Bìa cuốn “Kiều” nôm lưu trữ tại thư viện Anh quốc (The British Library)
Văn bản Nôm và văn bản phiên âm chữ Quốc ngữ
Vấn đề đặt ra là cần xác định, đánh giá đúng diễn biến và thực trạng tình hình nghiên cứu, xác lập văn bản “Truyện Kiều” từ trước đến nay, từ đó mới có thể định hướng xây dựng được một bản “Truyện Kiều” khả dĩ dựa trên nền tảng khoa học của bộ môn văn bản học và “được đồng thuận cao”… Thực trạng hoạt động khảo cứu và xuất bản “Truyện Kiều” từ trước đến nay cần được nhận thức, xem xét ở hai dạng thức: văn bản chữ Nôm và văn bản phiên âm chữ Quốc ngữ.
Trước hết, nói về nguồn thư tịch “Truyện Kiều” chữ Nôm cần đặc biệt chú ý tới hiện trạng không còn bản gốc, thủ bút, nguyên tác “Truyện Kiều” của Nguyễn Du. Hơn nữa, bản Nôm có niên đại sớm nhất (mặc dù bị thiếu khuyết đến 864 câu, chỉ còn 2390/3254 câu), được nhà Liễu Văn Đường khắc in năm Tự Đức thứ 19, Bính Dần (1866), cách năm Nguyễn Du qua đời đến 46 năm, ngót nửa thế kỷ, khiến cho hoạt động san khắc sau này ngày một phức tạp.
Thực tế cho thấy không phải bản Nôm có niên đại khắc in sớm nhất đã là quý nhất, giá trị nhất, gần với nguyên tác nhất. Bởi lẽ, có bản dù được khắc in sớm nhưng lại dựa vào bản gốc có niên đại muộn, dung chứa nhiều sự sai lạc, trong khi bản khắc in sau có khả năng lại dựa vào bản gốc có niên đại sớm hơn, gần nguyên tác hơn? Trên cơ sở các bản “Truyện Kiều” Nôm hiện còn, tôi cho rằng cần dứt khoát trở lại với các bản Nôm cổ, định dạng ngay trong thế kỷ XIX. Điều này cũng có nghĩa rằng giới Kiều học đã thẩm định và xác định các bản “Truyện Kiều” Nôm xuất hiện vào thế kỷ XX không mấy giá trị, chỉ là sự sao chép, san khắc, nhuận sắc, nhuận chính, tái bản từ các nguồn văn bản thế kỷ XIX mà thôi. Nhìn lại diễn tiến lịch sử và diện mạo các bản Nôm “Truyện Kiều” có thể thấy khá rõ sự phân loại theo từng hệ phái, từng dòng như “bản phường”, “bản Kinh”, “bản Tiên Điền”, “bản Liễu Văn Đường”, “bản Quan Văn Đường”, “bản Duy Minh Thị”… Trên nền tảng từng dòng văn bản này có thể chọn lọc, xác định được bản trục và hệ thống các bản khảo dị nhằm đạt tới một văn bản “Truyện Kiều” Nôm “hướng về nguyên tác”, “phục nguyên”, “được đồng thuận cao”…
Về cơ bản, các nhà Kiều học cũng đã xác định rõ, phần lớn các bản phiên âm “Truyện Kiều” chữ Quốc ngữ từ cuối thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám 1945 thường chỉ căn cứ trên một bản Nôm, tức là phiên âm độc bản, có được bản Nôm nào thì phiên theo bản đó. Đây là hoạt động phiên dịch trong tình thế khi chưa sưu tập được nhiều bản Nôm và khoa văn bản học cũng chưa phát triển để lập trình bản trục cùng các bản khảo dị và chú giải…
Có một điều quan trọng cần ghi nhận, trong khi phiên âm theo lối “độc bản” thì các nhà Kiều học giai đoạn trước 1945 đã giải quyết được tương đối triệt để vấn đề chữ nghĩa trong từng bản “Truyện Kiều” Nôm, chưa kể đến thế hệ tiền bối này còn gắn bó, thấm đậm văn hóa Nho giáo, chữ Hán, am hiểu cả cách đọc Nôm và thi ca truyền thống. Chính nhờ thành quả của lớp cha anh đó mà thế hệ các nhà Kiều học sau này có thể kế tục phiên âm, khảo dị, chú giải “Truyện Kiều” một cách thuận lợi. Trong chừng mực nhất định, các bản phiên âm “Truyện Kiều” giai đoạn trước 1945 đã tự trở thành cổ điển, một loại thư tịch không thể thiếu được trong hoạt động nghiên cứu, phiên âm, khảo dị, chú giải “Truyện Kiều”.
Tiến bộ và hệ lụy
Do hoàn cảnh lịch sử qui định, trong khoảng thời gian 1945 - 1975 hầu như không có tiến bộ rõ rệt nào về việc công bố và khảo cứu chuyên sâu văn bản “Truyện Kiều” Nôm. Mặt khác, cũng do điều kiện kỹ thuật in còn hạn chế, hình thức ảnh ấn còn xa lạ nên ngay cả khi có được văn bản mới thì thường vẫn chỉ là những mô tả, thông tin thiếu cụ thể, chính xác. Trên cả hai miền, đóng góp lớn nhất về việc khảo cứu văn bản “Truyện Kiều” Nôm phải kể đến công trình “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh được xuất bản vào cận kề giai đoạn cuối (Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1974)…
Kể từ thời đất nước Đổi mới (1986) đến nay, hoạt động sưu tầm, khảo cứu, giới thiệu văn bản “Truyện Kiều” Nôm đạt được những tiến bộ vượt bậc nhưng cũng tạo nên hệ lụy “loạn Truyện Kiều”. Nhiều văn bản cổ thuộc thế kỷ XIX trước kia chỉ “nghe nói” thì nay đã được ảnh ấn trọn vẹn bên cạnh phần phiên âm, khảo dị, chú giải (các bản Liễu Văn Đường 1871, Duy Minh Thị 1872, Thịnh Mỹ Đường 1879 và Quan Văn Đường 1879…); đồng thời phát hiện, công bố thêm nhiều văn bản mới (Liễu Văn Đường 1866, Thiếu Tô Lâm 1870, chép tay ở thư viện Anh 1894…). Hoạt động kiểm kê, tổng kết, phát hiện, bổ sung, hệ thống hóa và giới thiệu một cách tương đối đầy đủ các bản “Truyện Kiều” phiên âm (có kèm theo ảnh ấn nguyên bản Nôm) đã tạo nên sinh khí mới cho bộ môn Kiều học.
Bên cạnh việc tái bản các văn bản “Truyện Kiều” Quốc ngữ trước 1945 (Bùi Khánh Diễn, Phạm Kim Chi, Nguyễn Can Mộng, Tản Đà, Lê Văn Hòe, Hồ Đắc Hàm, Bùi Kỷ và Trần Trọng Kim…), hoạt động xuất bản “Truyện Kiều” thời Đổi mới diễn ra chủ yếu theo ba phương cách. Đó là tầm nguyên, “hướng về nguyên tác”, “phục nguyên”, tức là tạo lập một văn bản “Truyện Kiều” Quốc ngữ mới dựa trên nhiều bản Nôm khác nhau (Vũ Văn Kính, Nguyễn Quảng Tuân, Nguyễn Khắc Bảo, Trần Nho Thìn – Nguyễn Tuấn Cường, Phạm Đức Huân, Hội Kiều học…). Phương cách thứ hai là phiên âm, chú giải chuyên biệt về từng bản “Truyện Kiều” Nôm (Đào Thái Tôn, Nguyễn Quảng Tuân, Thế Anh, Nguyễn Bá Triệu, Nguyễn Tài Cẩn, Nguyễn Khắc Bảo…). Đi theo hướng giải quyết dứt điểm từng văn bản “Truyện Kiều” Nôm, Nguyễn Tài Cẩn có ba công trình chuyên sâu: “Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872” (2002), “Tư liệu Truyện Kiều: Từ bản Duy Minh Thị đến bản Kiều Oánh Mậu” (2004), “Tư liệu Truyện Kiều: Thử tìm hiểu bản sơ thảo Đoạn trường tân thanh” (2008)… Phương cách thứ ba là đan xen cả hai cách và tạo dựng văn bản mới trên cơ sở tổ hợp các bản “Truyện Kiều” Quốc ngữ (Nguyễn Khắc Bảo, Lê Quế, Mai Quốc Liên, Đỗ Minh Xuân…). Thực tế cho thấy, tùy thuộc vào nhận thức và phương cách xử lý văn bản “Truyện Kiều” Nôm cũng như cách thức ứng xử với các bản phiên âm Quốc ngữ của người đi trước sẽ dẫn đến hiệu quả và chất lượng các văn bản “Truyện Kiều” mới xuất bản gần đây.
Gắn liền với không khí “trăm hoa đua nở” trong việc xuất bản “Truyện Kiều” gần đây lại là tình trạng “loạn Truyện Kiều” và sự xuất hiện không ít nhà văn bản học “tay ngang” (còn chưa phân biệt rõ “bản gốc” - photo, “nguyên bản” - biên soạn). Xin dẫn hai hiện tượng. Thứ nhất, nhà thơ Vương Trọng nghiêm khắc góp ý: “Những năm gần đây, tác phẩm của Nguyễn Du, đặc biệt là “Truyện Kiều” được xuất bản khá rầm rộ. Ngoài việc tái bản các công trình của các học giả thời trước, nhiều soạn giả mới cũng xuất hiện và cho xuất bản “Truyện Kiều” của mình. Nếu như cách đây dăm chục năm, tìm được một quyển “Kiều” để đọc là một việc khó khăn, thì giờ đây, vào hiệu sách nào ta cũng gặp, tha hồ chọn lựa. Trước hết, đó là điều may mắn cho bạn đọc về mặt số lượng. Còn chất lượng thì sao? Công trình của một số soạn giả mới xuất hiện những năm gần đây chất lượng còn thật hạn chế, dễ làm bạn đọc hiểu sai lệch về nhiều câu, nhiều ý trong “Truyện Kiều”. Tác phẩm “So sánh dị bản Truyện Kiều” của soạn giả Lê Quế, do Nhà xuất bản Hội Nhà văn xuất bản năm 2006 là một quyển sách như thế” (Nguồn: “Xin đừng hiệu đính Truyện Kiều như thế”. vnca.cand.com.vn › doi-song-van-hoa, 14/7/2008)… Thứ hai, tập sách “Truyện Kiều Nguyễn Du với tiếng Việt hiện đại, phổ thông, đại chúng và trong sáng” cũng phải nhận sự chỉ trích mạnh mẽ từ nhà văn Nguyễn Quang Thân: “Tự cho chữ của mình “hay hơn Nguyễn Du” để lấy lý do đó “sửa” hàng ngàn từ “Truyện Kiều” như Đỗ Minh Xuân đã làm là xúc phạm tiền nhân […]. Tôi có thể không ngạc nhiên mấy về hành động của ông Đỗ Minh Xuân, nhưng tôi vẫn nghi ngờ, không tin nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin lại xuất bản một cuốn sách như thế. Biết đâu đây là một hành động “mạo danh”, in chui dưới cái tên của nhà xuất bản này” (Nguồn: “Sửa hơn 1.000 đơn vị từ của Truyện Kiều: Một hành động vô đạo!” khoavanhoc-ngonngu.edu.vn, 28/2/ 2015)…
Trên thực tế, sau Đào Duy Anh (1974), khoa văn bản học “Truyện Kiều” hầu như không có thêm thành tựu đột xuất nào. Trước hết, căn bản dung lượng “Truyện Kiều” (3254 câu thơ) không thay đổi. Khác chăng chủ yếu ở một số cách phiên âm khác nhau, không làm thay đổi diện mạo “Truyện Kiều”, kể cả có người muốn làm cuộc “cách mạng” mà thực chất lại làm gia tăng tình trạng nhiễu loạn văn bản “Truyện Kiều”.
Những năm gần đây đã và rồi sẽ còn có thêm nhiều bản “Truyện Kiều” phiên âm Quốc ngữ khác nữa. Vấn đề quan trọng nhất là cần phải có cách xử lý, lựa chọn, hiệu chỉnh văn bản Nôm một cách chuẩn mực, dựa trên căn bản các phương pháp và thao tác của khoa văn bản học. Do những yêu cầu khác nhau của người đọc “Truyện Kiều” mà việc xuất bản sẽ có những cách thức ứng xử phù hợp (in văn bản phiên âm kèm theo nguyên văn một bản chữ Nôm, hoặc in văn bản phiên âm theo bản trục có bản khảo dị kèm theo ảnh ấn bản trục, hoặc chỉ in phần phiên âm phục vụ đại chúng mà không cần thêm bản chữ Nôm…).
Thay cho lời kết, xin dẫn lại đôi dòng về quan niệm văn bản, phương pháp phiên âm và định hướng nghiên cứu của Giáo sư Nguyễn Tài Cẩn: “Nói chung, chúng tôi luôn luôn cố gắng phiên âm theo sát mặt chữ, chỉ những trường hợp thật chắc sai chúng tôi mới chữa. Còn những trường hợp chúng tôi chỉ mới cảm thấy băn khoăn về mặt ý nghĩa của câu của chữ thì chúng tôi vẫn tôn trọng văn bản. Những trường hợp này, nếu xét thấy cần điều chỉnh lại thì chúng tôi xin dành quyền đó cho giới nghiên cứu sau này sẽ làm chứ chúng tôi ít khi dám tự tiện tiến hành trước... Mục đích của chúng tôi khi xuất bản cuốn sách này là phổ biến cho anh chị em trong nước biết về bản Nôm Duy Minh Thị, vì hiện chỉ còn một hai bản lưu trữ ở nước ngoài. Có bản Nôm đó trong tay thì giới nghiên cứu sẽ tự rút ra được những kết luận cần thiết” (Tư liệu Truyện Kiều: Bản Duy Minh Thị 1872. Nxb. Đại học Quốc gia Hà Nội, 2002, tr.398)...
Đón đọc kỳ tới:
Ông Đổng so sánh “Truyện Kiều” và
“Kim Vân Kiều truyện”