Thưởng lãm những bức ảnh dung dị, mộc mạc của “Hà Nội một thời để nhớ”
86 bức ảnh đen trắng ghi lại những khoảnh khắc dung dị, đời thường của Thủ đô Hà Nội từ những năm 1992 cho đến năm 2012 vừa được giới thiệu trong triển lãm ảnh “Hà Nội một thời để nhớ” diễn ra tại Biệt thự Pháp cổ 49 Trần Hưng Đạo, Hà Nội.
Phát biểu tại lễ khai mạc triển lãm được tổ chức sáng 10/10, bà Trần Thị Thúy Lan – Phó Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội nhấn mạnh: Triển lãm ảnh “Hà Nội một thời để nhớ” do Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp với hai nhiếp ảnh gia Andy Soloman và Lê Bích nằm trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024).
“Triển lãm thể hiện tình yêu nồng nàn của một người con sinh ra lớn lên chứng kiến từng đổi thay của Thủ đô yêu dấu, đặc biệt hơn nữa tình yêu Hà Nội còn len lỏi trong trái tim của những người bất chợt đến Hà Nội vì một cơ duyên nào đó nhưng lại lưu luyến không thôi như của nhiếp ảnh gia Andy Solomon”, bà Thúy Lan nhận định.
Qua 86 bức ảnh đen trắng lần đầu tiên được công bố của hai tác giả Lê Bích và Andy Soloman (phóng viên người Anh), người xem sẽ cảm nhận rõ sự chuyển mình của Hà Nội trong thời kỳ đổi mới, cùng những cảm xúc lắng đọng, bâng khuâng về một thời để nhớ, để trân trọng.
Đó là những bức ảnh ghi lại khoảnh khắc chân thực, sinh động về cuộc sống sinh hoạt, lao động, sản xuất của người Hà Nội. Từ quán nước vỉa hè, cảnh tập thể dục buổi sáng ở công viên Lenin, giờ tan ca của công nhân xây dựng cầu Thanh Trì, tổ rác phố Trần Hưng Đạo đón giao thừa, hồ Gươm ngày mưa phùn, sông Hồng mùa nước cạn, những đứa trẻ bán báo phố Tràng Tiền… đến hình ảnh của bác xích lô, anh thợ cắt tóc, người bán hàng rong, nhân viên cứu hỏa, nghệ nhân vẽ truyền thần, người khắc đá trên phố Hàng Mắm, rồi các cô cậu học trò.
Bên cạnh đó, hình ảnh tháp nước Hàng Đậu, Nhà thờ lớn, quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục, chợ Đồng Xuân, cầu Long Biên... một thời cũng hiện lên sinh động trong ống kính của hai nhiếp ảnh gia. Một số bức ảnh chụp thời điểm Giải tỏa đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa để làm đường, phá dỡ khu tập thể D2 Giảng Võ để xây dựng tòa nhà mới, xây dựng công trình Hầm Cá Mập, rồi trận ngập lịch sử năm 1998 cho người xem thấy được sự chuyển mình của Thủ đô.
Ông Andy Soloman chia sẻ, ông đã yêu thành phố ngay từ khi đặt chân đến đây vào năm 1992. “Ở đâu tôi đi cũng được đón tiếp bằng sự tử tế và lòng mến khách tuyệt vời, và khi nhìn lại những bức ảnh của tôi từ thời đó, tôi thấy chúng là một ghi chép quan trọng về cuộc sống trong thành phố. Tôi hy vọng những người Hà Nội đến xem triển lãm sẽ yêu thích chúng, và chúng sẽ gợi lên những kỷ niệm và cảm xúc mạnh mẽ”.
Còn nhiếp ảnh gia Lê Bích thì bộc bạch Hà Nội đã đổi thay rất nhiều nhưng anh không cho phép mình quên đi những vẻ đẹp xưa cũ, nét tinh hoa của Hà Nội. Theo thời gian, nghệ sĩ nhiếp ảnh Lê Bích đã và đang thực hiện những bộ ảnh về vẻ đẹp, tinh hoa và bản sắc của Hà Nội. Anh mong rằng những bức ảnh đó sẽ là một nốt nhạc trầm trong bài ca về Hà Nội, một chùm nắng chiều làm rạng lên vẻ cổ kính của những cánh cổng chùa bạc màu thời gian, một bông cúc vàng trong vườn hoa bên hồ lúc vào thu... để mỗi thêm yêu Hà Nội, thêm trân trọng những gì chúng ta đã có ngày hôm nay”./.