Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Hai mối lo song hành

HNM| 11/01/2019 09:50

Năm học 2020-2021, học sinh lớp 1 trên cả nước sẽ chính thức học theo Chương trình giáo dục phổ thông mới. Liệu có xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên và thiếu phòng học, trang thiết bị là hai mối lo lớn nhất của các địa phương được đề cập tại hội nghị trực tuyến triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới do Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức chiều 9-1.

Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Hai mối lo song hành
Học sinh lớp 1 sẽ chính thức học Chương trình giáo dục phổ thông mới vào năm học 2020-2021. Ảnh: Thái Hiền

Khó khăn kép

Một trong những mục tiêu của Chương trình giáo dục phổ thông là giảm tải, khắc phục tình trạng nặng về kiến thức, chưa quan tâm nhiều việc rèn kỹ năng ứng dụng, thực hành cho học sinh. Thực hiện mục tiêu này, trong chương trình mới có một số môn học mới như lịch sử và địa lý, khoa học tự nhiên, tin học và công nghệ… hoặc một số hoạt động giáo dục: Trải nghiệm, giáo dục địa phương…

Nhiều địa phương lo lắng về việc liệu có xảy ra tình trạng thừa - thiếu giáo viên hay không và đội ngũ giáo viên hiện nay có đáp ứng được yêu cầu của việc dạy các môn học, hoạt động giáo dục mới? Ông Nguyễn Minh Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Phú Thọ dẫn chứng: Toàn tỉnh Phú Thọ hiện còn thiếu hơn 1.000 giáo viên, trong đó chủ yếu ở môn tin học, ngoại ngữ và hầu hết giáo viên hai môn học này đều là giáo viên hợp đồng, chất lượng đội ngũ còn nhiều hạn chế.

Mối lo ấy không phải không có cơ sở, bởi hiện nay tin học và ngoại ngữ là hai môn tự chọn, dành cho học sinh từ lớp 3 trở lên, tùy theo điều kiện thực tế và nhu cầu của học sinh, việc triển khai ở các địa phương có sự khác biệt. Tuy nhiên, ở Chương trình giáo dục phổ thông mới, hai môn học này nằm trong nội dung giáo dục bắt buộc. 

Thống kê sơ bộ của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho thấy, tỷ lệ giáo viên/lớp ở cấp tiểu học trên cả nước hiện mới đạt 1,43 giáo viên/lớp (quy định là 1,5), trong đó chủ yếu thiếu giáo viên môn tin học, ngoại ngữ. Ở cấp trung học cơ sở lại có tình trạng thừa - thiếu cục bộ giữa các môn học ở một số trường hoặc giữa các địa phương trong cùng một tỉnh. Chẳng hạn, cả nước hiện còn thiếu hơn 10.000 giáo viên một số môn, nhưng lại thừa hơn 12.000 giáo viên các môn khác.

Thiếu phòng học, cơ sở vật chất lạc hậu cũng là tình trạng chung của nhiều địa phương. Trong số gần 600.000 phòng học của cả nước hiện nay, tỷ lệ phòng học kiên cố đạt 75%. Như vậy, còn khoảng 150.000 phòng học chưa đạt chất lượng. Chưa kể, tỷ lệ phòng học/lớp ở các cấp học đều thiếu, trung bình khoảng gần 0,9 phòng/lớp, trong khi yêu cầu của chương trình mới là phải đạt 1 phòng/lớp.

Gỡ khó theo lộ trình

Trước những băn khoăn của các địa phương về công tác chuẩn bị cơ sở vật chất để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới, ông Phạm Hùng Anh - Cục trưởng Cục Cơ sở vật chất và Thiết bị trường học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) nhận định: Mặc dù bức tranh chung về cơ sở vật chất có nơi, có chỗ chưa đạt yêu cầu, song từ nay tới năm học 2020-2021, các địa phương còn thời gian để xây dựng kế hoạch đầu tư phù hợp, ưu tiên bố trí đủ phòng học cho lớp 1, bởi chương trình mới thực hiện theo hình thức cuốn chiếu. Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ hỗ trợ để gỡ khó cho các địa phương theo lộ trình. 

Trước mắt, ngay trong quý I-2019, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành danh mục thiết bị tối thiểu lớp 1 để làm căn cứ cho các địa phương xây dựng kế hoạch mua sắm, đáp ứng yêu cầu của chương trình mới và hướng dẫn việc đầu tư, xây dựng bổ sung trường, lớp, cho phép nâng tầng ở những nơi khó khăn về quỹ đất... 

Lý giải cho việc không phải cứ thực hiện chương trình mới là phải mua sắm lại toàn bộ trang thiết bị dạy học như mối lo của nhiều địa phương, ông Phạm Hùng Anh khẳng định: Chương trình mới kế thừa và phát huy những ưu điểm của chương trình hiện hành. Bởi vậy, cơ sở vật chất hiện tại vẫn là cơ bản. Tuy nhiên, danh mục các thiết bị sẽ được điều chỉnh, bổ sung phù hợp để đáp ứng mục tiêu tăng kỹ năng ứng dụng và phát triển toàn diện cho học sinh. 

Giải tỏa mối lo về việc thừa - thiếu giáo viên, ông Hoàng Đức Minh - Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý cơ sở giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) thông tin: Chương trình mới không bớt môn học nào, nên chắc chắn không có giáo viên nào bị thừa. Thiết kế của các nội dung giáo dục của chương trình mới khác so với hiện tại, song về dung lượng các môn học không có nhiều thay đổi, nên đội ngũ giáo viên hiện tại đều có thể đáp ứng, chỉ cần được bồi dưỡng tốt. Với hai môn ngoại ngữ và tin học, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã xây dựng lộ trình đào tạo giáo viên chuyên ngành để bổ sung. 

Liên quan đến vấn đề này, ông Thái Văn Tài, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) làm rõ: Cấp tiểu học có môn học mới là lịch sử và địa lý. Mặc dù được thiết kế là môn học tích hợp, song giáo viên môn nào vẫn phụ trách nội dung môn đó. Tổng số tiết học so với hiện nay vẫn cơ bản ổn định, bởi vậy sẽ không có tình trạng thừa giáo viên.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ghi nhận tâm thế sẵn sàng của các địa phương và đề nghị các vụ, cục thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp thu những vấn đề của địa phương để có kế hoạch triển khai cụ thể, quan tâm hỗ trợ cho những nơi còn khó khăn; lưu ý các địa phương tạo dựng môi trường làm việc thân thiện và có chế độ đãi ngộ tương xứng để đội ngũ giáo viên nỗ lực hết mình vì sự nghiệp đổi mới.
Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Chử Xuân Dũng, Sở đã chủ động tham mưu UBND thành phố chuẩn bị các điều kiện, sẵn sàng triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới. Lãnh đạo thành phố đã thông qua việc xây dựng bổ sung hơn 200 trường học mới với tổng kinh phí hơn 5.000 tỷ đồng; tăng cường chỉ đạo các nhà trường khích lệ, tạo điều kiện để giáo viên đổi mới phương pháp dạy học theo hướng đẩy mạnh ứng dụng thực tế, dạy học tích hợp, các hoạt động trải nghiệm...
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ấn tượng sinh viên trường múa biểu diễn trong kỳ thi tốt nghiệp
    Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Chương trình thi Tốt nghiệp trình độ Trung cấp vào 3 ngày 14/5 đến 16/5 vừa qua với những nội dung thi như: múa cổ điển Châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa đương đại,…
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Ươm mầm” đảng viên trẻ góp phần tạo những tấm gương sáng cổ vũ phong trào thanh niên
    Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 02 học sinh ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
  • Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước
    Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và có xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.
Đừng bỏ lỡ
Triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới: Hai mối lo song hành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO