Quá trình tìm hiểu kiệt tác “Truyện Kiều” của đại thi hào dân tộc Nguyễn Du đã đạt nhiều thành tựu, trong đó hướng nghiên cứu so sánh đã có lịch sử lâu dài và ngày càng trở nên quan trọng. Điển hình như vấn đề nghiên cứu so sánh “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân không chỉ là mối quan tâm của giới nghiên cứu mà còn thu hút cả dư luận xã hội - đặc biệt với việc viết sách giáo khoa và định hướng nhận thức, cảm thụ, giảng dạy trong nhà trường. Đồng thời, vấn đề này tiếp tục được nâng cấp thành đối tượng tìm hiểu, khảo sát chuyên sâu và mở rộng thành các cuộc tranh luận có ý nghĩa khu vực và quốc tế.
Phương hướng nghiên cứu so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện” vẫn tiếp tục là một đề tài hấp dẫn ở phía trước. Ảnh tư liệu.
Đã qua trên ba mươi năm kể từ ngày ông Đổng Văn Thành viết “So sánh “Truyện Kim Vân Kiều” Trung Quốc và Việt Nam” in trên “Minh Thanh tiểu thuyết luận tùng” (1986 - 1987) và bản dịch này cũng đã được công bố rộng rãi ở Việt Nam. Trước vấn đề khoa học “nhạy cảm” này, học giới chúng ta đã thể hiện rõ bản lĩnh học thuật, đủ năng lực và trình độ để thảo luận một cách công khai, dân chủ với Đổng tiên sinh qua các bài trao đổi của những học giả Phạm Tú Châu (1989, 1997), Hoàng Văn Lâu (1998), Nguyễn Khắc Phi (1999)… Ở đây, chúng tôi tập trung nhấn mạnh những hạn chế trong việc so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện” của ông Đổng trên hai phương diện chính: “Cần một quan điểm so sánh văn học đúng hướng” và “Cần đọc hiểu ngôn ngữ nghệ thuật “Truyện Kiều””…
Chủ quan định giá...
Đáng chú ý là sau khi xuất hiện loạt bài của nhà nghiên cứu Đổng Văn Thành (Trung Quốc) đã khiến nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam lên tiếng tranh luận mạnh mẽ; đồng thời tiến hành so sánh bản dịch ra Trung văn với nguyên tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du và chỉ rõ những bất cập trong thao tác nghiên cứu của ông Đổng. Ngược trở lại, vượt qua cách suy luận một chiều, cực đoan nhà thơ Trần Mạnh Hảo muốn coi tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” chỉ là “bộ xương”, “hình nhân bằng đất sét”, đến nay chúng ta đã hội đủ điều kiện tri thức khoa học và sự bình tĩnh để nâng cấp trình độ nghiên cứu so sánh “Truyện Kiều” và “Kim Vân Kiều truyện” lên một tầm cao mới. Định hướng chung là cần thiết coi trọng khảo sát văn bản trên tinh thần khoa học, từng bước tiếp cận đúng những cống hiến đích thực, những phương diện khác nhau cộng hưởng làm nên thiên tài nghệ thuật Nguyễn Du. Đồng thời chủ động đặt tương quan văn học này trong cội nguồn dòng chảy truyện thơ Nôm và trong quỹ đạo văn học truyền thống dân tộc; đi sâu lý giải chân giá trị và đặc trưng mỗi kiểu loại tác phẩm cũng như mối quan hệ ảnh hưởng - giao lưu văn hóa, đặt trong quá trình phát triển tư duy văn học ở phạm vi khu vực và có tính chất toàn thế giới. Đó cũng là mặt bằng, định hướng và triển vọng của tình hình nghiên cứu so sánh “Truyện Kiều” và “Kim Vân Kiều truyện” hiện nay.
Khi đặt vấn đề so sánh “Truyện Kiều” (tác phẩm sinh sau) so với cốt truyện nguồn “Kim Vân Kiều truyện”, bất cứ nhà nghiên cứu nào khác đều cần xác định mục đích của việc so sánh (chỉ ra vị thế và tương quan giữa hai tác phẩm; nhấn mạnh vai trò và kiểu thức “người môi giới” văn học, xét đoán các chuyển động về tư duy nghệ thuật và khả năng sáng tạo ở tác phẩm thứ phát…). Tiếc rằng, ông Đổng lại không đi sâu khai thác các nội dung trên mà chủ yếu nhằm chứng minh, định giá sự hơn - kém giữa hai tác phẩm một cách chủ quan, cơ giới.
Thực tế lịch sử tiếp nhận hai tác phẩm ở hai nước đã diễn ra theo những vectơ khác biệt, thậm chí có phần ngược chiều nhau. Đúng như Đổng tiên sinh đã cảm nhận với cách đặt nhan đề ở mục I - “Hai tác phẩm cùng tên có số phận khác nhau” và ghi nhận “Truyện Kiều” là “một truyện thơ nổi tiếng thế giới”, “viên ngọc sáng của văn học phương Đông”, được yêu thích và phổ biến rộng rãi ở Việt Nam. Cùng với đó, ông Đổng thừa nhận: “Truyện Kim Vân Kiều” của Nguyễn Du đã được dịch sang tiếng Anh, Pháp, Đức, Nhật, Tiệp và nhiều tiếng nước khác, trở thành một tác phẩm văn học phương Đông có ảnh hưởng trên thế giới”. Trong khi đó nguyên tác “Kim Vân Kiều truyện” ở ngay nơi sinh lại bị lãng quên, xem thường: “Ngoảnh đầu nhìn tiểu thuyết “Truyện Kim Vân Kiều” của Trung Quốc, số phận của nó cũng như số phận Vương Thúy Kiều – nhân vật chính trong truyện, bấy lâu nay đã bị đối xử rất không công bằng (…). Cuốn sách hầu như bị sổ toẹt, từ đó tiếng xấu lan xa trong ngoài nước”...
Quan sát và nhìn ra hiện tượng số phận “Truyện Kim Vân Kiều” ở hai nước nhưng ông Đổng lại chủ ý lược quy toàn bộ giá trị và mức độ phổ biến của tác phẩm ở Việt Nam về cốt truyện và nhân vật theo bản nguồn “hình tượng Vương Thúy Kiều của Trung Quốc được dân chúng Việt Nam đồng tình và yêu mến sâu sắc”... Điều này cũng có nghĩa rằng ông Đổng chưa quan tâm, chưa đi sâu lý giải thực chất vấn đề về khả năng Việt hóa, sáng tạo, chuyển hóa, phái sinh, tái sinh, phát triển, hoàn chỉnh cả về nội dung và hình thức nghệ thuật từ “Kim Vân Kiều truyện” đến “Truyện Kiều” và phổ văn hóa “Truyện Kiều” ở Việt Nam. Mặt khác, trên thực tế chỉ có giới nghiên cứu mới quan tâm, còn tuyệt đại nhân dân Việt Nam không hề biết đến “hình tượng Vương Thúy Kiều của Trung Quốc” và họ yêu mến Thúy Kiều chỉ bởi đã đọc, hiểu và yêu thích một “Truyện Kiều” của Nguyễn Du.
Khi đặt vấn đề trong phần II- “So sánh nhân vật và cốt truyện”, ông Đổng lại chỉ căn cứ vào đoạn tóm tắt tiểu thuyết “Truyện Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân (Trung Quốc, 1983) và ý kiến học giả Hoàng Dật Cầu trong lời giới thiệu bản dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Trung (1959) để đi đến kết luận hầu như là thúc vào cánh cửa đã mở sẵn: “Sau khi đối chiếu qua lại như trên chúng tôi có được một kết luận rõ ràng, dễ thấy, đó là nhân vật chính cùng tình tiết cốt truyện ở hai bộ “Truyện Kiều” của Trung Quốc và Việt Nam hoàn toàn giống nhau, kể cả kết cấu tự sự cũng không có chút thay đổi”… Sự khác biệt quan trọng ở đây là, trong khi ông Đổng mới dừng lại ở việc so sánh một cách cơ giới vấn đề kết cấu, cốt truyện, nhân vật thì hầu hết các nhà nghiên cứu Việt Nam và giới Kiều học còn mở ra nhiều hướng tiếp cận khác nữa thuộc về tâm lý sáng tạo, nội dung và nghệ thuật kiệt tác “Truyện Kiều”. Trên thực tế, rất tiếc rằng ông lại chưa tiếp xúc được với khối lượng khổng lồ tài liệu tiếng Việt nghiên cứu “Truyện Kiều”, càng chưa nói đến việc đọc, cảm thụ “Truyện Kiều” tiếng Việt. Đặt trong tương quan chung, đúng như ông Đổng xác nhận về một nghịch lý, tác phẩm “Truyện Kiều” sinh sau đến 160 năm lại có sức sống và lan tỏa khắp bốn phương, góp phần thức tỉnh và hồi sinh ngược trở lại bản gốc. Thực tế nói trên cho thấy đã diễn ra hai quá trình so sánh: lấy “Truyện Kiều” để so sánh với nguyên tác “Kim Vân Kiều truyện” và lấy “Kim Vân Kiều truyện” để so sánh với bản dịch Trung văn “Truyện Kiều” (đáng lẽ phải là “Truyện Kiều” tiếng Việt)… Đây là thách thức không phải chỉ bởi thiên kiến tình cảm mà căn bản bởi những nguyên tắc khoa học của bộ môn so sánh văn học đặt ra, cần được coi trọng và tuân thủ.
Không phải là “sự may mắn...”
Những thiên kiến, định kiến và cả hạn chế trong việc tiếp nhận “Truyện Kiều” đã khiến ông Đổng không đánh giá đúng khả năng lan tỏa và giá trị của tác phẩm này khi so sánh với “Kim Vân Kiều truyện”. Đặt trong tương quan chung, lịch sử tiếp nhận “Truyện Kiều” cho thấy đây là giá trị đích thực chứ không phải chỉ đơn giản là “sự may mắn của Nguyễn Du”. Rồi ngay cả khi ông Đổng nhiệt thành kêu gọi: “Tiểu thuyết “Kim Vân Kiều” của Thanh Tâm Tài Nhân cần được đánh giá lại, ảnh hưởng quan trọng của nó trong lịch sử văn học Trung Quốc, lịch sử văn học thế giới cần được thừa nhận và đánh giá công bằng” thì số phận tác phẩm vẫn không thay đổi được bao nhiêu. Thêm nữa, “Kim Vân Kiều truyện” của Thanh Tâm Tài Nhân được dịch in khá sớm ở Việt Nam (1925) nhưng trước sau vẫn chỉ được xếp loại “thường thường bậc trung”, vậy thôi... Thêm nữa, việc dịch tác phẩm văn xuôi thường vẫn thông thuận hơn thơ ca, vậy mà “Truyện Kiều” vẫn được dịch nhiều và ngày càng tỏa sáng trên văn đàn thế giới, trong khi tiểu thuyết “Kim Vân Kiều truyện” vẫn không có được sự chú ý cần thiết.
Không chỉ sai lầm từ xuất phát điểm của mục đích nghiên cứu so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện”, ông Đổng Văn Thành còn gặp một hạn chế không thể vượt qua là chỉ tiếp xúc với “Truyện Kiều” bản dịch tiếng Trung mà không đọc được bản tiếng Việt. Như nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu đã chỉ ra trong bài “Sóng gió bất kỳ từ một bản dịch” về những điểm bất cập (1989), kể từ hiểu sai đến chuyển tải sai ý thơ trong bản in của Hoàng Dật Cầu (1959) và khoảng cách tất yếu của tất cả các bản dịch so với nguyên tác. Ở đây chưa bàn đến niềm kính trọng và sự biết ơn to lớn của Phạm Tú Châu và mọi người Việt Nam nói chung trước việc Hoàng Dật Cầu dịch “Truyện Kiều” sang tiếng Trung mà chỉ giới hạn ở thực tế chất lượng bản dịch, và quan trọng hơn, cái cách mà người đi sau đã dựa vào bản dịch này để thực hành các thao tác so sánh. Đương nhiên việc dịch, đặc biệt với dịch thơ, chỉ có thể chuyển tải được ý thơ, tứ thơ mà không thể dịch được cái thần của chữ, nét vi diệu của nghĩa ẩn trong chữ, và càng không thể chuyển tải được những tình điệu sắc thái tu từ, âm điệu, nhịp điệu, tiết tấu, âm hưởng câu thơ.
Nói như thế để thấy rằng ông Đổng, cũng như những người đọc “Truyện Kiều” gián tiếp qua bản dịch, chỉ có thể nắm bắt được tương đối một phần nghĩa lý nào đó mà không thể hiểu được đầy đủ tác phẩm gốc và sẽ dẫn đến những so sánh đơn giản, cơ giới, phiến diện, một chiều. Chính vì lẽ đó mà việc ông Đổng mở rộng khảo sát, so sánh, phân tích và nhận diện những sai dị khi đối sánh bản dịch “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện” hầu như chỉ có ý nghĩa cho việc nhuận sắc, đính chính bản dịch chứ không soi sáng được thực chất giá trị thi phẩm.
Xét về tổng thể, ai cũng biết rằng toàn bộ “Truyện Kiều” là sự rút gọn và biến đổi ít nhiều cốt truyện “Kim Vân Kiều truyện”. Từ thực tế tiếp cận “Truyện Kiều” nói trên tôi cho rằng một số các nhà nghiên cứu Việt Nam chưa chú ý đầy đủ tới văn bản nguồn gốc, còn những ý kiến kiểu Đổng Văn Thành lại chỉ so sánh trên phương diện nội dung và các tín hiệu nghệ thuật chung nhất mà không chú ý tới sự chuyển đổi loại hình và khác biệt đặc trưng thể loại, không chú ý đầy đủ tới tâm lý tiếp nhận của dân tộc Việt Nam đối với ngôn ngữ “Truyện Kiều” và hồn thơ tiếng Việt. Vấn đề cốt yếu nhất, có thể nói thay vì so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện”, ông Đổng lại đi so sánh bản dịch Trung văn “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện”, khiến cho sự sai lầm càng đi xa hơn. Nhìn rộng ra, phương hướng nghiên cứu so sánh “Truyện Kiều” với “Kim Vân Kiều truyện” vẫn tiếp tục là một đề tài hấp dẫn ở phía trước.
Đón đọc kỳ tới:
Những ngả đường tiếp nhận “Truyện Kiều”