Tại triển lãm, trưng bày 20 bộ tranh với các chủ đề: Tứ quý, Tố nữ, Tứ dân, Bát tiên, tranh truyện và tranh lịch sử…, được lựa chọn từ bộ sưu tập tranh Tứ bình đang lưu giữ tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam.
Chơi tranh Tứ bình là nét phong tục không thể thiếu của dân ta trong dịp Tết Nguyên đán cổ truyền. Theo quan niệm của cha ông ta, treo tranh Tứ bình ngày Tết sẽ mang đến mọi điều tốt đẹp cho gia chủ và các thành viên trong gia đình. Qua mỗi mùa trong năm, loại hoa tương ứng chính là biểu hiện của sự may mắn, phát lộc – phát tài, trường thọ và hạnh phúc. Bộ tranh Tứ bình gồm 4 bức, thường có hàm ý ẩn dụ cho 4 giai đoạn trong một năm, 4 giai đoạn trong cuộc đời, 4 giai thoại trong một câu chuyện, hoặc 4 vẻ đẹp khác nhau của các cô gái…
Do đó, tranh Tứ bình là sản phẩm tinh thần quý giá của cha ông ta.
Trên tranh thường có những câu thơ chữ Hán hoặc chữ Nôm, là những lời chúc phúc và mong muốn sự bình an phú quý. Cũng nhờ vậy, tranh Tứ bình từ lâu đã được cha ông ta ưa thích treo trang trí trong nhà để đón xuân hoặc thờ phụng, tùy theo nội dung của mỗi bộ tranh. Thông qua những bộ tranh Tứ bình, hậu thế ngày nay có thể hiểu được phần nào quan niệm về thời gian và lối sống sinh hoạt của người dân từ xa xưa.
Tuy nhiên, sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ hiện đại mà tục chơi tranh Tứ bình vào ngày Tết không còn phổ biến nữa. Triển lãm “Sắc xuân” lần này tổ chức nhằm tái hiện lại không gian Tết Nguyên đán cổ truyền, đồng thời, giúp người dân hiểu hơn về nét đẹp văn hóa của tranh Tứ bình.
Triển lãm “Sắc xuân” diễn ra đến hết ngày 28/02/2023, tại 97 Phó Đức Chính, P.Nguyễn Thái Bình, Q.1, TP. Hồ Chí Minh Với những sắc màu rực rỡ, tươi mới và ý nghĩa sâu sắc về cuộc sống qua mỗi bộ tranh tuyệt tác, mang tới lời chúc bình an và hạnh phúc cho công chúng yêu mỹ thuật nhân dịp tết đến, xuân về.