Thư viện Quốc gia Việt Nam: Nơi lưu truyền tri thức

29/11/2017 08:15

Ngày 29-11-2017, Thư viện Quốc gia Việt Nam (31 Tràng Thi - Hà Nội) tròn tuổi 100, ngày càng khẳng định là nơi chứa “rừng sách - rừng tri thức”, lưu giữ “di sản văn hóa thành văn” lớn nhất đất nước, là địa chỉ yêu mến, tin cậy của đông đảo trí thức, học giả, các nhà nghiên cứu, sinh viên, công chức, viên chức của Thủ đô Hà Nội và của cả nước.

Nhân dịp này, Báo trân trọng giới thiệu bài viết của Thạc sĩ Nguyễn Hữu Giới, Chủ tịch Hội Thư viện Việt Nam về Thư viện Quốc gia Việt Nam.
Thư viện Quốc gia Việt Nam: Nơi lưu truyền tri thức
Thư viện Quốc gia Việt Nam. Ảnh: Bá Hoạt

Những mốc son đáng nhớ

Ngày 29-11-1917, Nha Lưu trữ và Thư viện trung ương Đông Dương được thành lập. Ngày 1-9-1919, thư viện lần đầu tiên mở cửa phục vụ bạn đọc. Năm 1935, thư viện được đổi tên thành Thư viện Pierre Pasquier. Sau Cách mạng Tháng Tám, Thư viện Pierre Pasquier được đổi tên thành Quốc gia Thư viện và chính thức được mang tên Thư viện Quốc gia từ năm 1958.

Ban đầu Thư viện trung ương Đông Dương chỉ có vốn sách ít ỏi (chừng 5.000 cuốn), chủ yếu là sách bằng tiếng Pháp và một số ít là bằng tiếng Việt và tiếng Trung Quốc. Qua nhiều năm tháng, kho sách lớn dần, đến thời kỳ Pháp tạm chiếm Hà Nội, kho sách của thư viện đã lên tới mấy chục vạn cuốn. Từ năm 1954 đến nay, được sự quan tâm của Đảng và Chính phủ, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã từng bước khắc phục khó khăn, trở thành một thư viện khoa học tổng hợp lớn nhất Việt Nam với khoảng gần 2,5 triệu đơn vị tư liệu ngôn ngữ đa dạng. 

Trong vốn di sản văn hiến to lớn đó, có các bộ sưu tập tư liệu quý từ thế kỷ XVII đến nay như 5.280 bản Hán Nôm viết tay; 68.500 tư liệu Đông Dương, trong đó có 1.700 loại báo - tạp chí...; gần 10.000 bộ sưu tập (báo, tạp chí bằng tiếng Việt và tiếng nước ngoài). Ngoài ra, trong kho tư liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam còn nhiều tài sản quý, bao gồm hơn 5 triệu trang tư liệu đã được số hóa; gần 500.000 tư liệu nước ngoài thông qua trao đổi, nhận biếu, tặng từ các thư viện, cơ quan thông tin, các tổ chức, cá nhân nước ngoài và ở Việt Nam...

Nói về giá trị của kho tư liệu của Thư viện Quốc gia Việt Nam, trước hết phải nói về kho sách quý hiếm có một không hai ở Việt Nam: Đó là kho sách bằng chữ Pháp và chữ Latinh cùng kho báo, tạp chí trước năm 1954 (còn gọi là kho báo tạp chí Đông Dương). Sách, báo trong kho tư liệu này có hàng vạn cuốn quý hiếm, nghiên cứu về lịch sử, địa lý, pháp luật, y học, khảo cổ học, nông - lâm nghiệp, khai khoáng của vùng đất Đông Dương và rất nhiều công trình nghiên cứu có giá trị của nhiều học giả người Pháp, trong đó đáng chú ý có những cuốn được in cách đây vài thế kỷ. 

Hiện tại, Thư viện Quốc gia còn lưu giữ trên 1.700 tên báo, tạp chí bằng tiếng Pháp và tiếng Việt trước năm 1954, trong đó có nhiều loại tồn tại trên, dưới một thế kỷ, vẫn rất quen thuộc, hữu ích với các học giả, các nhà nghiên cứu trong và ngoài nước… Cùng với đó, bộ phận sách tiếng Việt lưu giữ phần lớn ấn phẩm bằng chữ quốc ngữ của nước ta từ khi có nghề in typô ở Việt Nam (1862).

Thư viện Quốc gia Việt Nam được nhận lưu chiểu theo luật định, vì vậy, có thể coi kho sách của thư viện là “tấm gương” phản ánh phần nào trình độ văn minh, văn hóa của dân tộc. Với những phòng đọc rộng, trang thiết bị hiện đại, hằng ngày, Thư viện Quốc gia có thể tiếp nhận, phục vụ trên 1.000 độc giả. 

Lan tỏa, nâng cao thương hiệu thời hội nhập

Là trung tâm hợp tác và phối hợp hoạt động giữa các thư viện trong nước, hiện nay Thư viện Quốc gia Việt Nam có mối quan hệ với 63 thư viện tỉnh, thành, hàng trăm thư viện cấp huyện và nhiều thư viện chuyên ngành, đa ngành trong nước. Bên cạnh đó, Thư viện Quốc gia cũng đã có mối quan hệ và hợp tác, trao đổi với hơn 120 thư viện, viện nghiên cứu, trung tâm thông tin... thuộc 32 nước trên thế giới… 

Hằng năm, Thư viện Quốc gia biên soạn các tài liệu nghiệp vụ, các bản thư mục quốc gia, xuất bản tạp chí thư viện chuyên ngành, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo ở trong nước, tham dự các hội thảo khoa học của khu vực và quốc tế... Để mở ra mối quan hệ chuyên môn với khu vực và thế giới, năm 2000, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã chính thức gia nhập Hiệp hội Thư viện quốc tế (IFLA) và hiện là thành viên của Hiệp hội Cán bộ thư viện Đông Nam Á (CONSAL).

Hiện tại, Thư viện Quốc gia đang đẩy nhanh tiến độ ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa tài liệu, nhằm từng bước xây dựng thư viện điện tử, thư viện số. Thư viện đã xây dựng được nhiều cơ sở dữ liệu điện tử (cơ sở dữ liệu thư mục với 660.000 biểu ghi và cơ sở dữ liệu toàn văn (bộ sưu tập số) gồm luận án tiến sĩ; sách về Đông Dương (thời Pháp thuộc); sách Hán - Nôm; báo - tạp chí; vi phim - vi phiếu, băng đĩa CD với gần 5 triệu trang tài liệu, mỗi năm phục vụ hàng vạn, hàng triệu lượt độc giả tại chỗ và qua mạng internet). 

Đồng thời, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã thiết lập mạng WAN nối mạng với các thư viện tỉnh, thành phố trong nước để chia sẻ dữ liệu, nguồn lực, khai thác thông tin phục vụ độc giả của thư viện, tạo thế đứng vững chắc trong hệ thống thư viện ở Việt Nam.

Từ năm 1995 đến năm 2002, được sự quan tâm, đầu tư của Đảng và Chính phủ, thư viện đã tiến hành xây dựng, cải tạo trụ sở, trang thiết bị, trở thành một trong những thư viện quốc gia hiện đại ở khu vực ASEAN.

Tròn một thế kỷ qua, Thư viện Quốc gia Việt Nam đã có những cống hiến nhất định cho sự phát triển kinh tế, văn hóa, khoa học của nước nhà, được Đảng và Nhà nước ghi nhận bằng nhiều phần thưởng, danh hiệu cao quý. Để giữ gìn truyền thống vẻ vang ấy, tập thể cán bộ, nhân viên thư viện quyết tâm đoàn kết, nỗ lực phấn đấu không ngừng để Thư viện Quốc gia Việt Nam mãi là nơi lưu truyền tri thức và khơi nguồn cảm hứng thực sự tin cậy, thân thiện của bạn đọc trong, ngoài nước, có uy tín, vị thế xứng đáng trong cộng đồng thư viện Việt Nam, khu vực và thế giới.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Thư viện Quốc gia Việt Nam: Nơi lưu truyền tri thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO