Sự kiện & Bình luận

Tìm kiếm sức bật để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển

PV 10:59 15/03/2023

Chiều 14/3, Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam phối hợp với Đại sứ quán Đan Mạch và Văn phòng UNESCO tại Việt Nam tổ chức hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á”.

z4183119043294_3cd94f74f4d31b801555f88d18be0a2f.jpg
Hội thảo quốc tế “Chính sách và giải pháp phát triển ngành công nghiệp điện ảnh tại Việt Nam và Đông Nam Á”.

Hội thảo có sự tham dự của đại diện cơ quan quản lý, các cá nhân, doanh nghiệp sản xuất phim, các chuyên gia nghiên cứu lĩnh vực điện ảnh trong và ngoài nước.

Đây là hoạt động nằm trong chuỗi sự kiện kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp quốc gia Chiếu bóng và Chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2023), tiền thân của hai ngành Điện ảnh và Nhiếp ảnh ngày nay.

Phát biểu đề dẫn hội thảo, Tiến sỹ Ngô Phương Lan, Chủ tịch Hiệp hội Xúc tiến phát triển điện ảnh Việt Nam khẳng định: Công nghiệp điện ảnh là ngành mũi nhọn để phát triển công nghiệp văn hóa. Luật Điện ảnh có hiệu lực từ ngày 1/1/2023 tạo hành lang pháp lý thuận lợi cho phát triển công nghiệp điện ảnh nước nhà. Từ chỗ điện ảnh chỉ được coi là một ngành nghệ thuật, Luật đã xác định điện ảnh cũng là một ngành công nghiệp, một ngành kinh tế.

Mặc dù vậy, Tiến sỹ Ngô Phương Lan cho rằng, khung pháp lý đã có, nhưng để hiện thực hóa vào đời sống, cần những cơ chế, chính sách cụ thể và phù hợp từ Nhà nước để phát huy hết năng lực sáng tạo của nhà làm phim, thu hút nguồn đầu tư trong và ngoài nước cho điện ảnh, khuyến khích hợp tác công - tư trong sản xuất, phát hành - phổ biến phim, phát triển thị trường điện ảnh Việt và xây dựng nền công nghiệp điện ảnh dần lớn mạnh.

Do đó, việc trao đổi, tiếp thu kinh nghiệm giữa các nhà quản lý, các nghệ sỹ, nhà làm phim thuộc các thế hệ của điện ảnh Việt Nam với các chuyên gia từ các nước đã có quá trình xây dựng công nghiệp điện ảnh nhiều thập kỷ và các nước gần gũi trong khu vực Đông Nam Á là rất bổ ích và thiết thực.

Hội thảo gồm 3 phiên thảo luận với 3 chủ đề: “Chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất phim”, “Chính sách hợp tác quốc tế trong quảng bá và hợp tác sản xuất phim”, “Khuyến nghị về chính sách, biện pháp thúc đẩy sáng tạo và phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia”.

Tại hội thảo, nhiều đại biểu cho rằng, để phát triển điện ảnh trở thành ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo mũi nhọn, các chính sách của Nhà nước về tài trợ sản xuất phim, bảo hộ phim trong nước vô cùng quan trọng.

Các đại diện điện ảnh đến từ Đan Mạch, Indonesia, Thái Lan đã chia sẻ về kinh nghiệm phát triển công nghiệp điện ảnh của các nước ASEAN và thế giới, thu hút đầu tư quốc tế trong hoạt động điện ảnh, đào tạo và phát triển nhân lực điện ảnh, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, các quỹ hỗ trợ phát triển điện ảnh trên thế giới.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cho rằng, sau khi Luật Điện ảnh với nhiều điểm mới đi vào đời sống, việc xây dựng những chính sách hỗ trợ để triển khai hiệu quả, phát triển thương hiệu điện ảnh quốc gia, xây dựng công nghiệp điện ảnh là rất cần thiết. Trong đó, việc hợp tác công tư, huy động các nguồn lực xã hội hóa vào hoạt động sản xuất phim, phổ biến, phát hành, quảng bá, hợp tác quốc tế, đào tạo nhân lực là vô cùng quan trọng và sẽ được các cơ quan quản lý xúc tiến, xây dựng, triển khai phù hợp.

Các đại biểu hy vọng, các ý kiến tại hội thảo lần này sẽ góp những hướng đi, giải pháp cần thiết cho các nhà hoạch định chính sách, các nhà quản lý, những người hoạt động điện ảnh tiếp thu, lựa chọn và áp dụng thực tế tại Việt Nam.

Bài liên quan
  • Xu hướng của điện ảnh thế giới năm 2023
    Theo chuyên trang điện ảnh Raindance, ngành công nghiệp điện ảnh đang thay đổi nhanh hơn bao giờ hết. Các nhà làm phim hoặc đón nhận những thay đổi mới với AI và các công nghệ khác hoặc sẽ bị tụt hậu và đào thải khỏi ngành công nghiệp này.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Tìm kiếm sức bật để ngành công nghiệp điện ảnh Việt Nam phát triển
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO