Văn hóa – Di sản

Trưng bày những hiện vật đặc sắc của văn hóa Đông Sơn

Thụy Phương 22/11/2023 16:03

Sáng ngày 22/11, Bảo tàng Lịch sử quốc gia tổ chức khai mạc trưng bày chuyên đề “Âm vang Đông Sơn”. Trưng bày là một hoạt động ý nghĩa nhằm chào mừng ngày Di sản Văn hóa Việt Nam (23/11) và hướng tới kỷ niệm 100 năm phát hiện, nghiên cứu văn hóa Đông Sơn.

Phát biểu tại lễ khai mạc trưng bày, TS. Nguyễn Văn Đoàn - Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho hay, Đông Sơn là một trong 3 nền văn hóa khảo cổ nổi tiếng, góp phần hình thành nên các nhà nước sơ khai ở Việt Nam. Di tích được phát hiện ngẫu nhiên vào năm 1924 tại làng Đông Sơn, thành phố Thanh Hóa. Tính đến nay, sau 100 năm phát hiện và nghiên cứu, nhiều phương diện của văn hóa Đông Sơn đã được làm sáng tỏ.

trong-dong-6.jpg
TS. Nguyễn Văn Đoàn, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử quốc gia phát biểu tại lễ khai mạc.

Qua hàng trăm di tích cùng với khối di vật đồ sộ đã phát hiện, nghiên cứu là minh chứng sinh động cho nguồn gốc bản địa, sự phát triển lâu dài, liên tục và trực tiếp từ các nền văn hóa tiền Đông Sơn (Phùng Nguyên – Đồng Đậu – Gò Mun) đến đỉnh cao văn hóa Đông Sơn và văn minh Đại Việt.

Cùng với phát hiện, nghiên cứu đã hình thành nên các bộ sưu tập hiện vật của văn hóa Đông Sơn phong phú về số lượng, đa dạng loại hình, độc đáo về hình thức thể hiện, mang tính thẩm mỹ cao, làm từ các chất liệu đồng, sắt, gốm, thủy tinh, gỗ, đá... với kỹ thuật vô cùng tinh xảo, phản ánh đời sống lao động, sản xuất cũng như quan niệm về thế giới, nhân sinh của các cư dân Việt cổ từ hơn 2.000 năm trước.

trong-dong-1.jpg
Các đại biểu tham quan trưng bày.

“Bảo tàng Lịch sử quốc gia với lịch sử hình thành và phát triển của mình đã gắn liền với những nghiên cứu, phát hiện về văn hóa Đông Sơn suốt hơn 100 năm qua. Mặc dù di chỉ khảo cổ học Đông Sơn được chính thức phát hiện vào năm 1924 nhưng trước đó ngay từ năm 1903 nhiều di vật mà tiêu biểu nhất là trống đồng Ngọc Lũ đã được đưa về kho của Bảo tàng. Kể từ đó cho đến nay sưu tầm về văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng ngày càng được bổ sung đầy đủ hơn và là một bộ sưu tập đồ sộ nhất đã có nhiều dịp được giới thiệu trưng bày trong và ngoài nước”, TS Nguyễn Văn Đoàn nhấn mạnh.

Đến với trưng bày “Âm vang Đông Sơn”, công chúng được chiêm ngưỡng những hiện vật đặc sắc nhất mới được Bảo tàng nghiên cứu sưu tầm và khai quật khảo cổ học trong thời gian gần đây. Trong đó, đặc biệt nhất là phát hiện mới về bộ sưu tập khuôn đúc trống đồng tại di tích Luy Lâu, là minh chứng sâu sắc, sinh động cho tính bản địa, nguồn gốc, sức sống của trống đồng Đông Sơn trước những thăng trầm biến đổi của lịch sử.

Ngoài ra, trưng bày còn giới thiệu tới công chúng thử nghiệm đúc trống đồng. Qua đó, hiểu rõ hơn về kỹ thuật đúc trống của cư dân Đông Sơn và tính tiếp nối trong cộng đồng người Việt đang đúc trống hiện nay.

Tại lễ khai mạc trưng bày, Bảo tàng Lịch sử quốc gia cũng đã tiếp nhận 51 hiện vật văn hóa Đông Sơn từ nhà nghiên cứu, PGS.TS Nguyễn Thanh Nam nhằm bổ sung cho bộ sưu tập văn hóa Đông Sơn của Bảo tàng.

Trưng bày kéo dài đến tháng 4/2024.

Dưới đây là một số hiện vật được giới thiệu tại trưng bày:

trong-dong-5.jpg
trong-dong-4.jpg
trong-dong-3.jpg
trong-dong-2.jpg

Bài liên quan
  • Khám phá Giảng Võ trường và bộ sưu tập hóa thạch tại Bảo tàng Hà Nội
    Chào mừng kỷ niệm 18 năm ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23/11/2005 - 23/11/2023, Thực hiện Kế hoạch số 161/KH-UBND ngày 31/5/2023 của UBND thành phố Hà Nội về việc thực hiện các sáng kiến ra nhập Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO năm 2023, Bảo tàng Hà Nội tổ chức khai mạc trưng bày các chuyên đề: Giảng Võ trường và bộ sưu tập vũ khí thời Lê, Lịch sử hình thành trái đất thông qua bộ sưu tập hiện vật hóa thạch, Tinh hoa làng nghề Việt qua góc nhìn thiết kế nội thất đương đại.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Trưng bày những hiện vật đặc sắc của văn hóa Đông Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO