tạo nhân tài triều Nguyễn vẫn là những giá trị có sức sống lâu bền, được ghi nhận trong lịch sử. Cụ thể, trong hơn 100 tư liệu được lựa chọn từ châu bản, mộc bản triều Nguyễn, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Trung tâm Lưu trữ quốc gia IV (Cục văn thư lưu trữ Nhà nước ) tổ chức triển lãm 3D “Giáo dục triều nguyễn – Vang vọng còn lại”.
Thông qua các di sản tư liệu thế giới có thể thấy, cũng như các triều đại trước, nội dung học tập triều Nguyễn là tứ thư, ngũ kinh đồng thời luyện tập các pháp làm thơ văn. Ngoài ra, một số văn bản thời Tự Đức cho thấy sự cần thiết của việc học ngoại ngữ lúc bấy giờ.
Tài liệu nói về việc học ngoại ngữ ở triều Nguyễn. |
|
Trong một tài liệu mộc bản có nêu: “Phụng xét người bản quốc hiện nay am hiểu tiếng Pháp rất ít, lúc cần phái việc gì rất ít người. Nếu chọn các con em thiếu niên ra nước ngoài học tập thì phí tổn rất lớn mà lần đầu đi xa chưa hẳn đã vui vẻ, tình nguyện. Vậy nay xin quan do phủ Thừa Thiên và hai tỉnh Nam Ngãi hết lòng tuyển chọn các con em của dân lương và trẻ nhỏ trong hạt từ 10 đến 16 tuổi, mỗi tỉnh khoảng 10 tên gửi đến hoặc do nha thần tập hợp. Toàn năm cấp quần áo, đồ ăn, phái một viên ký lục (tú tài xuất thân) và một viên thông ngôn (như Nguyễn Đức Minh sung giáo tập và thông dịch tiếng Pháp thuộc nha đến dạy học”.
Sau khi thực dân Pháp xâm lược (1858), việc tiếp xúc với tiếng Pháp, chữ Pháp mở rộng hơn trước và đòi hỏi người học phải nâng cao trình độ, triều đình nhà Nguyễn đã ban hành quy định và chế độ học tiếng Tây mới. Cụ thể, người học chữ Tây, tiếng Tây, hạn học tập mỗi ngày quy định là 10 chữ kể cả tiếng nói. Cứ 3 tháng một kỳ, nội các và Bộ Lễ phối hợp sát hạch. Ai đọc thuộc lòng, thông hiểu, chữ viết đúng, ngay ngắn, nhiều đến 100 cả chữ lẫn âm thì xếp vào hạng ưu, được thưởng 6 quan tiền; nếu được 50 cả chữ lẫn âm thì xếp vào hạng trung bình được thưởng 4 quan tiền.
Chắt lọc tinh hoa
Đã hơn 100 năm kể từ khoa thi Nho học cuối cùng của triều Nguyễn. Những dấu tích về một nền giáo dục xưa cũ tưởng như đã chìm vào quá khứ. Nay lại được tìm thấy trong hơn 100 văn bản đặc sắc từ khối di sản tư liệu thế giới Châu bản và Mộc bản triều Nguyễn. Với những con người, câu chuyện cụ thể từ việc thiết lập hệ thống trường học đến không khí khai giải mở đầu cho năm học mới.
Theo các tài liệu từ mộc bản và châu bản triều Nguyễn: Ngày khải giảng được tiếng hành theo ngày tốt mà Khâm thiên giám chọn, đó là sau ngày khai ấn, công tác chuẩn bị cho lễ khai giảng được thực hiện chu đáo. Quan Tế Tửu đem toàn bộ thầy trò, mũ áo chỉnh tề lên Di Luân đường làm lễ yết cáo Tiên sư (Khổng Tử). Có thể thấy, lễ khai giảng dưới triều Nguyễn mang đậm dấu ấn thời đại lúc bấy giờ.
Không gian triển lãm ''Giáo dục triều Nguyễn - Vang vọng còn lại |
|
Trong số những tài liệu được trưng bày trong triển lãm 3D, nghi lễ khai giảng ở nhà Di Luân – Quốc Tử Giám, năm Bính Thân (1836) có trích trong Bộ Lễ tâu rằng: “Nhà Di Luân ở Quốc Tử Giám trước đã đặt bài vị Tiên sư để làm chỗ cho sinh viên bái vọng. Hàng năm, khai giảng hay nghỉ giảng đều làm lễ triển bái ở đó. Các tiến sĩ tân khoa cũng làm lễ Thích điện tại đó. Vả lại, Văn Miếu ở bên tả nhà Quốc Tử Giám, cũng tế long trọng đã có rồi, bái yết ở đó là hợp nghi. Vậy xin từ này, hễ học sinh nào và nhà Giám thì giám thần mặc phẩm phục, đem học sinh đến Văn Miếu làm lễ cáo yết xong, lui về giảng đường làm lễ tham yết. Khi khai giảng hay nghỉ giảng không phải cáo lễ nữa. Khi các tiến sĩ làm lễ Thích điện, cũng xin cho làm ở sân miếu, mới tỏ được trang trọng kính cẩn; còn cho bái vọng xin đừng đặt nữa. Vua cho là phải”.
Về việc xây trường, dựng lớp, trong di sản tư liệu thế giới có thông tin về việc, Năm 1803, vua Gia Long cho mở nhà Quốc học tại Kinh đô Huế để tổ chức dạy học cho con cháu thuộc dòng họ tôn thất của nhà vua, con của các quan chức thuộc bộ máy Nhà nước và con của dân thường ưu tú, nhằm bổ sung vào đội ngũ quan lại của triều đình. Năm 1820, thời Minh Mệnh, nhà quốc học chính thức mang tên Quốc Tử Giám, trở thành trường học cấp cao nhất ở Kinh đô dưới triều Nguyễn. Quan tâm tới việc đào tạo, vua Tự Đức giao những người nào học hạnh sung làm chức quan ở Quốc Tử Giám. Các giám sinh được triều đình tạo điều kiện tốt nhất có thể cho việc học hành, ăn ở tại Giám, được triều đình cấp tiền, dầu đèn. Những người học kém, lười biếng sẽ bị trách phạt, thậm chí đuổi học.
“Ôn cố tri tân” – trong năm học mới, Trung tâm Lưu trữ quốc gia I và Cục Văn thư và Lưu trữ Nhà nước đã giới thiệu triển lãm đặc biệt, nơi khán giả có thể tìm thấy những mảnh ký ức về một thời vàng son của Nho học và sống lại không khí của một thời bút nghiên. “Gạn đục khơi trong” thế hệ hôm nay có thể chắt lọc những tinh hoa về nền giáo dục xưa và vận dụng linh hoạt vào nền giáo dục ngày nay.