''Thức giấc'' tiếng tơ cho cây đàn dân tộc

hanoimoicuoituan| 31/05/2020 08:53

Từng là thành tố không thể thiếu trong âm nhạc dân tộc, nhưng rồi vì nhiều lý do mà dây tơ dần chìm vào quên lãng. Thật may khi ở Hà Nội vẫn có một người nghệ sĩ già bao năm qua kiên trì “thức giấc” tiếng tơ cho âm thanh cây đàn dân tộc được vang lên đúng nghĩa.

''Thức giấc'' tiếng tơ cho cây đàn dân tộc

Nghệ sĩ nhân dân Xuân Hoạch với đàn bầu dây tơ.

1. Với cá nhân tôi, Nghệ sĩ nhân dân (NSND) Xuân Hoạch là một kỳ nhân của đất Hà thành. Gần cả cuộc đời hoạt động âm nhạc gắn với Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam, từ nhiều chục năm trước Xuân Hoạch đã nổi tiếng là bậc danh cầm gắn với cây đàn nguyệt và những tác phẩm âm nhạc chuyên nghiệp viết cho nhạc cụ truyền thống. Nhưng có lẽ phải tới khi ông nghỉ hưu, có nhiều thời gian thư thái sáng tạo thì kinh nghiệm được  tích lũy qua mấy chục năm mới “phát tiết”, “tỏa hương”.

Nhắc đến những thứ độc, lạ của Xuân Hoạch thì nhiều lắm. Ông là người đầu tiên mà tôi biết hát lại điệu xẩm trên thơ của Nguyễn Bính, để rồi một thời gian sau điệu Xẩm tàu điện của Hà Nội hồi sinh. Ông là người chế tác thành công cây đàn bầu mộc của người hát xẩm đã thất truyền. Ông tự chế tác những cây nhị, hồ. Hơn hai chục năm trước ông được nghệ nhân đàn đáy kỳ tài, cụ Đinh Khắc Ban trao truyền thứ nhạc cụ mà cụ gọi là “bảo vật” có tuổi đời hơn 80 năm, và hiện là cây đàn đáy cổ nhất ở đất Hà thành...

Người viết, dù đã gắn bó với ông trong hành trình sáng tạo nghệ thuật hơn 15 năm qua nhưng cũng khó có thể liệt kê đầy đủ trong vài trang giấy. Nhưng, có một điều gắn với ông, lấy của ông nhiều thời gian, và nó trải dài, bao trùm hầu hết những việc ông đã làm, đó là mong muốn làm “thức giấc” tiếng tơ của cây đàn dân tộc.

2. Hỏi NSND Xuân Hoạch “tại sao lại nghĩ đến dây tơ, thứ mà người ta đã quên lãng?”, ông bảo rằng “muốn làm để kiểm nghiệm, so với tiếng tơ ngày xưa có gì khác không”. Lại hỏi “có ai giao trọng trách này cho ông không?”, ông trả lời: “Tự nghĩ ra chứ không ai bảo làm cả!”.

Dẫu vậy, nghệ sĩ Xuân Hoạch vẫn nhớ những chia sẻ của danh cầm Đinh Khắc Ban từ những năm 1970 khi ông tìm đến cụ để học đàn đáy. Xuân Hoạch vẫn ấn tượng với điều cụ Ban nói: “Ngày xưa đánh dây tơ cái tiếng nó hay lắm. Nó trầm, nó đục, nó không vang, nghe trực tiếp mới thấy thích. Dây nilon bây giờ cho tiếng vang xa nhưng không có độ đầm, không có tiếng đục”.

Nghệ sĩ Xuân Hoạch giải thích thêm, rằng ở giai đoạn nửa sau của cuộc đời mình, bản thân cụ Ban cũng đã chuyển sang đánh đàn dây cước. Cụ chỉ chia sẻ ký ức về dây tơ như một sự tiếc nuối.

3. Công cuộc phục hồi dây tơ gặp nhiều khó khăn ngay từ khi bắt đầu, khoảng năm 2005. Ngày ấy Xuân Hoạch đi tìm dây tơ khắp nơi nhưng không ai có. “Nhiều lần xuống làng lụa Vạn Phúc - Hà Đông tìm tới những bậc cao niên giỏi nghề để hỏi, người ta bảo có biết nhưng bây giờ chẳng còn ai se những cái này cả. Những người biết se thì mất hết rồi”.

Mong muốn tìm mua dây tơ không thể thành hiện thực. Xuân Hoạch quyết định tự sản xuất.

Để có tơ, ông lại tìm về Vạn Phúc và bỏ công tra cứu tư liệu liên quan nhưng gần như không tìm được chi tiết nào nhắc đến việc chế tác dây tơ. “Trong cái khó ló cái khôn”, Xuân Hoạch bỗng nhớ hình ảnh các cụ bện chão, bện thừng bằng dây đay ở quê mình ngày còn nhỏ. Đến đây, nút thắt đã được mở, dẫu cho thành phẩm dây thừng khác hẳn dây tơ mỏng manh nhưng về nguyên tắc thì ông tin rằng nó chỉ là một.

“Biết rồi thì bện nhanh lắm!”, ông chia sẻ. Nhưng lại có phát sinh, là đàn đáy có 3 dây đàm (trầm) - trung - tiếu (tiểu/cao), liệu mỗi dây có độ dày bao nhiêu để có thể trở thành dây đàn? Để trả lời câu hỏi này thì bắt buộc phải thử nghiệm nhiều lần. Từ việc se 7 dây, 10 dây cho đến 15, 16 dây để xác định độ dày của dây tiếu, cho đến số lượng dây của những trung, đàm. Xuân Hoạch dành toàn bộ không gian tầng 4 làm “xưởng sản xuất” dây tơ. Hàng năm trời sau đó, hễ rảnh là ông ở miết trên tầng 4 để bện những cuộn dây tơ có độ dài khoảng 9 mét, tương ứng với độ dài ngôi nhà.

Khi dây tơ đã được kết vào nhau thì vẫn chưa xong việc, bởi để trở thành dây đàn thì những sợi tơ ấy phải có sự liên kết, quyện bám thành một khối. Nghệ sĩ Xuân Hoạch nhớ lời cụ Ban kể, ngày xưa khi se tơ xong, các nghệ nhân thường lấy nhựa quả hồng xiêm xoa đều để tăng sự kết dính. “Nghĩ mãi rồi thử lấy nhựa thông, vẫn được dân chơi đàn dân tộc dùng chăm sóc vĩ kéo, để xoa đều. Cuối cùng các sợi tơ đã chịu kết dính” - ông hào hứng chia sẻ.

Hạn chế của dây tơ là khi dùng dễ đứt, vậy phải xử lý như thế nào để trong lúc trình diễn không bị “đang vui lại đứt dây đàn”? Xuân Hoạch nhớ lại câu chuyện với các nghệ nhân ngày ông còn là thanh niên: “Các cụ nói là ngày xưa người ta sơn mài đôi đũa son rất đẹp rồi buộc hai đầu vào (thành con thoi), để khi đánh đàn nó đung đưa theo”. Việc để những cuộn dây lủng lẳng trên đầu đàn một mặt tạo ấn tượng thẩm mỹ, mặt khác để khi trình diễn không may dây bị đứt thì người chơi đàn chỉ việc kéo dài phần dây đã được cuộn sẵn ra và nối lại. 

4. NSND Xuân Hoạch bảo rằng, tất cả những bậc kỳ tài về âm nhạc dân tộc ở Hà Nội trong thế kỷ trước như cố nghệ nhân đàn đáy Đinh Khắc Ban (ca trù), cố nghệ nhân hát xẩm Nguyễn Văn Nguyên (tức cụ Trùm Nguyên - đàn bầu) hay cố nghệ nhân đàn nguyệt Lê Quý Cao (hát văn)... đều sử dụng dây tơ. “Tiếng đàn tơ lạ lắm, không giống một cái gì cả. Nó mộc mạc, gần gũi với những câu hát của mình”. 

Với nghệ sĩ Xuân Hoạch, để hiểu được hết ý nghĩa của tiếng đàn, chỉ có cách duy nhất là cảm nhận chính âm thanh từ nó phát ra. Tiếng tơ tưởng như chỉ còn trong những ký ức đẹp của âm nhạc dân tộc, như câu quan họ đã quen “Tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng trầm năn nỉ thiết tha...” trong bài Ngồi tựa mạn thuyền, hay trong nhạc phẩm Bóng ngày qua của nhạc sĩ Hoàng Giác có câu “Lòng nhủ thầm đàn đứt dây tơ...”. Hơn thế, tiếng tơ còn là một trong 8 loại tiếng cơ bản của âm nhạc dân tộc, đó là: Thạch (đàn đá, khánh đá...), thổ (trống đất), kim (nhạc khí có dây bằng sắt), mộc (gỗ/song loan, mõ...), trúc (tiêu, sáo...), bào (đàn tính, đàn bầu...), ti (tơ/dây tơ), cách (các loại trống bịt da). Tám loại tiếng này tương ứng với bát quái (cấn, khôn, đoài, chấn, khảm, tốn, ly, càn).

Như vậy, việc phục hồi tiếng đàn dây tơ không chỉ có ý nghĩa là hồi sinh thứ âm thanh quen thuộc trong quá khứ. Vai trò của tiếng tơ còn cao hơn, nó nằm trong quan niệm sống mang đặc trưng phương Đông. Sự xuất hiện của tiếng tơ nằm trong 8 loại âm thanh góp phần cân bằng đời sống tinh thần của người Việt. Cho nên, việc khôi phục thành công tiếng đàn dây tơ là một đóng góp mang nhiều ý nghĩa của NSND Xuân Hoạch, cho dù ông khiêm tốn nói rằng việc quan trọng nhất đối với ông khi thực hiện công việc này là “tìm lại tiếng dây cũ vì muốn nghe được cái tiếng cũ”. Và ông cho rằng, điều quan trọng nhất là phải trả lại cho dân gian, cho những câu ca trù, hát xẩm, hát văn đậm phong cách Thăng Long - Hà Nội, đậm chất và hồn dân tộc những âm thanh dân gian vốn thuộc về nó.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
  • Hà Nội tuyển dụng 215 công chức làm việc tại các sở, ngành, quận huyện
    Sở Nội vụ Hà Nội vừa thông báo về việc tuyển dụng 215 công chức làm việc tại các sở, cơ quan tương đương sở, Ủy ban nhân dân (UBND) các quận, huyện, thị xã thuộc thành phố Hà Nội năm 2024.
  • Ấn tượng triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt”
    Bảo tàng Hồ Chí Minh phối hợp với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam tổ chức triển lãm “Chiến thắng Điện Biên Phủ - Bản hùng ca bất diệt” tại Bảo tàng Hồ Chí Minh (số 19 Ngọc Hà, Ba Đình, Hà Nội). Triển lãm diễn ra từ nay đến hết tháng 10/2024.
  • Cô gái Thái và hoa ban trắng
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Cô gái Thái và hoa ban trắng của tác giả Tạ Văn Hoạt.
  • Khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 6 triệu lượt, cao hơn 3,9% so với trước dịch
    Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 29/4, lượng khách quốc tế đến Việt Nam tháng 4 đạt 1,55 triệu lượt, cao hơn 58,2% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung 4 tháng đầu năm 2024, tổng lượng khách quốc tế đạt 6,2 triệu lượt, tăng 68,3% so với cùng kỳ năm 2023.
  • TP. Điện Biên Phủ miễn phí tham quan các điểm di tích lịch sử, văn hóa dịp 30/4 - 1/5
    Cụ thể, nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Điện Biên sẽ được miễn phí tham quan ngày 30/4 và 1/5 tại tất cả các điểm di tích lịch sử có thu phí tại hệ thống các bảo tàng, các điểm di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Chiến trường Điện Biên Phủ.
  • Phim về địa đạo Củ Chi mừng ngày thống nhất đất nước
    Nhân dịp kỷ niệm Ngày Giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước 30-4, ê kíp bộ phim "Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối" tung teaser với cảnh chiến trường hoành tráng, có xe tăng, vũ khí và cảnh bom rơi, cháy nổ như thật.
  • Khai mạc chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024
    Chương trình Thuận An Biển gọi năm 2024 là sự kiện nhằm tôn vinh, quảng bá bản sắc văn hóa dân gian của cư dân vùng biển và góp phần quảng bá tiềm năng, thế mạnh của tỉnh Thừa Thiên Huế về kinh tế, văn hóa, du lịch và triển vọng phát triển bền vững.
  • Hoa chiến dịch Tây Bắc
    Tạp chí Người Hà Nội trân trọng giới thiệu tới quý độc giả bài thơ Hoa chiến dịch Tây Bắc của tác giả Nguyễn Tiến Luận.
  • Thưởng thức 6 phim tài liệu đặc sắc về Điện Biên Phủ tại Hà Nội
    Kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 – 7/5//2024), từ ngày 3 – 5/5 tại Hà Nội, Hãng phim Tài liệu và Khoa học Trung ương tổ chức “Những ngày phim tài liệu Điện Biên Phủ”, giới thiệu đến khán giả 6 bộ phim tài liệu đặc sắc.
  • Từ Hội quán Quảng Đông tới không gian sáng tạo
    Người ta xem nơi ấy là ngã ba tiếp xúc giữa 3 nền văn hóa và kiến trúc Việt - Hoa - Pháp, người ta cũng gọi nơi ấy là điểm hẹn văn hóa cất giữ ký ức xôn xao một thời của Phố cổ Hà thành. Trung tâm văn hóa nghệ thuật số 22 Hàng Buồm, nơi mà những người thuộc thế hệ trước ở Hà Nội vẫn quen gọi là Hội quán Quảng Đông, giờ đã trở thành một điểm hẹn văn hóa chuyên chở những ký ức đậm sắc hương Hà Nội, những ký ức ghi dấu ấn giao thoa văn hóa từ khoảng 400 năm trước cho đến ngày hôm nay.
''Thức giấc'' tiếng tơ cho cây đàn dân tộc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO