Thủ tướng yêu cầu chủ động ứng phó đợt rét đậm, rét hại kéo dài
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 11/CĐ-TTg ngày 7/2/2025 yêu cầu các bộ, ngành, địa phương chủ động ứng phó đợt rét đậm, rét hại kéo dài.
![53fe7a36-ee8e-4693-9e69-bb17252c11f1-706.jpeg](https://nhn.1cdn.vn/2025/02/08/53fe7a36-ee8e-4693-9e69-bb17252c11f1-706.jpeg)
Công điện gửi Chủ tịch Ủy ban nhân dân 31 tỉnh, thành phố gồm Hà Giang, Cao Bằng, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La, Hòa Bình, Lạng Sơn, Thái Nguyên, Phú Thọ, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nam, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế; Bộ trưởng các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Lao động-Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông.
Công điện cho biết sáng 7/2, không khí lạnh mạnh đã ảnh hưởng đến khu vực phía Đông Bắc Bộ và một số nơi ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng thuỷ văn Quốc gia, không khí lạnh sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến các nơi khác ở phía Tây Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ, sau đó ảnh hưởng đến một số nơi ở Nam Trung Bộ. Bắc Bộ trời rét đậm, rét hại, vùng núi cao có khả năng xảy ra mưa tuyết và băng giá; khu vực Bắc Trung Bộ trời chuyển rét đậm; khu vực từ Quảng Bình đến Huế trời chuyển rét, có nơi rét đậm. Đợt rét đậm, rét hại diện rộng ở Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ có thể kéo dài đến ngày 10 tháng 02 năm 2025, có khả năng ảnh hưởng đến gia súc, gia cầm; ảnh hưởng lớn tới quá trình sinh trưởng và phát triển của cây trồng; gió mạnh và sóng lớn trên biển có khả năng ảnh hưởng đến hoạt động của tàu thuyền và các hoạt động khác; có khả năng xảy ra mưa dông lốc, sét và gió giật mạnh.
Để chủ động ứng phó với đợt rét đậm, rét hại kéo dài, bảo vệ sức khỏe của Nhân dân, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất kinh doanh, nhất là sản xuất nông nghiệp, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:
Các địa phương tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn cho người dân các biện pháp, kỹ năng phòng, chống rét an toàn, hiệu quả. Triển khai đồng bộ các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh để bảo vệ cây trồng, vật nuôi, nhất là gia súc, gia cầm, thủy sản, giảm thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Cùng đó, tổ chức rà soát, kịp thời hỗ trợ thực phẩm, nhu yếu phẩm, cung cấp thuốc men, khám chữa bệnh cho người dân, nhất là người cao tuổi, trẻ em, người lang thang, vô gia cư và các đối tượng yếu thế khác. Tuyệt đối không để người dân đói, rét, đau ốm vì rét mà không tiếp cận được dịch vụ y tế.
Bộ NN&PTNT được yêu cầu tổ chức theo dõi sát diễn biến thời tiết, chủ động chỉ đạo phòng, chống thiên tai, hướng dẫn các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống rét, dịch bệnh bảo vệ sản xuất nông nghiệp; chỉ đạo kế hoạch sản xuất vụ Đông - Xuân phù hợp, hạn chế thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp.
Bộ Y tế được giao chỉ đạo, phổ biến, hướng dẫn, khuyến cáo người dân thực hiện các biện pháp phòng, chống rét an toàn, hiệu quả, bảo đảm an toàn sức khỏe cho nhân dân; chỉ đạo lực lượng y tế tuyến cơ sở bảo đảm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân, nhất là trong những ngày rét đậm, rét hại.
Bộ Tài nguyên và Môi trường được giao theo dõi, dự báo, cung cấp kịp thời thông tin về tình hình thời tiết để nhân dân biết, chủ động ứng phó.
Bộ Thông tin và Truyền thông, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam và các cơ quan truyền thông ở trung ương và địa phương phối hợp với các cơ quan chức năng cập nhật thông tin, tăng cường phổ biến, hướng dẫn người dân các biện pháp, kỹ năng phòng, chống rét đậm, rét hại.
Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo các bộ, ngành và các địa phương có liên quan triển khai thực hiện nghiêm túc Công điện này./.