Y tế - Giáo dục

Từ 1/1/2024, người trên 75 tuổi được ưu tiên khi khám, chữa bệnh

Văn Thiện 13:13 01/01/2024

Từ ngày 1-1-2024, nhiều chính sách liên quan đến BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) có hiệu lực thi hành, trong đó có nhóm người từ đủ 75 tuổi trở lên là đối tượng ưu tiên khám, chữa bệnh.

bb.jpg
Từ 1/1/2024, người trên 75 tuổi được ưu tiên khi khám, chữa bệnh (ảnh minh hoạ)

Theo Luật Khám bệnh, chữa bệnh được Quốc hội thông qua ngày 9-1-2023, có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-1-2024, người từ đủ 75 tuổi (trước từ đủ 80 tuổi) và người khuyết tật đặc biệt nặng là đối tượng được ưu tiên khám, chữa bệnh, bao gồm cả khám, chữa bệnh BHYT.

Luật cũng bổ sung quy định ưu tiên ngân sách nhà nước khám, chữa bệnh cho người có công với cách mạng, người cao tuổi, trẻ em, người khuyết tật. Người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, đang sống ở biên giới, hải đảo, vùng có điều kiện kinh tế, xã hội khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn. Người bị các bệnh tâm thần, phong, truyền nhiễm nhóm A, nhóm B.

Cũng liên quan đến BHYT, từ ngày 1-1-2024, thành phố Hà Nội hỗ trợ thêm mức đóng BHYT cho một số nhóm đối tượng, trong đó, người cao tuổi từ 70 đến dưới 80 tuổi không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc; người khuyết tật nhẹ chưa có thẻ BHYT đang thường trú trên địa bàn Hà Nội được hỗ trợ 100%.

Bên cạnh đó, quyền lợi của bệnh nhân cũng được quy định cụ thể, đầy đủ hơn trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023. Người bệnh sẽ được hướng dẫn cách tự theo dõi, chăm sóc, phòng ngừa tai biến; được tôn trọng về tôn giáo, tình trạng sức khỏe, điều kiện kinh tế...

Người bệnh cũng được giữ bí mật về những thông tin về đời tư đã cung cấp cho người hành nghề trong quá trình KCB; chứ không chỉ mình thông tin ghi trong hồ sơ bệnh án như luật cũ.

Một trong những điểm mới quan trọng khác của Luật Khám bệnh, chữa bệnh 2023 liên quan đến những người hành nghề y. Theo luật cũ, về điều kiện chuyên môn, bác sĩ, y sĩ… đã thực hành đủ thời gian theo quy định (ví dụ: 18 tháng tại bệnh viện, viện nghiên cứu có giường bệnh đối với bác sĩ), được xác nhận quá trình thực hành sẽ được cấp chứng chỉ hành nghề. Chứng chỉ hành nghề được cấp một lần và có giá trị trong phạm vi cả nước.

Nay “chứng chỉ hành nghề” theo luật cũ sẽ được gọi là “giấy phép hành nghề” theo luật mới. Đáng chú ý, bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh… sau khi đã hoàn thành việc thực hành KCB sẽ phải thực hiện kiểm tra, đánh giá năng lực hành nghề trước khi đề nghị cấp giấy phép hành nghề.

Mỗi người hành nghề chỉ được cấp một giấy phép hành nghề có giá trị trong phạm vi toàn quốc và có thời hạn năm năm. Khi giấy phép hết hạn sẽ được gia hạn mà không phải kiểm tra, đánh giá năng lực. Tuy nhiên, phải đáp ứng các yêu cầu về sức khỏe, về quy định cập nhật kiến thức y khoa liên tục…

Quy định người nước ngoài hành nghề lâu dài tại Việt Nam và khám, chữa bệnh cho người Việt Nam phải sử dụng tiếng Việt thành thạo. Ngoại trừ một số trường hợp hợp tác trao đổi chuyên gia, chuyển giao kỹ thuật, đào tạo.

Về chất lượng cung cấp dịch vụ khám, chữa bệnh, luật đã thay đổi từ 4 tuyến chuyên môn thành 3 cấp chuyên môn.

Đồng thời luật cũng cho phép phòng khám đa khoa tư nhân tại các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn được tổ chức giường lưu bệnh để theo dõi và điều trị người bệnh nhưng tối đa không quá 72 giờ./.

Bài liên quan
  • Unilever đồng hành cùng Bộ Y Tế hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh 27/12
    Ngày 27 tháng 12 năm 2023, tại Hà Nội, Bộ Y tế đã tổ chức Lễ Mít-tinh hưởng ứng Ngày Quốc tế Phòng chống dịch bệnh với sự tham gia của lãnh đạo các Bộ, Ban, ngành địa phương, các cơ quan tổ chức quốc tế tại Việt Nam, với sự đồng hành của Unilever. Đây là một trong số những hoạt động Unilever phối hợp cùng Bộ Y tế nhằm tăng cường ý thức và tham gia của toàn xã hội trong việc phòng chống dịch bệnh.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Từ 1/1/2024, người trên 75 tuổi được ưu tiên khi khám, chữa bệnh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO