Trong những năm gần đây, các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước đã tạo xung lực mới trong việc mở rộng không gian hợp tác trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế và giao lưu nhân dân giữa Việt Nam và Belarus. Đặc biệt, Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á - Âu đã chính thức có hiệu lực từ cuối năm 2016, mở ra nhiều cơ hội, triển vọng mới trong quan hệ hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên.
Cho biết về cuộc làm việc với Bộ Công Thương Việt Nam, Phó Thủ tướng Vladimir Semashko bày tỏ, hai bên đã đánh giá về kết quả hợp tác sau hơn 1 năm rưỡi triển khai Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh kinh tế Á – Âu, các khó khăn, vướng mắc và biện pháp giải quyết. Ông cũng cho biết, đã đến thăm một số dự án hợp tác giữa các đối tác hai bên và cảm ơn phía Việt Nam đã tạo điều kiện thuận lợi cho dự án.
Phó Thủ tướng Belarus đề nghị thúc đẩy hợp tác với phía Việt Nam trong một số lĩnh vực mà Belarus có thế mạnh như sản xuất sữa, cơ khí, thiết bị công nghiệp...
Đánh giá cao kết quả làm việc giữa Phó Thủ tướng Belarus với Bộ Công Thương Việt Nam, Thủ tướng mong muốn kim ngạch thương mại song phương gia tăng hơn nữa, không chỉ ở mức hơn 100 triệu USD như hiện nay trong khi tiềm năng hợp tác giữa hai nước còn rất lớn. Hai bên cần nghiên cứu mở ra các không gian hợp tác lớn hơn.
Hai bên cần tăng cường cung cấp thông tin cho các doanh nghiệp và thường xuyên tổ chức giao lưu giữa các doanh nghiệp để giới thiệu về sản phẩm và các lĩnh vực của mỗi nước nhằm thúc đẩy kim ngạch thương mại song phương tương xứng với tiềm năng.
Việt Nam sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Belarus hợp tác, đầu tư, kinh doanh có hiệu quả, ổn định lâu dài gắn với sự phát triển bền vững của Việt Nam. Đồng thời tạo điều kiện để các sản phẩm công nghiệp, cơ khí, năng lượng, khoáng sản của Belarus tiếp cận thị trường Việt Nam, một thị trường đang phát triển với sức mua ngày càng tăng.
Đề cập đến vấn đề Biển Đông, Thủ tướng đề nghị Belarus ủng hộ lập trường chính nghĩa của Việt Nam và ASEAN về giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982.