Đời sống văn hóa

Tìm lại Tết xưa giữa lòng Hà Nội

T. Trang 12:13 11/02/2024

Đến Quốc Tử Giám xem ông đồ viết chữ, dạo Hồ Gươm trong không gian đượm mùa xuân, đến Hoàng Thành Thăng Long với nhiều ký ức Tết xưa tái hiện… là những điểm đến đặc sắc không nên bỏ lỡ trong dịp Tết cổ truyền.

a11.jpeg
Dịp nghỉ Tết Nguyên Đán, nhiều người dân Thủ đô và du khách quốc tế lựa chọn Văn Miếu - Quốc Tử Giám là địa điểm thăm quan, vui chơi.

Dường như, càng phát triển, người ta lại càng muốn quay về với những giá trị truyền thống, nâng niu, gìn giữ những vẻ đẹp văn hóa cội nguồn. Và Tết Nguyên đán chính là dịp để mỗi người được sống chậm, quay về với những giá trị ấy. Đó có lẽ cũng là lý do khiến các địa điểm như Quốc Tử Giám, Hoàng Thành Thăng Long, Hồ Gươm... luôn là điểm đến hấp dẫn, thu hút nhiều người đến trong dịp Tết Nguyên Đán.

Đây cũng là những địa điểm gợi ý cho những ai muốn đón một cái Tết đậm bản sắc, đậm nét văn hóa của mảnh đất kinh kỳ ngàn năm văn hiến.

Đến Quốc Tử Giám xem “hoa tay thảo những nét/như phượng múa rồng bay”

qtg1.jpeg
Xin chữ đầu năm tại Văn Miếu Quốc Tử Giám.

“Mỗi năm hoa đào nở

Lại thấy ông đồ già

Bày mực Tàu giấy đỏ

Trên phố đông người qua”

Hình ảnh những ông đồ già bày mực Tàu, giấy đỏ viết câu đối mỗi khi Tết đến, xuân về tưởng chỉ còn là hoài niệm đầy tiếc nuối trong thơ của Vũ Đình Liên thì giờ lại có thể bắt gặp trong một khung cảnh thật đẹp, mang đậm phong vị Tết cổ truyền tại Quốc Tử Giám, Hà Nội.

Nhiều năm nay, phố ông đồ bên cạnh Văn Miếu có thể coi là một “đặc sản” Tết của Hà Nội. Bên mái ngói nhuốm màu thời gian và vẻ trầm mặc, u hoài của trường Giám xưa, hình ảnh những ông đồ 7X, 8X trong trang phục truyền thống áo the đen, khăn xếp miệt mài “hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay” đã làm sống dậy một nét đẹp văn hóa của dân tộc.

Phong tục xin và cho chữ đầu năm đã có từ rất lâu đời. Theo phong tục, người cho chữ là những ông đồ không chỉ viết chữ đẹp, mà còn phải có tài, có đức. Tùy vào ước vọng, hoàn cảnh của người xin chữ, mà ông đồ sẽ cho những chữ phù hợp. Những chữ này mang theo những mong ước của gia chủ đạt được trong năm mới, thường chứa đựng nguyện cầu về sự may mắn bình an.

Xã hội đã có nhiều thay đổi, “cửa Khổng, sân Trình” không còn. Tuy nhiên, ước vọng về sự tốt lành, may mắn, thịnh vượng trong năm mới, truyền thống trọng chữ, hiếu học của người dân ta thì vẫn còn nguyên vẹn.

Tặng người cao tuổi, bố mẹ thường xin chữ: “Thọ”, “Tâm,” “An Khang,” “Bình An...”. Thanh niên nam nữ xin chữ: “Danh,” “Duyên,” “Hiếu,” “Trung...”, “Chí” Các học trò hường xin chữ “Minh,” “Thành," “Tài,” “Đạt,” “Nhẫn,” “Đăng Khoa” để cầu học hành tấn tới.

Những ngày đầu năm mới, cùng cả nhà xúng xính trang phục thật rực rỡ, xinh đẹp, đến Quốc Tử Giám xin chữ, hay dù chỉ là hòa vào không khí mùa xuân tươi vui, náo nức, xem những ông đồ thảo những nét chữ tài hoa, bay bổng… sẽ thấy yêu biết bao nhiêu, muốn giữ biết bao nhiêu nét đẹp văn hóa truyền thống này. Nó khiến ta nhớ về cội nguồn, biết trân trọng hơn cái đẹp, khơi dậy tình yêu với con chữ, với tri thức. Đây chắc chắn là địa chỉ không nên bỏ qua trong dịp Tết Nguyên đán 2024.

“Lắng hồn núi sông” với Hồ Gươm, Hoàng Thành Thăng Long

hg(1).jpg
Thầy đồ viết chữ bên hồ Gươm dịp đầu năm.

Hồ Hoàn Kiếm được ví như trái tim của Hà Nội. Khu vực hồ Hoàn Kiếm với các giá trị văn hóa, lịch sử, cảnh quan, kiến trúc, vốn là nơi thu hút đông đảo người dân Thủ đô và du khách trong các dịp nghỉ lễ, dịp cuối tuần. Trong những ngày Tết Nguyên đán, Hồ Hoàn Kiếm được trang trí nhiều hoa, cây cảnh, các biểu tượng chào đón năm mới. Từ lâu, đây là địa điểm đón giao thừa, vui xuân của người Hà Nội.

Ngày Tết Nguyên đán, người đã bớt đông hơn, đi dạo bên hồ Hoàn Kiếm, xa xa là Tháp Rùa trầm mặc, sương khói như bảng lảng, những cành cây bắt đầu lên những búp non… thấy trái tim đang “lắng nghe mùa xuân về” với những nhịp đập thật háo hức, tràn đầy tình yêu với Hà Nội, mảnh đất “nơi lắng hồn núi sông ngàn năm”.

hg1(1).jpg
Các nàng thơ "hoá thân" trong trang phục áo dài truyền thống của người phụ nữ Bắc Bộ.

Mặc chiếc áo dài rực rỡ, cùng nhau chụp vài bức ảnh bên hồ, môi cười rạng rỡ, mặt hồ gợn sóng, cánh đào hồng tươi… chắc chắn, sẽ những hình ảnh thật mùa xuân, thật Hà Nội.

Một địa điểm du xuân nữa của Hà Nội trong những ngày Tết Nguyên đán không nên bỏ qua, đó là Hoàng Thành Thăng Long (phố Hoàng Diệu, quận Ba Đình, Hà Nội),

Nhiều năm nay, tại Hoàng Thành Thăng Long luôn có những hoạt động gợi ký ức Tết xưa trong những ngày Tết cổ truyền. Khu trưng bày “Không gian phong tục Tết truyền thống” tái hiện nhiều tập tục trong ngày Tết nguyên đán như: tục cúng gia tiên, tục treo tranh Tết, câu đối Tết, chúc Tết....

Tại đây, cũng có gian trưng bày phong tục thờ cúng ngày Tết của người Việt thể hiện tấm lòng thành kính, đạo lý uống nước nhớ nguồn, hướng về nguồn cội, tổ tiên. “Không gian phong tục tết truyền thống” cũng phục dựng lại những phong tục mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc như: treo câu đối, đốt pháo tết, xin chữ đầu năm, mừng tuổi...

httl.jpeg
Hoàng thành Thăng Long - địa điểm hấp dẫn du khách và nhân dân thủ đô.

Những vật phẩm Tết chào đón năm mới an khang, thịnh vượng; thú chơi tranh Tết, một phong tục cổ truyền trong dịp Tết của người Việt với sự hiện diện của các dòng tranh nổi tiếng: Hàng Trống, Kim Hoàng, Đông Hồ... cũng được trưng bày trong không gian này.

Đặc biệt, tại Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội có không gian trưng bày “Cung đình ngày xuân”, giới thiệu những nghi thức đặc biệt của cung đình đón năm mới, mang vẻ đẹp của sự tôn nghiêm.

Trong đó, phục dựng một trong những nghi lễ đầu tiên quan trọng nhất trong Tết Nguyên đán là lễ Chính đán - một nghi lễ triều hội của triều Lê, tổ chức vào ngày mùng 1 Tết với nghi thức thiết Đại triều ở điện Kính Thiên. Lễ Chính đán được tổ chức với nghi lễ trang nghiêm thể hiện mong muốn phồn thịnh của quốc gia, trường tồn của dân tộc, tạo ra một không khí đầu xuân, một sự khởi đầu mới với niềm hy vọng mang những dự báo tốt đẹp cho năm mới.

Nghi lễ Chính đán được giới thiệu bằng 3 phương thức, gồm: Hệ thống tranh vẽ phỏng dựng nghi lễ Chính đán trong cung đình Thăng Long thời Lê; không gian phỏng dựng nghi thức các quan dâng biểu chúc mừng nhà vua năm mới thêm hưởng phúc lành, sống lâu muôn tuổi; giới thiệu nghi thức ban thưởng tiền xuân thông qua bộ sưu tập tiền thưởng cổ thời Cảnh Hưng của nhà sưu tầm Đức Long.

Để người xem cảm nhận được rõ không khí mùa xuân , tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long còn có không gian trưng bày hoa, cây cảnh, với những cây hoa đặc trưng của mùa xuân, như: đào, cúc, lan, thược dược, đỗ quyên...

Trong tiết trời mùa xuân đậm đặc trưng xứ Bắc, cùng với những ký ức Tết xưa được phục dựng ở Hoàng Thành Thăng Long – địa điểm mang ý nghĩa lịch sử của Hà Nội, chắc chắn mỗi người sẽ thêm trân trọng, thêm yêu Hà Nội, yêu ngày Tết cổ truyền, những giá trị nguồn cội để bước vào một năm mới với những xúc cảm thật đẹp đẽ, tươi tắn./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • “Ngày về” - lời ru giàu cảm xúc về làng quê Việt Nam
    “Ngày về” được mở đầu bằng hình ảnh quen thuộc, dễ nhận thấy nhất của làng quê Việt Nam với những giá trị truyền thống thiêng liêng: “Cây đa, bến nước, sân đình/ Con đường gạch lát nối tình xóm thôn”.
  • Nguyễn Đình Thi một bản lĩnh  văn hóa lớn
    Nguyễn Đình Thi là một nhà hoạt động cách mạng lão thành và là người làm văn học nghệ thuật đa tài, nhiều sáng tạo. Ông viết sách khảo luận triết học, viết văn, viết báo, làm thơ, soạn nhạc, soạn kịch, viết lý luận phê bình, và ở lĩnh vực nào, ông cũng thể hiện mình là một bản lĩnh văn hóa lớn. Những chia sẻ của nhà thơ Bằng Việt - nguyên Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, nguyên Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học Nghệ thuật Hà Nội, người đã tuyển chọn và dịch tác phẩm của Nguyễn Đình
  • Tuần lễ chiếu phim đặc sắc về Quân đội nhân dân Việt Nam
    Tuần phim Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) sẽ diễn ra tại thành phố Cao Bằng (từ ngày 9/12 đến ngày 13/12) và trên phạm vi cả nước (từ 19/12 đến ngày 25/12).
  • Vinmec tiên phong mang công nghệ tiêu chuẩn quốc tế vào điều trị bệnh mề đay
    Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec Times City (Hà Nội) là đơn vị đầu tiên của Việt Nam đạt chứng chỉ UCARE, khẳng định năng lực chuyên môn vượt trội trong chẩn đoán, điều trị và quản lý bệnh mề đay (mày đay) theo tiêu chuẩn quốc tế GA2LEN.
  • Tìm về tuổi thơ với 12.000 chiếc đèn đăng và bộ tranh “Ký ức đồng dao” tại núi Bà Đen
    Lần đầu tiên đến với núi Bà Đen, du khách sẽ lạc bước vào thế giới nghệ thuật dân gian với không gian triển lãm độc đáo của 12.000 chiếc đèn đăng nghệ thuật, cùng bộ tranh “Ký ức đồng dao” của hoạ sĩ Hoàng Phong - thành viên Hiệp hội màu nước quốc tế IWWS 2015.
Đừng bỏ lỡ
Tìm lại Tết xưa giữa lòng Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO