Tin tức

Thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh

Trung Kiên 19:56 19/02/2025

Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh đã được 459/459 đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành thông qua tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 19/2.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội, việc ban hành Nghị quyết thí điểm sẽ tạo cơ sở pháp lý cần thiết nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các thành phố trong thời gian qua để thực hiện thành công mục tiêu hoàn chỉnh mạng lưới đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh vào năm 2035 theo Nghị quyết số 49-KL/TW ngày 28/2/2023 của Bộ Chính trị (về định hướng phát triển giao thông vận tải đường sắt Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045), giúp tạo lập hạ tầng giao thông đồng bộ, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội.

thong-qua-duong-sat.jpg
Tại phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV diễn ra sáng 19/2, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại Thành phố Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh. (Ảnh: Cổng TTĐT Quốc hội).

Ngoài ra, trên cơ sở thực tiễn, thế giới đã có hơn 200 thành phố xây dựng hệ thống đường sắt đô thị (ĐSĐT), các thành phố lớn đều ưu tiên phát triển ĐSĐT để đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách đô thị, là giải pháp căn cơ để giải bài toán ùn tắc, ô nhiễm môi trường và tai nạn giao thông. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh là hai thành phố, cực tăng trưởng, đầu tàu kinh tế, có sức lan tỏa; ĐSĐT tại hai Thành phố bắt đầu xây dựng từ năm 2007, tuy nhiên tiến độ triển khai chậm, không đáp ứng được yêu cầu do quá trình triển khai gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là các quy định về trình tự, thủ tục đầu tư, huy động nguồn lực và tổ chức thực hiện.

Tóm tắt Tờ trình Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ trình Quốc hội cũng khẳng định, ĐSĐT là trục “xương sống” của hệ thống vận tải công cộng đô thị, đầu tư phát triển ĐSĐT là tất yếu khách quan, giải pháp quan trọng, căn cơ để phát triển đô thị hiện đại, bền vững, gắn với bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu. Triển khai Kết luận của Bộ Chính trị, việc xây dựng và ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại hai thành phố để giải quyết “điểm nghẽn” về thể chế, góp phần thực hiện mục tiêu hoàn thành mạng lưới ĐSĐT tại hai Thành phố là rất cần thiết, cấp bách.

Việc xây dựng Nghị quyết của Quốc hội nhằm huy động mọi nguồn lực hợp pháp, rút ngắn tối đa tiến độ thực hiện, khai thác có hiệu quả nguồn lực quỹ đất; phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho hai Thành phố trong việc triển khai đầu tư, phát huy tính chủ động, tích cực của hai Thành phố; Hiện thực hóa các Nghị quyết, Kết luận của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị.

Phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết này quy định một số chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới ĐSĐT tại hai Thành phố, áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài có hoạt động thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị quyết.

so-do-23.jpg
Sơ đồ tuyến đường sắt đô thị Thành phố Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh được giới thiệu tại Hội thảo "Phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh" trung tuần tháng 1/2024. (Ảnh tư liệu).

Nghị quyết gồm 11 Điều, 1 Phụ lục, với các nội dung cơ bản là quy phạm hóa 6 nhóm chính sách đặc thù, đặc biệt trong Hồ sơ đề nghị xây dựng Nghị quyết đã được cơ quan có thẩm quyền thông qua gồm nhóm chính sách về: huy động nguồn vốn; trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư; phát triển đô thị theo mô hình TOD; phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực; chính sách vật liệu xây dựng và bãi đổ thải; các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể:

Nhóm chính sách về huy động nguồn vốn

Nhóm chính sách về huy động nguồn vốn (Điều 4): Thủ tướng Chính phủ căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho thành phố Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho Thành phố Hồ Chí Minh trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án;.

Dự án được bố trí vốn qua nhiều kỳ trung hạn; UBND Thành phố được bố trí vốn để triển khai trước một số công việc phục vụ cho dự án (chuẩn bị đầu tư, GPMB,...). Căn cứ khả năng cân đối, bố trí kế hoạch đầu tư công trung hạn, hằng năm vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho ngân sách địa phương, tối đa không vượt 215.350 tỷ đồng cho thành phố Hà Nội và tối đa không vượt 209.500 tỷ đồng cho TP. Hồ Chí Minh trong các kỳ kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 và 2031 - 2035 làm cơ sở quyết định đầu tư và thực hiện đầu tư các dự án.

Nhóm chính sách về trình tự, thủ tục thực hiện đầu tư

Nhóm chính sách về trình tự, thủ tục (Điều 5): dự án ĐSĐT không phải lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư mà được thực hiện ngay thủ tục lập, thẩm định, quyết định đầu tư. UBND Thành phố được quyết định việc phân chia dự án thành các dự án thành phần, tiểu dự án khi phê duyệt dự án; quyết định công trình không phải thi tuyển phương án kiến trúc; chỉ định thầu các gói thầu tư vấn, phi tư vấn, xây lắp và nhà đầu tư.

kt.jpg
Tuyến Metro Nhổn - ga Hà Nội đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy sau 6 tháng vận hành đã có đón tiếp khoảng 3,4 triệu lượt hành khách.

Được ứng trước ngân sách địa phương năm sau để thực hiện dự án đáp ứng tiến độ; được lập thiết kế kỹ thuật tổng thể (FEED) thay thiết kế cơ sở và giao chủ đầu tư quyết định phê duyệt các bước thiết kế còn lại; quy định tổng mức đầu tư, dự toán được áp dụng định mức, đơn giá do các tổ chức quốc tế công bố, các dự án có tính chất tương tự trên thế giới; quy định về công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, thu hồi đất.

Nhóm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD

Nhóm chính sách về phát triển đô thị theo mô hình TOD (Điều 6): quy định khi lập, điều chỉnh quy hoạch TOD được quyết định các chỉ tiêu khác với quy chuẩn để khai thác quỹ đất và giá trị tăng thêm từ đất; UBND Thành phố được quyết định chuyển nhượng chỉ tiêu sử dụng đất quy hoạch trong khu vực TOD; khi lập quy hoạch chi tiết phương án tuyến công trình, vị trí công trình không phải thực hiện thủ tục điều chỉnh quy hoạch có liên quan.

Nhóm chính sách về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực

Nhóm chính sách về phát triển công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ và đào tạo nguồn nhân lực (Điều 7) tương tự như chính sách của dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam về phát triển khoa học, công nghệ và đào tạo phát triển nguồn nhân lực; ngoài ra bổ sung thêm thẩm quyền cho phép UBND Thành phố được quyết định lựa chọn áp dụng quy chuẩn, tiêu chuẩn cho các tuyến ĐSĐT sau khi có sự thống nhất của Bộ Giao thông – Vận tải.

Nhóm chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải

Nhóm chính sách về vật liệu xây dựng và bãi đổ thải (Điều 8) của dự thảo Nghị quyết tương tự như chính sách của dự án đầu tư đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam về khai thác mỏ khoảng sản làm vật liệu xây dựng và bãi đổ chất thải rắn xây dụng và tầng đất mặt của đất chuyên trồng lúa nước.

Nhóm các quy định áp dụng riêng cho Thành phố Hồ Chí Minh

metro-hochimnh.jpg
Tuyến metro số 01 (Bến Thành – Suối Tiên) chính thức đi vào hoạt động từ cuối năm 2024, đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong hệ thống giao thông đô thị TP. Hồ Chí Minh.

Nhóm chính sách áp dụng riêng cho TP. Hồ Chí Minh (Điều 9) được quy định trong Luật Thủ đô nhưng cần được bổ sung vào Nghị quyết này để TP. Hồ Chí Minh được áp dụng tương tự với Thành phố Hà Nội, cụ thể: thu và sử dụng tiền thu trong khu vực TOD; huy động vốn thông qua các khoản vay phát hành trái phiếu chính quyền địa phương; tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư dự án có sử dụng đất để chỉnh trang phát triển đô thị; UBND Thành phố được tổ chức thẩm định và phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp giấy phép môi trường.

Về tổ chức thực hiện

Quy định về tổ chức thực hiện (Điều 10), cụ thể: Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định bổ sung, điều chỉnh cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt cho các dự án; trách nhiệm của Chính phủ trong việc tổ chức thực hiện, quản lý đầu tư các dự án; quản lý, sử dụng vốn và các nguồn lực; quyết định điều chỉnh danh mục các dự án trong Phụ lục Nghị quyết; ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành; quy định về thành phần tham gia Tổ thẩm định lựa chọn nhà đầu tư, nhà thầu để phòng, chống tham nhũng; trách nhiệm của kiểm toán Nhà nước; trách nhiệm của HĐND Thành phố và UBND thành phố đối với chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức liên quan./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thông qua Nghị quyết thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc biệt phát triển hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội, TP Hồ Chí Minh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO