Tổng tiến công mùa Xuân 1968: Ký ức về một thời “hoa lửa”

TTXVN| 29/01/2018 11:35

Đã 50 năm trôi qua nhưng những chiến công, trận đánh vang dội trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 vẫn còn in đậm trong ký ức của nhiều nhân chứng lịch sử về một thời “hoa lửa”.

Ông Nguyễn Hữu Đức (89 tuổi, quê xã An Đức, huyện Ba Tri, tỉnh Bến Tre) cho biết, khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 diễn ra, ông là Phó thư ký Ty Nông dân tỉnh Rạch Giá - thuộc Ban Chỉ huy thống nhất mặt trận thị xã. Cuối năm 1967, Tỉnh ủy Rạch Giá (cũ) triển khai Nghị quyết “Quang Trung” đến cán bộ cốt cán ở Xẻo Lá, huyện An Biên nhằm quán triệt tinh thần trách nhiệm, chuẩn bị tư thế sẵn sàng khi có lệnh.
Do tuyệt đối bí mật nên ông cũng không biết Nghị quyết “Quang Trung” là gì mà chỉ biết sẵn sàng lên đường khi có lệnh của cấp trên. Sau đó Tỉnh ủy Rạch Giá đã triệu tập cuộc họp khẩn ở Xẻo Cạn, huyện An Biên và phổ biến tinh thần chiến dịch cho mỗi người…
Ông Hai Đức được phân công đi cùng Ban Chỉ huy tiền phương, trong đó có ông Lâm Kiên Trì - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chính ủy Ban Chỉ huy thống nhất mặt trận thị xã Rạch Giá. Theo lộ trình các thành viên sẽ đi từ Xẻo Cạn, tới xép Ba Tàu để qua huyện Giồng Riềng, tiến lên Tân Hiệp để qua lộ Cái Sắn và kênh xáng Tân Hội để vào nội ô Rạch Giá được thuận tiện.
Thế nhưng khi đến huyện Giồng Riềng, đồng chí Bí thư huyện ủy đang triển khai công tác binh vận nên ông Lâm Kiên Trì đã truyền đạt cho ông Hai Đức về giờ “G” và kế hoạch tấn công của chiến dịch. Đến lúc đó ông Hai Đức mới biết nghị quyết “Quang Trung” là gì. Ông Hai Đức còn nhớ như in trong lệnh có đoạn “Ngàn năm mới có ngày này,” “Trường Sơn chuyển mình, Cửu Long dậy sóng.” Mỗi người đều sẵn sàng nhận nhiệm vụ được phân công.
Ấn tượng sâu sắc nhất trong cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 ở Rạch Giá lúc đó, Kiên Giang hiện nay đối với ông Hai Đức là là đồng bào các dân tộc Kinh, Hoa, Khmer ai ai cũng muốn đóng góp sức người, sức của, tham gia chiến đấu. Không khí nô nức chưa từng có, nhiều thanh niên đang lao động ngoài đồng cũng gia nhập lực lượng vũ trang, chiều vào biên chế, tối đi đánh trận. Ta chuyển quân, tiếp tế chiến trường đi và về như con thoi. Hàng ngàn chiếc ghe xuồng, vỏ máy được trưng dụng của nông dân chạy theo kênh xáng trên địa bàn huyện Tân Hiệp để ra Rạch Giá. Ghe, vỏ máy nào hết xăng dầu thì ghé xin người dân hoặc mua trả sau. Còn những người buôn bán lúc đó cũng xem như mình có nghĩa vụ góp phần cho cuộc Tổng tấn công…
Điều đáng ghi nhận là thời điểm đó, được sự tuyên truyền về chính sách Mặt trận, nhiều người theo đạo Công giáo đã nhận ra chính nghĩa, hiểu đúng về cách mạng; qua đó, ta đã xây dựng được một số cơ sở trong đồng bào di cư theo đạo Thiên Chúa giáo ở huyện Tân Hiệp.
Cũng là một nhân chứng lịch sử, bà Nguyễn Thị Liên (80 tuổi), nguyên Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Gò Quao, tỉnh Rạch Giá (cũ) nhớ lại: Sau khi nhận nhiệm vụ từ Tỉnh ủy, bà được phân công vận động, tập hợp và củng cố lực lượng địa phương để phối hợp tiếp tế với lực lượng vũ trang. Sau khi đã đủ mạnh, được lệnh từ cấp trên, phụ nữ từ các huyện Gò Quao, An Biên, Vĩnh Thuận, Châu Thành tập hợp thành hàng ngàn người đấu tranh chính trị căng biểu ngữ, giương cờ, hô khẩu hiệu kéo ra Tắc Cậu, Minh Lương, huyện Châu Thành để phối hợp với mũi vũ trang thực hiện cuộc tổng tiến công ra tỉnh.
Quân địch đã khủng bố, xả súng bắn vào đoàn người đấu tranh chính trị khiến một số người bị thương, đặc biệt, trong đoàn có má Hai ở xã Vĩnh Tuy, huyện Gò Quao đã hy sinh. Không nao núng, chúng ta tiếp tục đấu tranh với địch, từ đấu tranh chính trị chuyển sang đấu tranh chống cảnh sát, đòi bồi thường, đến khi có lệnh mới rút về.
Bà Liên chia sẻ trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, giai đoạn tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 rất có ý nghĩa đối với bà. Điều bà Liên rất ấn tượng là lúc đó nhà nhà đều làm bánh để tiếp tế cho lực lượng vũ trang, chính trị, binh vận…
Sau chiến dịch Mậu Thân 1968 bà Liên được giao đảm nhiệm nhiều công việc cho đến ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Sau giải phóng miền Nam, bà Liên tiếp tục tham gia công tác, bà từng là Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Kiên Giang. Năm 1996 bà nghỉ hưu và làm Phó Chủ tịch Hội Bảo trợ Bệnh nhân nghèo tỉnh Kiên Giang cho đến nay./.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Các xã, phường mới của Hà Nội sau khi sáp nhập
    Sau khi sắp xếp lại, Hà Nội có 526 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 160 phường, 345 xã và 21 thị trấn.
  • Chợ Bến Thành được xếp hạng là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp thành phố
    Chợ Bến Thành là một trong những địa danh tiêu biểu của TP HCM, lịch sử hình thành chợ gắn liền với đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn.
Đừng bỏ lỡ
Tổng tiến công mùa Xuân 1968: Ký ức về một thời “hoa lửa”
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO