Hòa mình vào bầu trời
Dù mới chỉ 8 - 9h nhưng điểm tập kết tại chân đồi Bù đã vô cùng nhộn nhịp. Những chuyến ô tô chở khách lên đỉnh đồi liên tục kín chỗ. Đồi Bù cao 833m so với mực nước biển, có độ dốc khá gắt. Phải là những tay lái cứng, quen thuộc địa hình mới có thể điều khiển ô tô lên tới đỉnh.
Bãi cất cánh nằm trên đỉnh đồi khá rộng và bằng phẳng. Nhiều du khách, thậm chí cả các em nhỏ, đang chờ đến lượt trải nghiệm. Trong khi đó, các phi công khá vất vả khi phải liên tục cất - hạ cánh để phục vụ các “thượng đế” hay kiểm tra lại hệ thống dây bảo vệ nhằm bảo đảm an toàn cho du khách. Nếu không cẩn thận, chỉ cần một sơ suất nhỏ cũng sẽ ảnh hưởng đến an toàn bay.
Khi bắt đầu, phi công sẽ hỗ trợ du khách đeo dây đai bảo vệ đúng cách, đồng thời hướng dẫn cách dựng dù, chạy đà và sử dụng các thiết bị chụp ảnh, quay phim nhằm lưu giữ những hình ảnh đẹp trong hành trình trải nghiệm. Khi đã sẵn sàng, cả phi công lẫn du khách sẽ chạy thật nhanh để lấy đà và lao ra khỏi mép núi. Đó thực sự là một cảm giác vừa sợ hãi tột độ khi bị hẫng độ cao, lại vừa háo hức khi thấy mình từ từ bay lên nhờ sự điều khiển tài tình của phi công và thoải mái phóng tầm mắt ngắm nhìn một vùng đồng bằng trù phú bên dưới. Những mảng xanh của rừng cây, màu vàng của lúa hay các thảm hoa màu đan xen, tạo thành những ô màu sinh động. Du khách sẽ vô cùng thích thú khi được bay qua những vạt cỏ lau trắng xóa sườn đồi. Khung cảnh nên thơ ấy sẽ là trải nghiệm ấn tượng và đáng nhớ, nhất là khi được tận hưởng cảm giác được bay lơ lửng giữa bầu trời xanh trong, thả mình vào thiên nhiên để cảm nhận rõ rệt sự tự do tự tại và khung cảnh tuyệt vời xung quanh.
Để hoạt động dù lượn “cất cánh”
Đa phần các phi công đang hoạt động tại đồi Bù đều là những người đã qua đào tạo và được Câu lạc bộ Dù lượn Hàng không phía Bắc cấp chứng chỉ, với các tiêu chí phải đạt về giờ bay và tham gia các khóa huấn luyện hằng năm để trau dồi kỹ thuật. Việc bay dù đôi phục vụ nhu cầu trải nghiệm của du khách chỉ là “nghề tay trái” của các phi công. Họ đều là những người có công việc ổn định và đến với dù lượn vì niềm đam mê. CEO của trang web duluon.vn Bùi Phương Thảo cho biết, những năm gần đây, do nhu cầu bay dù của người dân Thủ đô ngày càng lớn nên điểm bay tại đồi Bù trở nên “hot” hơn bởi đáp ứng được các tiêu chí: Độ cao vừa phải, an toàn, khoảng cách di chuyển gần, chi phí thấp... Thời điểm bay đẹp nhất là vào dịp cuối năm, từ tháng 10-12 dương lịch hoặc mùa hè. Vào dịp cao điểm, mỗi ngày có hàng nghìn lượt khách tới đây trải nghiệm. Không ít du khách trẻ sau khi bay đã đăng ký các khóa học nhằm thỏa mãn niềm đam mê. Tại Hà Nội hiện có khoảng 300 phi công được đào tạo bài bản đang sinh hoạt tại các câu lạc bộ bay dù lượn.
Chị Nguyễn Châu Ly (45 Trần Hưng Đạo, quận Hoàn Kiếm) chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên tôi được bay dù lượn - một trải nghiệm mới mẻ và khác biệt. Tôi đã từng thấy dịch vụ này khi đi du lịch ở nước ngoài, nhưng không nghĩ lại có thể trải nghiệm một cách dễ dàng ngay tại Hà Nội. Có bay mới thấy, phong cảnh thiên nhiên của Việt Nam không hề thua kém quốc gia nào trong khu vực”.
Theo Huấn luyện viên trưởng dù lượn Câu lạc bộ Hàng không phía Bắc Trần Hoàng Kim, với điều kiện địa hình đa dạng, Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ loại hình du lịch thể thao bay dù lượn tại nhiều địa phương. “Việt Nam có tiềm năng và lợi thế lớn trong việc phát triển loại hình du lịch thể thao này. Điều kiện kinh tế và chất lượng cuộc sống của người dân hiện nay đã được cải thiện hơn trước, do đó, ngày càng nhiều người theo đuổi niềm đam mê với dù lượn. Không chỉ là một môn thể thao, loại hình này khi kết hợp với du lịch còn góp phần giúp các địa phương tăng cường quảng bá hình ảnh, thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao. Nếu được tạo điều kiện thuận lợi để mở thêm các điểm bay có cảnh quan đẹp, chắc chắn nhiều địa phương sẽ còn phát triển du lịch mạnh mẽ hơn”.
Cũng theo huấn luyện viên Trần Hoàng Kim, việc phát triển sản phẩm du lịch kết hợp với bay dù lượn còn góp phần lan tỏa tình yêu với môn thể thao này đến nhiều người, qua đó góp phần tăng số lượng và hình thành nên một đội ngũ vận động viên có chất lượng trong tương lai. Đó chính là yếu tố nâng cao năng lực cạnh tranh và vị thế của môn thể thao dù lượn cũng như loại hình du lịch thể thao này ở Việt Nam lên top đầu trong khu vực.