Thời đại các vua Hùng với kinh đô có nhiều dấu tích ở làng Cả (Việt Trì) đang được các giới lịch sử, khảo cổ, dân tộc học, Việt Nam học… khám phá. Để hiểu thêm về thời Hùng Vương, ta cũng có thể tìm ở lễ nghi, phong tục đặc biệt thức cúng trong lễ hội dân gian. Nhân ngày Quốc tổ 10/3, xin điểm đôi nét về thức cúng ở vùng đất tổ và Hà Nội.
Lễ rước bánh chưng, bánh dầy tại lễ hội đền Hùng.
Một hình thức khá phổ biến trong hội làng ở Phú Thọ đó là ăn cỗ không dùng mâm đồng, mâm nhôm mà chỉ dùng mâm lát lá bện bằng dây thừng, cuộn hình rế tròn hay mâm đan lồng bằng tre, nứa rồi lát lá chuối, lá ngõa, lá khoai… Cắt đoạn ống nứa thay cho chén sành, chén sứ. Thịt nướng nửa sống, nửa chín. Thịt xâu bằng que không dùng đũa gắp. Làng Dị Nậu (huyện Tam Nông) làm cỗ 3 tầng: tầng trên dâng tử sĩ, tầng giữa dâng quân sĩ, tầng chót dâng thủ lĩnh địa phương. Cỗ bày 1 mâm 99 miếng thịt lợn luộc, 1 mâm 42 miếng, cứ 1 miếng sấp, lại có 1 miếng ngửa. Làng Phù Ninh (huyện Phù Ninh) mổ trâu để tiết sống, tim, gan sống, thịt tái bầy mỗi mâm thành 9 tầng, mỗi tầng lót 7 chiếc lá, thịt xếp lên trên gọi là cỗ “cửa trùng thấp diệp”.
Bánh bác (bánh chưng) Giang Xá không thể thiếu trong hội làng nơi đây.
Làng Kinh Kệ (huyện Lâm Thao) tổ chức mỗi giáp 5 người, kéo lửa bằng giang nứa và chạy thi lấy nước ở sông. Khi kéo lửa thì một người vo gạo, một người làm kiềng, hai người nấu cơm. Cơm cạn, buộc niêu cơm vào cần tre rước về đình, vừa đi vừa đốt làm sao cho tới cửa đình là cơm chín. Lễ xong, chủ tế tung các nồi cơm ra sân cho mọi người cướp cả cơm, cả mảnh nồi vỡ và cọc kiềng. Làng Vĩnh Mỗ (huyện Lâm Thao) cúng bánh dày, cá rán. Khi ăn thì tắt đèn, ăn mò, vớ được món gì thì ăn món ấy trong tiếng cười râm ran, vui vẻ. Làng Phúc Phệ (huyện Tam Nông) có tục cướp rượu lấy khước. Giáp đăng cai sửa rượu bằng nếp cái, cúng rượu mộng lúa. Lễ xong chủ tế điều hành người rước rượu từ gia đình ra hội. Mọi người chìa bát tranh nhau hứng uống rồi lấy phần về cho ông gì, bà cả. Làng Cổ Tiết (huyện Tam Nông) có tục cướp xôi và đuôi lợn. Ai cướp được, giáp đăng cai chuộc bằng 5 miếng thịt thủ. Cỗ bày trên mâm lá, ăn bốc ngoài trời, dù trời mưa vẫn không chạy. Nói ẩm thực hội vùng đất tổ có lẽ đặc sắc nhất là hội làng Hùng Lô (huyện Phong Châu). Từ lúc gà gáy sáng vào ngày 10/3 kiệu của 300 quân đã rước từ làng tới đền Hạ vượt 10 cây số. Mâm bày hương hoa, oản, quả, nhưng lễ vật bắt buộc phải có xôi trắng, rượu trắng, bánh chưng, bánh dày, thịt gà, thịt lợn, thịt trâu, thịt dê. Việc tuyển chọn thực phẩm làm cỗ lễ rất công phu. Ví dụ 5 gia đình được chọn nuôi gà thì người nuôi phải ăn chay, chọn 5 “ông” gà béo như quả sim chín để rước ra đình. Gạo nếp hoa vàng do các cô gái xay giã kỹ càng, tuyển chọn bỏ từng hạt gẫy, hạt lép để nghìn hạt nếp đẹp như nhau rồi làm bánh chưng, bánh dày, cất rượu.
Hà Nội – Thăng Long có bề dày lập đô trên một nghìn năm chậm hơn đất tổ mấy ngàn năm. Trải qua bao thời gian, những phong tục, nghi lễ truyền thống trong những hội làng cũng đã góp phần tạo nên “hương sắc” riêng của vùng đất Thăng Long. Làng Kim Liên, ô Đồng Lầm xưa, nay thuộc quận Đống Đa có tục làm cỗ 7 tầng trong ngày hội xuân 16/3, cỗ xếp từ dưới lên: tầng 3 bánh dầy, tầng 4 bánh xu xê (phu thê), tầng 5 bánh cốm, tầng 6 táo, tầng 7 ông Lã Vọng cấu tạo bằng con gà luộc. Làng An Thái (quận Tây Hồ) có lệ cúng xôi dẻo, bò béo, gà mái nghẹ vì đó là nguyện vọng khi nhảy xuống sông Thiên Phù đắp thành Thăng Long của thần Vũ Phục (ông Dầu). Làng Hòa Mục, quận Cầu Giấy cúng cá kho, mâm cỗ bên cạnh xôi thịt phải có đĩa cá kho. Làng Lệ Mật, quận Long Biên cúng thần bằng cá chép đỏ chỉ dành cho cụ từ, cụ chủ tế. Còn các mâm cỗ của khách cũng đều có món gỏi cá. Làng Đại Lan (huyện Thanh Trì) tổ chức đánh cá lăng ở sông Hồng. Cá nặng từ 7kg đến 1 yến được phủ vải đỏ xếp lên mâm đưa ra cúng ở đình, sau đó được gửi về các gia đình. Cá được pha lọc kỹ càng. Thịt cá thái miếng đều đặn, ướp nghệ, đun chín gắp vào đĩa rắc riềng giã nhỏ lên trên. Vây, xương thủ cá băm nhỏ và vê thành những viên đều nhau nấu với rau cần cùng với lòng cá, mỗi bát 6 viên. Rau cần đệm dưới lòng bát. Sáng hôm sau cỗ cá được đặt vào mâm có chân sơn son thếp vàng. Trai làng áo the, khăn xếp, thắt lưng đỏ trịnh trọng vào các gia đình khiêng mâm cỗ cá ra. Lọng vàng che ở trên. Phường bát âm đi theo điểm nhạc.
Không chuộng mâm cao cỗ đầy, nhiều làng quê vẫn giữ nét mộc mạc trong bữa cỗ.
Hà Nội mở rộng ra xứ Đoài (Hà Tây) và một phần các xã thuộc huyện Mê Linh và huyện Lương Sơn của tỉnh Hòa Bình, Vĩnh Phúc. Cỗ trong hội làng càng đa dạng. Làng Hạ Trì (huyện Đan Phượng) dâng cúng có xôi trắng và thịt lợn loại đen tuyền. Thịt luộc chín, thái mỏng xâu chuỗi 10 miếng một, cứ xâu cho hết cả con để cúng thần linh sau chia cho dân đinh trong làng, ăn lấy khước, cầu may. Cỗ hội đền Và (thị xã Sơn Tây) có 4 món: cá luộc, cá nướng, cá gỏi và đặc biệt món nham chấm. Ruột của 99 con cá to màu trắng bạc cho vào nồi nước có mật mía đun sôi cho nhừ, một thứ nước vàng bèo sệt sệt gọi món nham chấm. Gừng thái tản còn 2 cái mỏ vịt, 4 mỏ gà và 15 đấu xôi nén theo hình vuông… Cỗ làng Giang Xá (huyện Hoài Đức) có món bánh bác (bánh chưng) – bánh như của người Tày vùng Tây Tây Bắc hay vùng Khơ Me, bánh cắt ra có màu đỏ của gấc, màu trắng của bột nếp và màu vàng của đậu xanh. Bánh chỉ rán rồi cắt ra để làm tiệc ăn cùng nhiều thứ khác. Có câu ca: “Cho dù chồng rẫy vợ chê/ Bánh chưng Giang Xá lại về với nhau”.
Vui nhất là Hội Giã La
Sao bằng Bình Đà, Quốc tổ
mới đông
Ca dao nói đến Giã La (phường Dương Nội, quận Hà Đông) và làng Bình Đà (huyện Thanh Oai) có đền, mộ - nơi hóa Lạc Long Quân… Cỗ làng rước kiệu có 100 phẩm oản, 100 bánh dầy, 100 cau đậu, 100 viên bánh trôi, 100 cái ghế Mã… Riêng bánh vía là 3 viên bánh trôi cỡ lớn. Kiệu rước đến bên giếng Ngọc, ba người quây cót rồi bóp vụn bánh trả xuống giếng để tưởng nhớ “Bách Việt”, 100 người con lên núi, xuống biển mở mang đất Việt.
Điểm qua thức cúng ở hai vùng quê, ta thấy sự tinh tế của ông cha ta trong ẩm thực. Đồng thời phần nào giúp ta hiểu sinh hoạt đời sống, bản sắc đậm đà của dân tộc Việt qua 4000 năm dựng nước và giữ nước.