Khơi tiếp mạch nguồn tình yêu Hà Nội
Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội ra đời từ mối lương duyên của báo Thể thao & Văn hóa với gia đình cố danh họa Bùi Xuân Phái. Với mục đích tôn vinh những tác giả, tác phẩm, việc làm, ý tưởng “có hàm lượng nghệ thuật và khoa học cao, gắn bó với các mặt của đời sống Hà Nội và thấm đượm một tình yêu Hà Nội” ngay từ khi ra đời giải thưởng đã khẳng định được uy tín và có sức lan tỏa lớn. Hệ thống giải thưởng gồm: 1 Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội (dành cho tác giả gắn bó với Hà Nội bằng cả cuộc đời, sự nghiệp của mình) cùng 3 giải đồng hạng là giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội, giải Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội và giải Việc làm - Vì tình yêu Hà Nội.
Ông Ngô Văn Quý - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Nguyễn Đức Lợi - Tổng Giám đốc TTXVN trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội cho ông Nguyễn Bá Đạm. Ảnh: ĐT
Trải qua 10 mùa giải, đã có 9 Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho: Nhà Hà Nội học Nguyễn Vinh Phúc (2009), nhà văn Tô Hoài (2010), Giáo sư Phan Huy Lê (2011), nghệ sĩ guitar Văn Vượng (2012) và nhiếp ảnh gia Quang Phùng (2013); nhà nghiên cứu Vũ Tuân Sán (2014); nhà nghiên cứu Giang Quân (2015), nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Vượng (2016), nhà văn hóa Hữu Ngọc (2017) cùng gần 50 giải thuộc các hạng mục giải Tác phẩm, Ý tưởng, Việc làm.
Theo ông Lê Xuân Thành - Tổng biên tập báo Thể thao & Văn hóa, Trưởng BTC giải thưởng: “Ban đầu khi mới thành lập giải, chúng tôi có thoáng lo ngại rằng, liệu hằng năm có liên tục xuất hiện những con người “Vì tình yêu Hà Nội” hay không để BTC chúng tôi lập hồ sơ, đề cử và trao giải? Liệu trao mãi có đến ngày sẽ “hết vốn” đề cử? Thực tế của những năm trước và năm nay cho thấy, có một dòng chảy của những tình yêu Hà Nội vẫn không ngừng lớn mạnh trong cuộc sống đời thường vất vả, xô bồ hôm nay. Giải thưởng Bùi Xuân Phái năm nay không chỉ 12 mà còn nhiều hơn nữa những hồ sơ xứng đáng được đưa vào danh sách đề cử chính thức, và không chỉ 6 giải thưởng, mà chúng tôi cũng như HĐGK còn muốn trao nhiều hơn nữa, bởi tất cả đều là những tác phẩm, ý tưởng, việc làm truyền cảm hứng mạnh mẽ trong công chúng. Những tác phẩm, ý tưởng, việc làm của chủ nhân các đề cử cũng đã tác động rất mạnh mẽ đến những suy nghĩ của chúng tôi về trách nhiệm xã hội của mình. Đó chính là lý do mà chúng tôi quyết tâm phát triển Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội ngày càng lớn mạnh hơn, để đóng góp một phần sức lực nhỏ bé của mình cho Thủ đô”.
Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 năm nay tiếp tục được đánh giá là một mùa “bội thu” các đề cử. Báo cáo tổng kết của HĐGK cho biết trên cơ sở theo dõi chặt chẽ các hoạt động "vì tình yêu Hà Nội" trong thời gian gần 1 năm (từ 8/2017 đến 7/2018), Ban sơ khảo đã chọn ra hơn 40 tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm thỏa mãn các tiêu chí chung của giải thưởng. Sau 2 vòng chấm, HĐGK đã nhất trí chọn ra 12 đề cử chính thức và trao 6 giải thưởng trên 4 hạng mục giải.
Nhà thơ Bằng Việt - Chủ tịch Hội đồng giám khảo chia sẻ: “Chúng tôi cũng hết sức bất ngờ khi cầm trên tay các hồ sơ đề cử. Có thể những tác giả, tác phẩm, ý tưởng, việc làm được chọn đề cử năm nay, chúng ta cũng từng được nghe nhắc đến đây đó trong dư luận. Nhưng khi được soi chiếu dưới góc độ “Vì tình yêu Hà Nội” đúng như tiêu chí của giải, thì vẻ đẹp bất ngờ của chúng lại hiện lên, khiến chúng ta càng thêm cảm phục, trân trọng. Có thể nói, mỗi mùa Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lại “chạm” vào tận sâu thẳm con tim của những người yêu Hà Nội, mà trong cuộc sống đời thường, cảm xúc ấy có thể bị phân tán đi”.
Tôn vinh những đóng góp vì tình yêu Hà Nội
Lễ trao giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội năm 2018 đã khép lại mùa giải thứ 11 với 6 giải thưởng trên 4 hạng mục giải được tôn vinh. Hạng mục Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội được trao cho “ông giáo”, “nhà sưu tầm”, “nhà nghiên cứu” Nguyễn Bá Đạm - một nhân chứng sống của đất văn vật Hà Nội, đã có những cống hiến thầm lặng gần như cả cuộc đời cho văn hóa, lối sống Thủ đô. Ông Đạm sinh năm 1922, người làng Mọc, Giáp Nhất (Hà Nội), nguyên là giáo viên dạy sử trường Phan Đình Phùng. Ông được coi là người bạn tri kỷ tri âm của họa sĩ Bùi Xuân Phái và là bạn tâm giao của danh họa Nguyễn Tư Nghiêm, Dương Bích Liên, Nguyễn Sáng, kết giao như anh em với nhà văn Nguyễn Tuân... và giữ nhiều kỷ vật về họ. Ông cũng còn đóng vai "người mẫu" của danh họa Bùi Xuân Phái nhiều nhất với 242 ký họa chân dung. Ngoài dạy học, ông Nguyễn Bá Đạm còn đam mê sưu tầm cổ vật, nhiều nhất là tiền cổ, được mệnh danh là “kỳ nhân tiền cổ Hà thành”. Ngoài tiền cổ, ông còn có thú sưu tầm những kỷ vật về các văn nghệ sĩ.
BTC và đại diện gia đình cố họa sĩ Bùi Xuân Phái trao chứng nhận và tặng hoa cho 12 đề cử của Giải thưởng “Bùi Xuân Phái - Vì Tình yêu Hà Nội” năm 2018. Ảnh: ĐT
Đến nay, mặc dù đã tuổi cao (96 tuổi), ông Nguyễn Bá Đạm vẫn mẫn tiệp, say mê với công việc. Ông đã in được 2 cuốn sách Thuở ấy Hà Nội, Hà Nội những câu chuyện kể từ cuối TK 19 - 20, và hiện đang gấp rút hoàn thiện bản thảo tập Hà Nội xưa kia, Những chuyện chưa kể về các danh họa Hà Nội. Đưa cuộc đời, sự nghiệp của ông Nguyễn Bá Đạm vào đề cử Giải thưởng Lớn – Vì tình yêu Hà Nội là sự tri ân của thế hệ sau đối với người lưu giữ ký ức của Hà Nội gần một thế kỷ qua, là hiện thân của một “Tâm hồn Hà Nội”.
Hạng mục Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội được trao cho tập thơ Ta còn em (NXB Hội Nhà văn, 2018) của nhà thơ Phan Vũ. Ta còn em mở đầu bằng trường ca Em ơi Hà Nội phố với trọn vẹn 443 câu thơ chia thành 24 khổ. Đây là bài thơ mà mọi người mới chỉ biết đến qua 21 câu thơ được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc trong bài hát cùng tên. Phần 2 của tập thơ Ta còn em giới thiệu những tác phẩm đặc sắc của Phan Vũ nhưng chưa “có duyên" được bạn đọc biết đến rộng rãi, xoay quanh 3 chủ đề: tình yêu, thế sự, những bức chân dung tự họa bằng thơ. Tháng 7/2018, Phan Vũ cũng ra mắt triển lãm tranh “Em ơi, Hà Nội phố”, với những bức tranh được sáng tác từ chính những nguồn cảm hứng trong trường ca về Hà Nội này.
Đồng giải thưởng ở hạng mục Tác phẩm là bộ phim Mon Hanoi (Hà Nội của tôi) của cựu đại sứ Pháp tại Việt Nam - Jean Noel Poirier. Hà Nội của tôi ra mắt khán giả Việt Nam vào tháng 10/2017 là bộ phim tài liệu đầu tay do ông cùng anh trai là đạo diễn Louis Marcel Poirier thực hiện, trong đó Jean Noel Poirier là người viết kịch bản. Phim là cuộc hành trình dạo quanh khám phá những “bí mật nhỏ về Hà Nội”, với những góc nhìn độc đáo, tỉ mỉ về Thủ đô “nhiều khiếm khuyết cùng vô số nét duyên” của một “người Việt Nam gốc nước ngoài”.
2 giải thưởng hạng mục Việc làm – Vì Tình yêu Hà Nội thuộc về Việc hiến tặng cho Hà Nội hai mỏ neo cổ nhiều giá trị của ông Quách Văn Địch và Việc xây dựng “phố bích họa” Phùng Hưng do UBND quận Hoàn Kiếm, Korea Foundation và UN-Habitat phối hợp thực hiện trong khuôn khổ Dự án hợp tác chung Việt Nam - Hàn Quốc mang tên "Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn". Ông Địch đã bỏ ra gần chục cây vàng để mua 2 chiếc mỏ neo cổ quý hiếm dưới sông Hồng, rồi lại tự nguyện hiến tặng cho Bảo tàng Hà Nội dù hiện vật này đã được trả giá nhiều tỷ đồng... Hiến tặng cặp mỏ neo đã gắn bó với mình ngót 20 năm, ông Địch động viên vợ mình rằng: "Ngần ấy vàng là một món tiền lớn, nhất là trong bối cảnh của nhà mình. Nhưng cứ để vậy, mỏ neo sẽ hỏng. Mà ngay cả khi chưa hỏng, chỉ cần nó không giữ nguyên được hình dạng ban đầu, thì vợ chồng mình sẽ còn tiếc hơn vì cảm thấy có lỗi với quá khứ, với lịch sử Hà Nội"
Theo HĐGK quyết định đưa việc xây dựng phố bích họa vào danh sách đề cử chính thức là bởi chất lượng nghệ thuật, sự công phu và cả vì kế hoạch dài hơi của thành phố muốn đánh thức không gian văn hóa công cộng ở các khu phố quanh cầu cạn đường sắt khu vực Long Biên. Dự án này có ý nghĩa đúng như tên chính thức của nó: Nghệ thuật cho một không gian sống tốt đẹp hơn.
Vượt lên 3 đề cử, đề xuất của PGS Nguyễn Văn Huy và các nhà khoa học về di chỉ Vườn Chuối được HĐGK đánh giá cao và được trao giải Ý tưởng – Vì tình yêu Hà Nội. Di chỉ này đã được phát hiện từ năm 1969 và trải qua nhiều cuộc khai quật khác nhau. Từ những cuộc khai quật ấy, hàng ngàn di vật đã phát lộ. Các nhận định ban đầu cho rằng khu vực này là nơi có cư dân sinh sống từ 3.500 – 1.800 năm trước. Tuy nhiên, sau 8 lần khai quật di chỉ này vẫn chưa được xếp hạng di tích, thậm chí không nằm trong danh mục kiểm kê di tích lịch sử, văn hóa của Hà Nội được công bố năm 2016. Tháng 12/2017, PGS.TS Nguyễn Văn Huy gửi tâm thư lên lãnh đạo Thành phố Hà Nội về việc bảo vệ di tích này. Và những tín hiệu tích cực cũng đã đến khá sớm sau lá thư này: Cuối năm 2017, lãnh đạo Hà Nội đã có văn bản yêu cầu UBND huyện Hoài Đức phối hợp với chủ đầu tư giữ nguyên hiện trạng di chỉ Vườn Chuối như hiện nay, đồng thời bảo vệ nghiêm ngặt để chờ giải pháp mới. Tiếp đó, trong cuộc hội thảo ngày 12/7/2018, các chuyên gia đều thống nhất: Khu di chỉ Vườn Chuối cần sớm được xếp hạng di tích để làm cơ sở pháp lý triển khai các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị về sau.
Điểm lại những kết quả của Giải thưởng Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần thứ 11 có thể thấy đây tiếp tục là một mùa giải “bội thu”. Điều đó cũng nói lên một điều cao cả hơn: ẩn sau cuộc sống ngày thường ở Hà Nội với bao lo toan, vất vả, thậm chí xô bồ vẫn còn vô vàn những tấm lòng “vì tình yêu Hà Nội” một cách sâu sắc và mãnh liệt. Tấm lòng ấy không chỉ thể hiện ra bằng các tác phẩm, ý tưởng, việc làm cụ thể, mà còn thể hiện mênh mông, sâu thẳm bằng sự gắn bó, cống hiến cả đời người cho Hà Nội.