Theo khuyến cáo của Chính phủ, nếu được mời đến tiêm, người dân không nên chờ đợi, lựa chọn vaccine, sẽ lỡ mất cơ hội phòng bệnh, có loại nào tiêm ngay loại đó.
Quý III/2021, tiêm hết cho các đối tượng ưu tiên
Theo báo cáo của Bộ Y tế, với kế hoạch vaccine Covid-19 về trong thời gian tới (tháng 7/2021 có thể có khoảng 8 triệu liều từ các nguồn về Việt Nam); dự kiến đến quý III/2021 sẽ tiêm được cơ bản cho các đối tượng ưu tiên, trong đó, đủ số lượng để tiêm cho lực lượng sản xuất.Cũng theo Bộ Y tế, trong năm 2021, sẽ có 31 triệu liều vaccine Pfizer về Việt Nam, lô đầu tiên về trong tháng 7. Như vậy, vaccine của Pfizer của Mỹ là vaccine phòng Covid-19 thứ 4 được nhập khẩu vào Việt Nam, sau vaccine AstraZeneca của Anh, vaccine Sputnik V của Nga và vaccine Vero Cell của Công ty Sinopharm (Trung Quốc). Đây cũng là loại vaccine được quan tâm nhiều nhất hiện nay và được sử dụng nhiều tại Mỹ và châu Âu.
Tiêm vaccine phòng Covid-19 tại Bệnh viện Mắt Hà Nội 2. Ảnh: Thanh Hải |
|
GS.TS Đặng Đức Anh - Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho biết, vaccine Covid-19 có thời hạn sử dụng rất ngắn, chỉ khoảng 6 tháng, trong khi thời gian từ cơ sở sản xuất đến Việt Nam mất khoảng 2 tháng nên chỉ còn 3 - 4 tháng để triển khai tiêm. Đặc biệt với Pfizer, điều kiện bảo quản phải ở nhiệt độ âm sâu - 70 độ C, nếu ở nhiệt độ 2 - 8 độ C chỉ được dùng trong 1 tháng, vì vậy thời gian tới, Bộ Y tế sẽ phối hợp với các đơn vị Bộ Quốc phòng trên cả nước để đảm bảo việc bảo quản, vận chuyển vaccine đến các điểm tiêm trong thời gian ngắn nhất.Theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, từ các nguồn vaccine khác nhau, trong năm 2021, Việt Nam sẽ đủ 120 triệu liều tiêm cho người dân. Mỗi đợt vaccine về, Viện Kiểm định quốc gia về Vắc-xin và Sinh phẩm y tế sẽ kiểm định và xem xét cấp giấy phép, ngay sau đó phân bổ về các địa phương.
Sẵn sàng kích hoạt tiêm miễn phí và tiêm dịch vụ
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu Bộ Y tế cần hoàn thiện và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 trên toàn quốc. Đặc biệt, lưu ý một số nội dung, đầu tiên, Bộ Y tế phải dự kiến tiến độ, số lượng, từng loại vaccine về Việt Nam để phân bổ tiêm cho các đối tượng, không chỉ đáp ứng chuyên môn chống dịch, mà còn tính tới các tác động về kinh tế - xã hội, đối ngoại...
Bên cạnh đó, căn cứ vào tiến độ, loại vaccine dự kiến về Việt Nam, tình hình dịch bệnh và thứ tự đối tượng ưu tiên, Bộ Y tế triển khai tiêm trên tinh thần: Trước mắt bảo đảm công bằng giữa các nhóm đối tượng theo nguyên tắc tiếp cận công bằng vaccine của Liên Hợp quốc; tiếp đến, công bằng giữa các đối tượng, có xem xét đến sự đóng góp của các ngành kinh tế, tổ chức, đơn vị, DN, đảm bảo công khai, minh bạch.Trong tình hình hiện nay, Bộ Y tế phải có kế hoạch dự kiến khoảng thời gian tiêm mũi 1 và mũi 2 cũng như phương án tiêm đủ 2 mũi vaccine cho người dân. Đồng thời, Bộ Y tế nêu rõ thời điểm Việt Nam đạt được miễn dịch cộng đồng, trong đó tập trung cho những khu vực, địa phương có nguy cơ cao, các địa phương có mật độ giao lưu lớn, tập trung nhiều sản xuất công nghiệp, du lịch như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh...“Sau khi tiêm hết cho đối tượng ưu tiên, đạt được miễn dịch cộng đồng, Bộ Y tế phải chuẩn bị kích hoạt cơ chế tiêm chủng mở rộng (miễn phí) và tiêm dịch vụ; định hướng mới trong triển khai chiến dịch tiêm vaccine. Ngoài ra, Bộ Y tế cần đề xuất việc sử dụng kinh phí phục vụ việc tiêm vaccine từ nay đến cuối năm 2021 và thời gian tiếp theo” - Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh.
Không nên trì hoãn tiêm
Theo Bộ Y tế, tất cả các loại vaccine được Việt Nam phê duyệt đều đảm bảo hiệu quả phòng Covid-19 và chống lại các biến chủng mới nếu tiêm đủ hai liều theo khuyến cáo. Ở thời điểm hiện tại, vaccine Covid-19 sử dụng trước cho các đối tượng nguy cơ cao để hạn chế lây nhiễm và các biến chứng nguy hiểm của bệnh. Các đối tượng khác trong thời gian tới có thể tiếp cận khi lượng vaccine về dồi dào hơn.Vaccine đang được sử dụng tại Việt Nam từ tháng 3 đến nay là vaccine AstraZeneca. Theo thông báo của nhà sản xuất, vaccine này có hiệu lực bảo vệ phòng lây nhiễm trên 70% sau khi tiêm liều 1 ít nhất 3 tuần, và sau tiêm liều 2 đạt trên 80%. Nhiều ý kiến lo ngại về phản ứng cũng như hiệu quả bảo vệ của vaccine AstraZeneca, PGS.TS Dương Thị Hồng - Phó Viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương cho rằng, không có vaccine nào có hiệu quả phòng bệnh 100%, cũng như không có vaccine nào an toàn tuyệt đối.Trước thông tin thời gian tới, sẽ có nhiều loại vaccine về Việt Nam, nhiều người có tâm lý chờ đợi. Tuy nhiên, PGS.TS Dương Thị Hồng khuyến cáo: "Nếu được ngành y tế mời đến tiêm chủng, người dân nên đến tiêm, không nên lựa chọn chờ đợi vaccine, sẽ lỡ mất cơ hội phòng bệnh an toàn". Về các phản ứng có thể gặp sau tiêm vaccine, các chuyên gia y tế cho biết, tùy loại vaccine sẽ có một tỷ lệ nhất định người tiêm có biểu hiện phản ứng sau tiêm chủng. Phản ứng thông thường là đau, đỏ tại chỗ tiêm, mệt mỏi, sốt nhẹ, đau đầu, buồn nôn.
"Các dấu hiệu này tự khỏi trong 1 - 2 ngày sau tiêm và người được tiêm không cần điều trị. Đây là dấu hiệu bình thường gặp phải không chỉ ở vaccine phòng Covid-19, mà còn ở các loại vaccine phòng ngừa các bệnh truyền nhiễm khắc như sởi, ho gà, uốn ván…" - PGS.TS Dương Thị Hồng nói.Trên cơ sở khuyến cáo của WHO và thực tiễn kết quả triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19 của AstraZeneca tại Việt Nam trong những tháng qua, Chương trình Tiêm chủng Mở rộng Quốc gia khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, tích cực và chủ động thực hiện các khuyến cáo của các chuyên gia y tế, các cơ quan chuyên môn về tiêm vaccine phòng Covid-19. Khi đến lượt mình được tiêm, hãy đến các cơ sở của địa phương để được tiêm chủng, theo dõi sức khỏe, thông tin cho nhân viên y tế về các phản ứng sau tiêm."Ý thức và hành động của mỗi người sẽ chung tay, góp sức đưa Việt Nam sớm đạt được mục tiêu tiêm chủng vaccine phòng Covid-19, tạo miễn dịch cộng đồng để ngăn ngừa lây nhiễm SARS-CoV-2, phục vụ công cuộc phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cũng như hội nhập với quốc tế" - Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long nhấn mạnh.
Trong Thông báo 167/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại cuộc họp trực tuyến về công tác phòng, chống dịch Covid-19 ngày 23/6, Thủ tướng yêu cầu tiếp cận đa dạng các nguồn vaccine, thúc đẩy tiến độ đàm phán để mua vaccine nhanh nhất, nhiều nhất có thể. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Y tế ban hành kế hoạch cụ thể để triển khai nhanh nhất, hiệu quả nhất, an toàn nhất chiến dịch tiêm vaccine để chỉ đạo các địa phương, cơ quan, đơn vị thực hiện. Thủ tướng nhắc nhở cần truyền thông khách quan về việc tiếp cận bình đẳng tiêm các loại vaccine khác nhau, tránh tình trạng, tâm lý chờ đợi, lựa chọn vaccine, có loại nào phải dùng ngay loại đó, tinh thần là kịp thời, an toàn, hiệu quả.
Theo CDC Hà Nội, chiến dịch tiêm vaccine Covid-19 lần này rất lớn với mục tiêu tổ chức tiêm chủng nhanh nhất, cao điểm đạt 200.000 mũi tiêm/ngày trên địa bàn toàn Thành phố. CDC Hà Nội xây dựng dự kiến 3 phương án tổ chức: Phương án 1: Thiết lập 1.000 - 1.200 điểm tiêm trên toàn Thành phố, gồm cả lưu động và cố định; Phương án 2: Thiết lập 2 điểm tiêm/1 xã, phường; Phương án 3: Thiết lập điểm tiêm theo quy mô dân số. Sở Y tế Hà Nội yêu cầu các đơn vị tổ chức tiêm lập danh sách và quản lý đối tượng tiêm cụ thể, và vận động người đi tiêm theo đúng đối tượng; CDC Hà Nội và Sở Y tế sẵn sàng một số đội cơ động hỗ trợ các quận, huyện khi có yêu cầu.