Tín hiệu từ thiên nhiên

HNMCT| 12/12/2021 11:45

Ngôi nhà bình yên dưới bóng cây vú sữa và khế tím hoa. Ở Thủ đô, có một không gian như vậy thật lý tưởng. Ngôi nhà càng đẹp và sinh động khi có ao cá mini và hòn non bộ được bố trí khá hài hòa.

Những chú cá Koi (chép Nhật Bản) nhiều màu sắc rực rỡ bơi lượn. Chỉ cần búng tay xuống nước là bầy cá nhao nhao tụm lại, như những đứa trẻ đứng vây quanh chờ phát quà. Rồi từ ấy, chỉ cần bàn tay vẫy lên mặt nước cũng đủ làm tín hiệu cho những chú cá tụ vào, há những cái miệng tròn xinh vui nhộn.
Tín hiệu từ thiên nhiên
Minh họa: Nguyễn Đăng Phú.

Đó là hình ảnh đẹp, thân thiện, như thể con người cộng sinh, gần gũi với bầy cá. Bà chủ nhà bảo, giờ cho ăn là lúc bà giao tiếp với cá, điều đó khiến bà thấy sảng khoái và bình yên. Tôi chợt nhớ truyện cổ tích “Tấm Cám”. Cô Tấm gọi cá bống lên ăn: “Bống bống bang bang, Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta, Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người”. Tức thì cá ngoi lên. Đó là tín hiệu của lòng từ nhân, sự quan tâm chăm sóc. Cá bống đã sống với sự chăm sóc của một tấm lòng lương thiện. Nhìn vào cổ tích, con người rất cần dựa vào thiên nhiên và mối giao hòa ấy thật kỳ diệu.

Bây giờ cuộc sống có nhiều đổi thay. Ở ngoại thành Hà Nội, cảnh thiên nhiên hoang sơ bị thu hẹp dần thì phong trào nuôi cá cảnh càng trở nên phổ biến. Nhiều loại cá đắt tiền được nuôi trong những chiếc tủ kính lớn cầu kỳ, những ao hồ mini bắt mắt được xây dựng. Thực chất đó là thú giải trí, giúp cuộc sống con người trở nên sinh động, chứng tỏ lúc nào con người cũng cần sự gần gũi, giao hòa cùng thiên nhiên.

Mà thực tế ngoài kia, ở nhiều nơi, chuyện tàn phá thiên nhiên, gây bức bối cho môi trường vẫn diễn ra. Có những nơi tôi từng qua, cảm giác lạc giữa những hòn non bộ, những khối đá lớn vừa được “bốc” từ núi về. Lề đường la liệt đá, cuội chuẩn bị bán cho khách. Nhu cầu “mang thiên nhiên về nhà” đã có từ lâu và ngày nay dường như càng thịnh hành. Nhưng giờ nhiều người chơi quá đà, cách chơi cũng loạn, khai thác đá cũng loạn. Người ta đánh đồng chơi non bộ và chơi đá cảnh là một. Non bộ là mô phỏng lại thiên nhiên, qua sự tác động của bàn tay con người. Còn chơi đá cảnh là chọn lựa những khối đá có hình thù đẹp rồi để đặt lên những bệ lớn, thậm chí được lắp ghép rất cầu kỳ.

Trở lại với bầy cá Koi, chúng được sống trong những bàn tay chăm sóc để làm đẹp cho cuộc sống. Cách người ta quan tâm đến cá, tạo tín hiệu cho chúng như một thói quen gọi lên để cho ăn, khiến mỗi người lắng sâu hơn về thiên nhiên và sự gần gũi. Với thiên nhiên, cũng cần lắm sự lắng nghe và gửi tín hiệu của lòng từ nhân. Nhiều khi con người quên đi thiên nhiên thật, tự tạo ra những khu thiên nhiên giả để thụ hưởng riêng. Sao không gìn giữ những vẻ đẹp thật, thiên nhiên thật ở những ngôi làng bình yên, làng cổ ven đô? Tất nhiên, mang thiên nhiên thu nhỏ gần con người là đáng quý, nhưng càng quý hơn nếu giữ được vẻ đẹp tự nhiên rộng lớn cho đời.

(0) Bình luận
  • Người đi về phía biển
    Khi biển sinh ra, tôi chưa biết hát. Khi biển lớn lên, em chưa biết khóc. Khi biển mặn mòi, thì đã có những dấu chân đi về phía biển. Biển ở phía đường chân trời, một nơi tưởng chừng như chưa từng có sự nhọc nhằn, vất vả. Bởi chân trời luôn luôn là ước mơ.
  • Bên thềm giếng cũ
    Chiều cao nguyên giăng giăng mây phủ, khói sương mờ ảo giữa thăm thẳm núi đồi, tiếng chim chíu chít gọi nhau về tổ trên nền trời rực ánh tà dương. Vạt sáng huyền hoặc cuối ngày ấy trở thành sợi chỉ mảnh dắt kẻ tha phương lần về miền nhớ.
  • Về ăn cơm mẹ nấu
    Chiều chậm trôi bên nhánh sông hiền hòa chảy êm dòng văn vắt. Mùa lúa chín đã qua còn lưu lại bao miết mải phù sa trên từng gốc rạ se sắt, hanh hao trồi lên khỏi mặt ruộng khô nứt.
  • Nhớ giàn nho của ngoại
    Sớm mai thức giấc, ánh nắng lọt qua khung cửa sổ, dịu dàng rơi trên bàn làm việc, lướt nhẹ lên những đồ vật quen thuộc: vài cuốn sách đang đọc dở, ly trà còn vương hơi ấm và... một chùm nho. Đưa mắt nhìn thật lâu vào chùm nho ấy, một cảm giác xao xuyến đầy mến thương y như vừa tìm được một người bạn cũ lâu ngày không gặp ùa về trong tôi.
  • Mùa về trên tay mẹ
    Kề má vào bàn tay mẹ, lòng tôi nghẹn ngào xót xa khi thấy từng vệt chai sần trên những đường nhăn chằng chịt nứt nẻ tựa trái na khô. Đôi tay mẹ bây giờ không còn khỏe, lập cập lẫn run run như buổi chiều hôm mòn vẹt vì nắng gió. Những mùa màng xưa cũ , những vệt trầm thăng đã quá nửa đời người lần lượt hiện lên trên đôi tay mẹ. Và ký ức tôi lại sụt sùi nhẩm đếm. Dẫu bốn mùa xuân - hạ - thu - đông đã neo sẵn vào đất trời nhưng mùa của mẹ còn ngổn ngang nhiều hơn cả thế.
  • Hương hoa mùa xuân tụ trong chén trà
    Năm nay mọi thứ dường như trôi qua chậm hơn, Lập Xuân rồi mà vẫn cứ rét ngọt và nắng hanh hao mãi. Phải đến qua Nguyên tiêu mới thấy lác đác mưa phùn cùng gió nồm ẩm thổi vào Giêng hai Bắc bộ. Chiều nay trà thất của tôi đón khách quý từ phương xa ghé thăm.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tín hiệu từ thiên nhiên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO