Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ

TTXVN| 07/01/2022 10:24

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị tổng kết công tác tài chính - ngân sách nhà nước năm 2021, triển khai nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước năm 2022, ngày 6-1, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu ngành Tài chính cần phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ; làm tốt hơn nữa quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, đủ, kịp thời các khoản thu phát sinh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh yêu cầu phải có chính sách khuyến khích thu và tiêu chí phân bổ ngân sách công bằng, minh bạch, chống tiêu cực, chạy chọt. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, ngành Tài chính phải đẩy mạnh chống thất thu, chuyển giá, trốn lậu thuế; quản lý có hiệu quả các nguồn thu mới phát sinh từ các giao dịch thương mại điện tử và nền kinh tế số. Cùng đó, quyết liệt xử lý, đôn đốc thu hồi nợ thuế, giảm tỷ lệ nợ đọng thuế; phấn đấu tăng thu ngân sách nhà nước. Bảo đảm quản lý và khai thác tốt tài sản công, chống tình trạng sử dụng lãng phí, sai mục đích và thất thoát tài sản công.

Thủ tướng cũng yêu cầu ngành Tài chính tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2022 chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả, nhất là giảm chi đối với những khoản chi không thực sự cần thiết. Đồng thời, bảo đảm nguồn thực hiện các nhiệm vụ chi quan trọng; tập trung nguồn lực ưu tiên cho phòng, chống dịch Covid-19, các nhiệm vụ đột xuất, cấp bách.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, năm 2022, dự kiến diễn biến dịch Covid-19 trên thế giới còn rất phức tạp, với sự xuất hiện của những biến thể mới lây lan nhanh hơn, khó lường hơn. Điều này đòi hỏi phải có chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả để có thể thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện phục hồi và phát triển kinh tế.

Năm 2022, dự toán thu ngân sách nhà nước là 1.411,7 nghìn tỷ đồng; trong đó, dự toán ngân sách trung ương là 739,13 nghìn tỷ đồng, chiếm 52,36% tổng thu ngân sách nhà nước; dự toán thu ngân sách địa phương là 672,57 nghìn tỷ đồng, chiếm 47,64%.

Để hoàn thành nhiệm vụ thu ngân sách trong năm nay, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho hay, ngành Tài chính tiếp tục nghiên cứu, đề xuất trình cấp thẩm quyền và triển khai kịp thời các chính sách thu, chi ngân sách hỗ trợ cho các đối tượng chịu tác động nặng nề của dịch Covid-19. Đồng thời, thiết kế các gói kích cầu kinh tế và tài khóa có hiệu quả, tạo động lực mới cho quá trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo Bộ trưởng Hồ Đức Phớc, ngành Tài chính cũng sẽ tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo dự toán; chỉ ban hành chính sách làm tăng chi ngân sách nhà nước thực sự cần thiết và có nguồn bảo đảm; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư, hỗ trợ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Cùng với đó, chủ động sử dụng dự phòng, dự trữ và các nguồn lực hợp pháp của địa phương để xử lý các nhiệm vụ chi phòng, chống khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh và các nhiệm vụ chi đột xuất, cấp bách phát sinh theo quy định.

Bộ trưởng cho hay, ngành Tài chính cũng sẽ quản lý chặt chẽ bội chi ngân sách nhà nước; kiểm soát chặt chẽ nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của ngân sách nhà nước, nợ của chính quyền địa phương; bảo đảm mức vay nợ trong hạn mức được duyệt, kiểm soát các chỉ tiêu an toàn nợ công trong phạm vi ngưỡng, trần theo quy định.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, Chính phủ đã giao chỉ tiêu dự toán thu ngân sách nhà nước năm 2022 cho thành phố là 386.568 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 24,82% trong tổng dự toán thu cả nước.

Để thực hiện được nhiệm vụ này, thành phố Hồ Chí Minh sẽ triển khai ngay các giải pháp để nhanh chóng phục hồi kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách nhà nước; quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đẩy mạnh cải cách hành chính, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong sản xuất, kinh doanh. Thành phố cũng sẽ tập trung thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm nhằm giúp kích cầu, tăng trưởng kinh tế. Từ đó, góp phần nuôi dưỡng, phát triển nguồn thu bền vững.

Đặc biệt, địa phương sẽ tổ chức điều hành chi ngân sách nhà nước năm 2022 theo dự toán chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; dành nguồn lực cho phòng, chống dịch Covid-19, hỗ trợ phục hồi kinh tế và dự phòng cho những trường hợp bất khả kháng, thiên tai, dịch bệnh... phát sinh.

Ông Hà Minh Hải, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cũng cho biết, trong năm 2022, Hà Nội sẽ triển khai quyết liệt, kịp thời kế hoạch phục hồi và phát triển kinh tế, thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Bên cạnh đó, tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, hỗ trợ hiệu quả người dân, doanh nghiệp; thúc đẩy quá trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội trong từng ngành, lĩnh vực, địa bàn. Trọng tâm là khôi phục các chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, thúc đẩy các động lực tăng trưởng, bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân.

Thành phố Hà Nội sẽ điều hành ngân sách chủ động, tích cực, đúng quy định, bảo đảm an sinh xã hội và giữ vững cân đối ngân sách, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu thu ngân sách nhà nước được giao. Đặc biệt, ngay trong quý I-2022, thành phố sẽ phấn đấu hoàn thành tối thiểu 27% dự toán Trung ương giao; thực hiện tốt, có hiệu quả các chính sách tài chính trên địa bàn.

Năm 2021, dù chịu ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh Covid-19, nhưng thu ngân sách cả nước ước đạt 1.563,3 nghìn tỷ đồng, vượt  219,9 nghìn tỷ đồng so với dự toán và tăng 3,7% so với thực hiện năm 2020; trong đó, thu từ ngân sách Trung ương ước đạt 106,7% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt 128,2% dự toán.

Bà Phan Thị Thắng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh cho biết, tháng 8 và tháng 9, do ảnh hưởng nặng nề của dịch bệnh, số thu ngân sách đã sụt giảm mạnh nhất từ trước tới nay và giảm sâu so với cùng kỳ, số thu tháng 9 chỉ đạt 55,82% so với mức trung bình một tháng thành phố phải thu.

Tuy nhiên, bà Phan Thị Thắng cho biết, với sự quyết tâm của các ngành, các cấp cùng với sự đồng lòng của doanh nghiệp và người dân thành phố, số thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh năm 2021 đã đạt 381.532 tỷ đồng, bằng 104,56% dự toán và tăng 2,73% so với cùng kỳ.

Với thành phố Hà Nội cũng có kết quả thu ngân sách vượt mong đợi trong năm 2021. Theo ông Hà Minh Hải, ngay từ đầu năm, thành phố đã chỉ đạo thực hiện đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, tăng cường thanh tra- kiểm tra, chống thất thu - chuyển giá - gian lận thuế để khai thác tăng thu. Cùng đó, Hà Nội kịp thời tháo gỡ khó khăn cho các dự án vướng mắc nghĩa vụ tài chính về đất. Qua đó, xử lý, tháo gỡ 7 dự án vướng mắc với số tiền 936 tỷ đồng.

Ông Hà Minh Hải cho biết, nhờ vậy mà tổng thu ngân sách nhà nước ở Hà Nội trong năm 2021 là 265.755 tỷ đồng, tăng 12,8% so với dự toán Trung ương giao và đạt 105,7% dự toán thành phố giao.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Thưởng lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam
    Từ ngày 17/12/2024 đến hết ngày 23/12/2024, tại nhà triển lãm 29 Hàng Bài (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ diễn ra triển lãm tranh sơn mài của họa sĩ Nguyễn Hải Nam.
  • “Cơ hội mới - giá trị mới” để phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến - Văn minh - Hiện đại”
    Ngày 12/12, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ký ban hành Quyết định số 1569/QĐ-TTg về việc “Phê duyệt Quy hoạch Thủ đô Hà Nội thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050” với những quan điểm, mục tiêu, tầm nhìn phát triển Thủ đô Hà Nội “Văn hiến – Văn minh – Hiện đại”.
  • Ra mắt cuốn sách song ngữ Việt - Anh về tiểu sử và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Nhằm giúp bạn đọc có thêm tài liệu tham khảo, góp phần tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch biên soạn cuốn sách song ngữ . Sách vừa được Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật ấn hành và giới thiệu tới độc giả.
  • [Video] Làng nghề Sơn Đồng: Trung tâm đồ thờ gỗ của Thủ đô và cả nước
    Với kỹ thuật chạm khắc tinh xảo cùng cái tâm với nghề, những nghệ nhân làng nghề thủ công mỹ nghệ Sơn Đồng (huyện Hoài Đức, TP. Hà Nội) đã tạo nên những sản phẩm vừa đem lại giá trị kinh tế cao, vừa giới thiệu đến bạn bè quốc tế về một Hà Nội của Việt Nam với những nét văn hóa độc đáo trong dòng chảy lịch sử nghìn năm văn hiến.
  • “Hiến kế” cho Hà Nội xây dựng mô hình quản trị đô thị trong kỷ nguyên mới
    Trên cơ sở phân tích lịch sử 70 năm hình thành và phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thành phố Hà Nội, TS. Đỗ Tất Cường (Phó Vụ trưởng Vụ Quản lý khoa học) và TS. Ngô Thị Ngọc Anh (Phó Tổng Biên tập Tạp chí Kinh tế và Quản lý, Viện Kinh tế) - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, đã “hiến kế” cho Hà Nội một số định hướng phát triển của mô hình quản trị đô thị ở Thủ đô trong kỷ nguyên mới.
Đừng bỏ lỡ
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và tiền tệ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO