(Thông điệp từ lịch sử) Tình thế và sự lựa chọn con đường văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX

KTĐT| 14/11/2021 11:51

Năm 1884 với Hiệp ước Patonot, thực dân Pháp hoàn thành xâm lược Việt Nam. Người Việt Nam phải bắt đầu hành trình đòi lại độc lập dân tộc vô cùng gian nan. Và tiến trình văn hóa Việt Nam cũng phải đương đầu với một tình thế lưỡng nan để phát triển.

Tình thế lưỡng nan
Liên tục nửa thế kỷ, mặc cho triều đình nhà Nguyễn nhu nhược nhưng người Việt Nam đã đứng lên chống Pháp. Song chính sự bất lực của tư tưởng quân chủ, của triều đình nhà Nguyễn, sự lạc hậu của nền văn hóa, giáo dục và trình độ độ kinh tế và khoa học đã dẫn đến thất bại.Những năm cuối cùng của thế kỷ 19, công cuộc bình định Việt Nam của thực dân Pháp căn bản hoàn thành. Chúng khẩn trương tổ chức và kiện toàn cơ chế phủ toàn quyền bắt tay vào công cuộc khai thác thuộc địa, lần thứ nhất (1897 - 1914) và lần thứ hai bắt đầu ngay khi thế chiến thứ nhất kết thúc (1918).Cuộc khai thác thuộc địa với mục đích khai thác vơ vét tài nguyên và bóc lột nhân công nhưng đã hình thành các ngành công nghiệp, các trung tâm công nghiệp ở Hà Nội, Sài Gòn, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Vinh, Đà Nẵng…; các đồn điền ở khắp ba kỳ; giao thông phát triển cả đường bộ, đường sắt, đường thủy; bưu điện hình thành; ngân hàng xuất hiện… Từ đây, giai cấp tư sản và giai cấp công nhân Việt Nam ra đời.
Quá trình đô thị hóa nhanh chóng xuất hiện nhiều đô thị mới hình thành bên cạnh các đô thị cũ. Tính chất đô thị cũng thay đổi, gắn liền với công nghiệp, dịch vụ nhiều hơn. Diện mạo văn hóa vật chất thay đổi với nhiều yếu tố hiện đại và văn minh. Theo đó, thị dân đông đảo hơn cùng với sự xuất hiện của tầng lớp tiểu tư sản thị dân.Tác động của công cuộc khai thác thuộc địa này với xã hội Việt Nam rất mạnh mẽ không chỉ về phương diện kinh tế mà cả tư tưởng, văn hóa, giáo dục.Về giáo dục, ban đầu người Pháp duy trì Nho học để duy trì trật tự xã hội nhưng đến đầu thế kỷ XX thì phải bãi bỏ việc thi cử Hán học (ở Bắc Kỳ năm 1915, ở Trung Kỳ năm 1918) và bắt đầu xây dựng các cơ sở giáo dục mới theo kiểu phương Tây. Năm 1897 mở trường Hậu bổ ở Hà Nội; cải tổ trường Quốc Tử Giám ở Huế; mở trường sư phạm sơ cấp ở Hà Nội. Thành lập Nha học chính; sửa đổi quy chế thi Hương và thi Hội, không chỉ thi chữ hán mà còn cả chữ Quốc ngữ và chữ Pháp. Năm 1908 thành lập Đại học Đông dương. Ngoài ra, người Pháp còn mở một số cơ sở nghiên cứu khoa học như: Viện vi trùng học ở Sài gòn (1891), ở Nha Trang (1896), Hà Nội (1900); trường Viễn Đông Bác Cổ (1898)…Đồng thời, đây cũng là giai đoạn phát triển có tính bước ngoặt của chữ Quốc ngữ. Sự chiếm lĩnh của chữ quốc ngữ đã thúc đẩy văn học và báo chí phát triển. Báo chí quốc ngữ không chỉ có ở Nam Kỳ mà đã bắt đầu xuất hiện ở Hà Nội. Văn học quốc ngữ cũng hình thành với một thế hệ tác gia mới. Với chính sách văn hóa, giáo dục này một tầng lớp trí thức mới đã xuất hiện.Cũng trong gia đoạn này, tình hình khu vực và thế giới có nhiều biến động. Sau thành công của Minh Trị Duy tân ở Nhật Bản là phong trào Duy tân của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu cuối thế kỷ XIX, cuộc cách mạng Tân Hợi (1911) ở Trung Quốc; là chiến thắng của nước Nhật trong cuộc chiến tranh Nga - Nhật (1905); là cuộc cách mạng 1905 ở Nga… đã ảnh hưởng sâu sắc đến tư tưởng và văn hóa của Việt Nam.Với sự thay đổi về nền tảng kinh tế và cấu xã hội, văn hóa Việt Nam đứng trước tình trạng đứt gãy truyền thống trên hầu hết các phương diện tư tưởng, văn học, giáo dục, lối sống... Lúc này, cùng với các yếu tố tác động từ bên ngoài, văn hóa Việt Nam ở vào tình thế phải lựa chọn con đường phát triển của mình. Về tư tưởng chính trị, đó là lựa chọn giữa quân chủ hay dân chủ, tư tưởng phong kiến hay tư tưởng dân chủ tư sản? Về giáo dục là tân học hay cựu/nho học? Về văn hóa là văn hóa Nho giáo - phương Đông hay văn hóa phương Tây? Hay lựa chọn từng phần để tích hợp với các yếu tố truyền thống để xây dựng một nền văn hóa dân tộc mới? Và bao trùm lên tất cả là vấn đề dân tộc. Bất cứ sự chọn lựa văn hóa nào đều phải hướng đến mục tiêu giành độc lập dân tộc.Đây là một sự lựa chọn vô cùng khó khăn vì sức ỳ, sự lạc hậu và bảo thủ của thể chế quân chủ, của nền văn hóa Nho giáo đã bám rễ quá sâu trên nền tảng kinh tế nông nghiệp lạc hậu. Văn hóa phương Tây có nhiều ưu điểm nhưng lại gắn liền với vấn đề dân tộc vì nó vào Việt Nam chủ yếu bằng con đường thực dân. Hơn nữa, “cơ địa” của văn hóaViệt Nam vẫn là văn hóa Đông Nam Á, văn hóa phương Đông. Tích hợp, tiếp biến văn hóa phương Tây thì chưa có kinh nghiệm và cũng chưa chuẩn bị đủ lực lượng, nhất là giới tinh hoa để gánh vác trong bối cảnh bị thống trị bởi chủ nghĩa thực dân.Sự lựa chọn khó khănĐứng trước tình thế văn hóa đó, muốn hay không, vẫn phải hành động. Nhưng ứng xử, hành động như thế nào còn phụ thuộc trước hết vào tư tưởng chính trị. Đó là lựa chọn dân chủ hay quân chủ? Duy trì chế độ phong kiến hay xây dựng xã hội dân chủ tư sản cho tương lai của đất nước?Thực ra câu hỏi lớn này đã bắt đầu có những người tiên phong như Nguyễn Trường Tộ, Phạm Phú Thứ, Đăng Huy Trứ, Nguyễn Lộ Trạch… đi tìm lời giải từ giữa thế kỷ XIX. Tư tưởng canh tân của các ông đã hình thành mặc dù chưa trở thành một chủ thuyết nhất quán có tính hệ thống toàn diện, chặt chẽ nhưng đã đưa ra phương hướng giải quyết bài toán lớn của văn hóa nước nhà.Đến đầu thế kỷ XX thì điều kiện giải bài toán đã có nhiều dữ liệu hơn khi bối cảnh trong và ngoài nước đã có nhiều thay đổi. Bắt đầu từ mục tiêu độc lập dân tộc, Phan Chu Trinh, Phan Bội Châu và các đồng chí của mình đã đi tìm lời giải. Hai ông là hai ngọn cờ của hai chủ thuyết để giải bài toán.Phan Bội Châu bằng con đường bạo động để giành độc lập dân tộc và hướng đến một nền quân chủ lập hiến. Ông sang Trung Quốc, sang Nhật Bản để tham khảo đường lối đường lối của Khang Hữu Vi, Lương Khải Siêu, của Minh Trị Duy tân. Ông lập Hội Duy tân, tổ chức phong trào Đông du để xây dựng lực lượng. Nhưng ông thành nhân mà không thành công vì chủ thuyết của ông không còn phù hợp trong điều kiện đàn áp của thực dân Pháp và mối liên hệ lợi ích giữa các quốc gia trong bối cảnh chủ nghĩa đế quốc đã hình thành.Phan Chu Trinh thì khác. Ông lựa chọn văn hóa và giáo dục để tổ chức lực lượng, xây dựng sức mạnh nội thân cho công cuộc giành độc lập dân tộc và xây dựng đất nước theo mô hình dân chủ. Chủ thuyết “Khai dân trí, Chấn dân khí, Hậu dân sinh” là kế lâu dài, căn cơ cho công cuộc giành độc lập dân tộc và phát triển đất nước. Phong trào Duy Tân do ông phát động chủ trương bất bạo động, khôi phục đất nước bằng con đường nâng cao dân trí, cải tổ toàn diện xã hội cả về kinh tế, văn hóa, giáo dục theo hướng hiện đại; dạy học và sử dụng chữ Quốc ngữ, học ngoại ngữ, khoa học kỹ thuật, bỏ lối học khoa cử từ chương; lập nhà buôn, mở mang kinh tế. Chủ thuyết và các hoạt động thực tiễn của ông đã được hưởng ứng rộng rãi trên nhiều phương diện. Đông Kinh nghĩa thục và một loạt trường học kiểu mới ra đời; Công ty Liên Thành và các hiệu buôn hình thành… Có thể nói, chủ thuyết của Phan Chu Trinh đã tạo nên một làn sóng văn hóa, giáo dục mới mẻ và tiến bộ của đất nước. Đó là một sự lựa chọn phù hợp và đúng đắn nhất trong bối cảnh lúc bấy giờ.Làn sóng đó là điểm khởi đầu cho một cuộc vận động văn hóa, giáo dục mới của dân tộc những năm 1920 trở về sau với những tên tuổi lớn như Huỳnh Thúc Kháng, Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Duy Tốn, Nguyễn Văn Tố...
Tiến trình văn hóa dân tộc không phải lúc nào cũng bằng phẳng mà có những lúc phải đương đầu với những thách thức để vượt qua và tiếp tục xác lập những gía trị mới. Tình thế những năm đầu thế kỷ XX đã buộc người Việt Nam phải có sự lựa chọn. Và các bậc tiền bối đã đúng khi lựa chọn con đường canh tân văn hóa, giáo dục theo hướng tiến bộ, phù hợp với xu thế của thời đại để phục hưng dân tộc.
Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ấn tượng sinh viên trường múa biểu diễn trong kỳ thi tốt nghiệp
    Học viện Múa Việt Nam đã tổ chức Chương trình thi Tốt nghiệp trình độ Trung cấp vào 3 ngày 14/5 đến 16/5 vừa qua với những nội dung thi như: múa cổ điển Châu Âu, múa dân gian dân tộc Việt Nam, múa đương đại,…
  • Khai mạc triển lãm "Tấm lòng của họa sĩ Việt kiều với Bác Hồ”
    Sáng 17/5, tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã diễn ra lễ khai mạc triển lãm "Tấm lòng của hoạ sĩ Việt kiều với Bác Hồ”. Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và Hội Thái Việt tại tỉnh Nakhon Phanom Thái Lan phối hợp tổ chức nhân dịp kỷ niệm 134 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/1890 – 19/5/2024.
  • Mai nở vì ai
    Từ Huệ Phần (hội viên Hội nhà văn Thượng Hải, Ban Thường trực Trung Quốc Vi hình Tiểu thuyết Học hội) là một nhà văn đương đại Trung Quốc chuyên sáng tác truyện ngắn mini và tản văn. Nhiều tác phẩm của bà được tuyển chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn và các tập tinh tuyển toàn quốc hằng năm. Người Hà Nội xin trân trọng giới thiệu một truyện ngắn của bà qua bản dịch của dịch giả Châu Hải Đường.
  • “Ươm mầm” đảng viên trẻ góp phần tạo những tấm gương sáng cổ vũ phong trào thanh niên
    Nhân dịp kỉ niệm 134 năm ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đảng bộ Trường THPT Đông Đô (quận Tây Hồ) đã long trọng tổ chức lễ kết nạp đảng viên mới cho 02 học sinh ưu tú được đứng trong hàng ngũ của Đảng.
  • Hà Nội yêu cầu làm rõ nguyên nhân cầu Vĩnh Tuy 2 bị ngập nước
    Sở GTVT Hà Nội vừa có văn bản số 2795/SGTVT-KHTC yêu cầu các đơn vị kiểm tra xác định nguyên nhân và có xử lý kịp thời các tồn tại liên quan đến việc thoát nước mặt cầu Vĩnh Tuy 2 thuộc dự án Đầu tư xây dựng cầu Vĩnh Tuy, giai đoạn 2.
Đừng bỏ lỡ
(Thông điệp từ lịch sử) Tình thế và sự lựa chọn con đường văn hóa Việt Nam đầu thế kỷ XX
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO