Tổ chức hàng loạt không gian đi bộ tại Hà Nội: Cân nhắc tính hiệu quả

TTXVN| 02/06/2022 08:04

Theo các chuyên gia, ngoài việc tổ chức ra không gian đi bộ thì công tác quản lý, vận hành để các không gian đi bộ ở Hà Nội hoạt động hiệu quả thực sự rất quan trọng để thu hút du khách.

To chuc hang loat khong gian di bo tai Ha Noi: Can nhac tinh hieu qua hinh anh 1

Người dân và du khách xem biểu diễn nghệ thuật Tuồng trên phố Mã Mây, quận Hoàn Kiếm. (Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN)

Thời gian gần đây, người dân Thủ đô dồn dập đón nhận thông tin hàng loạt các không gian đi bộ tại các quận, thị xã trên địa bàn Hà Nội sắp đi vào hoạt động. Vui mừng vì thành phố có thêm các không gian vui chơi, giải trí cho người dân nhưng nhiều người cũng băn khoăn về tính hiệu quả khi Hà Nội tổ chức nhiều không gian đi bộ. Bởi thực tế, đã có không gian đi bộ sau thời gian đi vào hoạt động bộc lộ không ít bất cập, không thể hấp dẫn du khách và phải hoạt động gián đoạn.

Các không gian đi bộ đang được các quận, huyện, thị xã gấp rút hoàn thành hoặc chuẩn bị triển khai như: Phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây; khu phố ẩm thực đêm Đảo Ngọc-Ngũ Xã, quận Ba Đình; khu phố kinh doanh dịch vụ, đi bộ khu vực hồ Ngọc Khánh, quận Ba Đình; không gian đi bộ hồ Thiền Quang, quận Hai Bà Trưng; tuyến phố đi bộ tại dự án Khu đô thị mới Nam đường Vành đai 3 - Bitexco, quận Hoàng Mai. Bên cạnh đó, thành phố cũng có chủ trương phát triển không gian đi bộ Khu đô thị Bắc An Khánh-Splendora, huyện Hoài Đức; không gian đi bộ xung quanh Văn Miếu - Quốc Tử Giám, quận Đống Đa. Riêng phố đi bộ xung quanh hào Thành cổ Sơn Tây sẽ đưa vào hoạt động vào dịp 30/4 và 1/5 tới.

Lẽ tất nhiên, lãnh đạo các quận, huyện thị xã cũng đang đặt nhiều kỳ vọng khi khai sinh ra các không gian đi bộ, vừa đáp ứng nhu cầu vui chơi, giải trí của người dân, vừa góp phần phát triển kinh tế, xã hội địa phương, nhất là trong điều kiện Hà Nội vẫn thiếu chỗ vui chơi, giải trí cho người dân.

Hơn nữa hoạt động du lịch đang được coi là động lực quan trọng để phát triển kinh tế xã hội và điều đó đã nhìn thấy rõ trong hai năm dịch COVID-19 vừa qua.

Thực tế, các không gian đi bộ được coi là một sản phẩm du lịch. Nhưng điều đáng bàn ở đây, sau một thời gian dài thiếu vắng các không gian giải trí cho người dân thì việc phát triển đồng loạt các không gian đi bộ trong thời điểm này liệu có ồ ạt và có đạt hiệu quả như mong đợi? Hơn nữa, các không gian đi bộ đã đặt trong mối tương quan của quy hoạch phát triển du lịch thành phố Hà Nội hay không?

Nếu các không gian đi bộ này hoàn thành thì ngay trong khu vực nội đô Hà Nội đã có tới 7 không gian đi bộ. Chưa tính đến việc phát triển du lịch trong một địa phương mà ngay cả khi liên kết vùng (ví như vùng Tây Bắc, vùng đồng bằng sông Cửu Long, vùng Tây Nguyên...), người ta cũng luôn đặt ra vấn đề xây dựng sản phẩm du lịch mang đặc trưng riêng, tránh trùng lặp để thu hút khách, phát huy hiệu quả cao.

Chỉ trừ không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm và không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội (gồm không gian Hàng Đào-Hàng Giấy, không gian khu vực bảo tồn cấp 1 khu Phố cổ Hà Nội hay không gian đi bộ phía Nam Phố cổ Hà Nội), thực chất kết nối với nhau thành một thể thống nhất.

Du khách tham quan không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm có thể tham quan không gian đi bộ khu Phố cổ Hà Nội rất thuận lợi. Còn khoảng cách các không gian khác còn lại tại nội đô thành phố cũng không quá cách xa, nếu lấy không gian hồ Hoàn Kiếm làm tâm điểm.

Các không gian đi bộ này ít nhiều sẽ được nhân lên từ khuôn mẫu không gian đi bộ khu vực hồ Hoàn Kiếm. Nhưng không gian đi bộ hồ Hoàn Kiếm có một lợi thế riêng không nơi nào có thể sánh được, từ truyền thống văn hóa, lịch sử, kiến trúc, cảnh quan.

Qua tìm hiểu, các quận, huyện, thị xã cũng có ý tưởng tạo ra đặc trưng riêng khi xây dựng các không gian đi bộ mới nhưng chủ yếu vẫn từ các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực, sản phẩm thủ công truyền thống... Một số nơi còn tổ chức kinh doanh hàng tiêu dùng thiết yếu. Nếu các địa phương không lựa chọn được một điểm nhấn tạo nên phần “hồn” cho không gian đi bộ của mình thì rất có thể các không gian này sẽ giống nhau. Thậm chí lại biến thành cái “chợ” bán hàng hóa.

Nhìn từ không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ mới thấy sự cần thiết về tính thận trọng, khoa học trong việc tổ chức không gian đi bộ. Không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn với tên gọi đúng là tuyến phố đi bộ - không gian biểu diễn nghệ thuật, ẩm thực đường phố quận Tây Hồ.

Có nghĩa khi xây dựng không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn, quận Tây Hồ đã đưa biểu diễn nghệ thuật và ẩm thực đường phố làm trọng tâm để tạo ra đặc trưng, thu hút khách. Thời điểm đầu, phố đi bộ Trịnh Công Sơn khá đông khách, phần vì mới lại, phần vì người dân thiếu điểm vui chơi, các hoạt động cũng tương đối phong phú và nơi này có lợi thế khai thác không gian ven hồ Tây.

To chuc hang loat khong gian di bo tai Ha Noi: Can nhac tinh hieu qua hinh anh 2

Tuy vậy, cũng chỉ 2 năm đưa vào hoạt động, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn bị “hụt hơi,” các hoạt động văn hóa nghệ thuật thiếu vắng hơn, các kiốt thưa dần, khách đến chơi cũng ít hơn. Bắt đầu khi từ dịch COVID-19 xuất hiện, từ năm 2020 đến nay, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn tạm dừng hoạt động.

Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân phường Nhật Tân Công Minh Tuấn cho biết sau 2 năm dịch COVID-19, phố đi bộ phố Trịnh Công Sơn có nhiều hạng mục xuống cấp nên phường đã thực hiện chỉnh trang lại. 

Phường Nhật Tân cũng mới hoàn thành một tuyến đường mới dài hơn 200 mét giữa hai khu vực hồ sen ven hồ Tây để phục vụ công tác mở rộng không gian đi bộ; tạo những điểm nhấn phục vụ cho khách chụp ảnh; hoàn thiện việc vẽ graffiti trên mặt đường. Khu vực bán hàng ẩm thực cũng được quy hoạch lại.

Dự kiến ngày 6/5 tới, phường Nhật Tân sẽ phối hợp với các phòng, ban chức năng quận Tây Hồ để mở lại hoạt động không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn. Các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, ẩm thực cũng được tổ chức phong phú hơn. Khi mở cửa hoạt động trở lại, không gian đi bộ phố Trịnh Công Sơn có đủ sức hấp dẫn khách hay không, tiếp tục là một bài toán.

Nhưng điều đó cho thấy, ngoài việc tổ chức ra không gian đi bộ thì công tác quản lý, vận hành để các không gian hoạt động hiệu quả thực sự quan trọng. Ngoài sự hồ hởi đón nhận ban đầu của người dân thì không ít người có tâm lý tò mò đến tham quan. Nếu đủ sức hấp dẫn, khách sẽ thường xuyên quay lại và ngược lại, họ sẽ chỉ đến một lần nếu không gian đó không tạo được sự hứng thú. Vì vậy, ngoài việc tổ chức xây dựng để khai sinh ra một không gian đi bộ thì việc nuôi dưỡng tốt cũng luôn được coi trọng.

Theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, việc tạo ra điểm vui chơi, giải trí cho người dân và du khách, đồng thời tạo điều kiện cho bà con địa phương là điều cần thiết. Tuy nhiên, mỗi địa phương có một đặc thù khác nhau, từ kinh tế, xã hội, đến địa hình tự nhiên, khả năng quản lý. Đó chính là một thách thức.

Ngay cả khi khảo sát người dân đồng thuận cao trong xây dựng không gian đi bộ nhưng khi tổ chức, vận hành không gian đó sẽ nảy sinh nhiều bất cập, mâu thuẫn với đời sống sinh hoạt của người dân. Vì vậy, chính quyền các địa phương nơi chuẩn bị tổ chức không gian đi bộ cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng, phải có sự đo lường mọi vấn đề. Trong quá trình đưa vào hoạt động cần có sự thử nghiệm cẩn thận trước khi đưa vào hoạt động chính thức.

Cũng theo kiến trúc sư Trần Huy Ánh, các địa phương cần có nghiên cứu, bàn thảo về mô hình tổ chức để tạo ra nét riêng cho mỗi không gian, tránh trùng lắp. Quan trọng, khi chưa chuẩn bị thấu đáo, chưa đánh giá được đúng mức mọi việc liên quan thì chưa nên vội vàng triển khai các không gian đi bộ./.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Truyện ngắn: Xa - gần & tình yêu
    Reng. Reng. Reng. Là tiếng chuông điện thoại chứ không phải báo thức. Thơ giật mình, một lo lắng vơ vẩn cồn lên. Từ ngày ba mất, cô vốn sợ những tiếng chuông điện thoại vào những giờ bất thường, sáng sớm hoặc là tối khuya. Nhìn thấy số của Yên, Thơ hơi bất ngờ. Chưa bao giờ cô ấy gọi cho cô vào giờ này...
  • "Đám cưới chuột" lên sân khấu xiếc
    Chiều 13/12, Nhà hát Nghệ thuật xiếc và tạp kỹ Hà Nội đã tổ chức họp báo, giới thiệu vở diễn "Đám cưới chuột", vở diễn lấy cảm hứng từ bức tranh dân gian Đông Hồ chuẩn bị ra mắt khán giả...
  • Phi công Nguyễn Đức Soát ra mắt sách kể chuyện hồi ức “đời bay”
    Hướng tới kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024), Nhà xuất bản Trẻ ra mắt bạn đọc cuốn sách “Bầu trời - Trường đại học của tôi” của Trung tướng Nguyễn Đức Soát.
  • Lịch nghỉ học kỳ I và nghỉ Tết Dương lịch 2025 của học sinh
    Bộ GD&ĐT đã công bố lịch nghỉ Tết dương lịch năm 2025 và lịch nghỉ học kỳ một của học sinh cả nước.
  • Cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
    Tổng Bí thư Tô Lâm trong các bài viết, bài nói gần đây đã nhấn mạnh đây là thời điểm Việt Nam “hội tụ” tổng hòa các lợi thế, sức mạnh để đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc tiếp sau kỷ nguyên độc lập, tự do, xây dựng chủ nghĩa xã hội và kỷ nguyên đổi mới. Đồng chí Tổng Bí thư đã chỉ rõ cơ sở định vị mục tiêu, vận hội lịch sử đưa đất nước bước vào Kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Đừng bỏ lỡ
Tổ chức hàng loạt không gian đi bộ tại Hà Nội: Cân nhắc tính hiệu quả
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO