Người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Thắp sáng ước mơ cho trẻ tự kỷ và người khuyết tật

Khánh Thư 07:28 03/08/2024

Trong số những tấm gương tiêu biểu được Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội trao tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2023, có chị Đào Thanh Hoàn - người sáng lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân. Bằng tình yêu thương và trách nhiệm với cộng đồng, chị đã tạo dựng “ngôi nhà” thứ hai cho trẻ tự kỷ, người khuyết tật, tạo cơ hội cho các con được vươn lên và hòa nhập với cộng đồng.

Năm 2007, cậu con trai thứ hai của chị Đào Thanh Hoàn chào đời trong niềm vui khôn xiết của cả gia đình. Nhưng niềm vui chưa được bao lâu, khi con 14 tháng tuổi chị nhận thấy ở con có những biểu hiện không bình thường nên đã đưa con đi bệnh viện khám. Biết con mắc chứng rối loạn phổ tự kỷ, chị vừa buồn vừa thương con. Và rồi, từ thời điểm đó chị đã bắt đầu hành trình đầy gian nan và thử thách. Chị tìm tòi tài liệu, nghiên cứu và tham gia các chương trình, hội thảo về chứng tự kỷ để đồng hành cùng con, thậm chí còn xin nghỉ việc 2 năm trời không hưởng lương để ở nhà chăm sóc, chạy chữa cho con.

anh-3-xuong-thuc-nghiem-thien-ngoc-da-tro-thanh-chon-di-ve-than-quen-cua-nhieu-hoc-vien-khuyet-tat-tu-ky..jpg
Các sản phẩm oản nghệ thuật và đồ lễ do trẻ tự kỷ và người khuyết tật Xưởng thực nghiệm Thiên Ngọc sản xuất đảm bảo tính thẩm mỹ và được thị trường đón nhận, đánh giá cao.

Là người mẹ có con tự kỷ, hơn ai hết chị Đào Thanh Hoàn thấu hiểu các con cần giúp đỡ điều gì và gia đình có con tự kỷ mong muốn điều gì; thấu hiểu tâm tư của con cũng như những gánh nặng của gia đình và xã hội khi chăm sóc, giáo dục những đứa con “đặc biệt”. Đây cũng chính là lý do thôi thúc chị Hoàn quyết tâm thành lập Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục Ngọc Ân với mong muốn con trai mình và những người có chung hoàn cảnh có một địa chỉ ấm áp để đến, để vui chơi trong niềm hạnh phúc và cả sự an toàn.

Chị Hoàn chia sẻ, Trung tâm giáo dục đặc biệt Ngọc Ân được thành lập tháng 9/2020 với sứ mệnh hoạt động Chân - Thiện - Mỹ - Hòa, đó là giáo dục tri thức, giáo dục đạo đức, giáo dục nhân cách, giáo dục kỹ năng hướng tới môi trường giáo dục đặc biệt như một mái nhà ấm áp tràn đầy yêu thương để các thầy, cô giáo dục đặc biệt được phát huy chuyên môn, năng lực của mình và lan tỏa tình yêu thương đến các con thiếu may mắn và thiệt thòi, yếu thế trong xã hội.

anh-2-trung-tam-ngoc-an-da-tro-thanh-ngoi-nha-thu-2-cua-tre-tu-ky-va-nguoi-khuyet-tat.jpg
Trung tâm Ngọc Ân đã trở thành ngôi nhà thứ 2 của trẻ tự kỷ và người khuyết tật.

Với phương pháp kết hợp hài hòa giữa “y tế - giáo dục - gia đình” trong quá trình giáo dục can thiệp sớm, hòa nhập, Trung tâm Ngọc Ân đã trở ngôi nhà thứ hai của rất nhiều trẻ tự kỷ và được nhiều gia đình tin tưởng, gửi gắm con mình. Từ một cơ sở ban đầu tại Hà Nội, đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã có 5 cơ sở hoạt động ở Hà Nội, Đắk Lắk, Quảng Trị với đội ngũ cán bộ, giáo viên được tuyển chọn kỹ càng, có trình độ chuyên môn cao, yêu nghề và thương trẻ. Để lan tỏa được tấm lòng chia sẻ yêu thương đến các con, tập thể cán bộ, giáo viên Ngọc Ân đã luôn cùng nhau đoàn kết nghiên cứu, ứng dụng tri thức tâm lí học và giáo dục học, tìm những điểm sáng của trẻ rối loạn phát triển giúp các con sớm tiến bộ, và hòa nhập để trở thành những người có ích, tìm được giá trị của mình trong xã hội.
Sau 3 năm đi vào hoạt động, Trung tâm Ngọc Ân đã kiến tạo một môi trường giáo dục đặc biệt với mô hình giáo dục toàn diện từ giáo dục can thiệp sớm, hỗ trợ hòa nhập đến giáo dục kỹ năng sống, thực nghiệp hướng nghiệp đến kết nối với các tổ chức, cá nhân tạo việc làm mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người rối loạn phát triển và yếu thế trong xã hội.

Chị Hoàn chia sẻ, ý tưởng triển khai “Mô hình hỗ trợ thanh thiếu niên, người tự kỷ và khuyết tật phát triển bền vững trên địa bàn Thành phố Hà Nội” xuất phát từ những trăn trở của chị khi chứng kiến rất nhiều trẻ khuyết tật và tự kỷ sau khi kết thúc chương trình giáo dục tiểu học không thể tiếp tục học lên bậc trung học cơ sở, và càng khó học lên trung học phổ thông. “Thực tế này cho thấy rất cần có một mô hình giáo dục đặc biệt toàn diện từ thực nghiệm hướng nghiệp đến giải quyết việc làm, tạo thu nhập để các em có thể tham gia học tập suốt đời. Đây là việc làm rất cần thiết, vừa mang ý nghĩa nhân văn, giúp các em khuyết tật và tự kỷ được học tập suốt đời, có cuộc sống, công việc trọn vẹn; vừa góp phần không nhỏ giải quyết gánh nặng cho gia đình và xã hội”, chị Hoàn bộc bạch. Nghĩ là làm, chị Hoàn bắt tay phát triển Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc, nơi dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật, tự kỷ.

anh-1-chi-dao-thanh-hoan-tai-buoi-le-vinh-danh-cuoc-thi-y-tuong-san-pham-sang-tao-cua-phu-nu-thu-do-nam-2023-dung-khong-chi.jpg
Chị Đào Thanh Hoàn tại buổi lễ vinh danh cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm sáng tạo của Phụ nữ Thủ đô năm 2023”.

Tháng 2/2022, Xưởng thực nghiệm hướng nghiệp Thiên Ngọc chính thức đi vào hoạt động tại địa chỉ số N008, Liền kề 41, Khu đô thị Dương Nội, phường Dương Nội, quận Hà Đông. Để phát triển mô hình thực nghiệm hướng nghiệp của trung tâm, chị Hoàn đã đi khắp nơi tìm kiếm các mô hình làm nghề thủ công để học tập, thử nghiệm nhiều sản phẩm để dạy nghề cho các con. Và cuối cùng chị và các cộng sự đã đưa thành công nghề sắp lễ, làm oản nghệ thuật vào truyền dạy tại Trung tâm Ngọc Ân.

Sau hơn một năm hoạt động, Xưởng thực nghiệm Thiên Ngọc đã trở thành chốn đi về thân quen của nhiều học viên khuyết tật, tự kỷ. Mỗi lần nhìn các con say sưa chăm chút cho từng chi tiết nhỏ để hoàn thiện sản phẩm để cung cấp cho thị trường, chị Hoàn vừa vui, vừa cảm thấy hạnh phúc.

“Cho đến nay, Trung tâm Ngọc Ân đã phát triển được trên 7.000 mẫu sản phẩm oản nghệ thuật, đồ lễ các loại và có mặt ở nhiều tỉnh thành trên cả nước như: Hà Nội, Thái Bình, Hải Dương, Vĩnh Phúc, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nam Định, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Bà Rịa - Vũng Tàu… Các sản phẩm oản nghệ thuật và đồ lễ đảm bảo tính thẩm mỹ và đã được thị trường đón nhận, đánh giá cao”, chị Hoàn tự hào chia sẻ.

Mô hình Giáo dục đặc biệt toàn diện này đã được Cục bản quyền tác giả cấp Giấy chứng nhận bản quyền, được Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Việt Nam khen thưởng Bằng khen về công tác hoạt động nghiên cứu, ứng dụng tâm lý học và giáo dục học. Đáng chú ý, mô hình này còn đoạt Giải thưởng Cuộc thi “Ý tưởng sản phẩm sáng tạo của Phụ nữ Thủ đô năm 2023”; giải Nhì trong cuộc thi “Đổi mới sáng tạo vùng Thủ đô năm 2023” và được Sở Khoa học và Công nghệ Thành phố công nhận hiệu quả áp dụng và phạm vi ảnh hưởng cấp Thành phố.

Một vinh dự nữa đến với chị Hoàn đó là vào tháng 8/2023, chị được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam, Hội đồng Thương mại và Công nghệ toàn cầu Ấn Độ trao danh hiệu “Nhà hoạt động xã hội Châu Á Thái Bình Dương”. Tiếp đó, tháng 12/2023, chị vinh dự được phong tặng danh hiệu Tiến sĩ danh dự ngành giáo dục đặc biệt trong Diễn đàn “Khoa học và Kinh tế toàn cầu năm 2023” diễn ra tại New Delhi, Ấn Độ. Đặc biệt, ngày 16/12/2023, Trung tâm Ngọc Ân được trao danh hiệu Top 10 thương hiệu uy tín quốc gia năm 2023. Những danh hiệu, thành tích ấy tiếp thêm cho chị động lực để tiếp tục hành trình đổi mới sáng tạo và đưa ứng dụng về tâm lý học để dạy dỗ, chăm sóc người khuyết tật, tự kỷ.

Theo PGS.TS Phạm Minh Mục - nguyên Giám đốc Trung tâm Giáo dục Đặc biệt Quốc gia, Trung tâm Ngọc Ân là một mô hình giáo dục toàn diện cho học sinh khuyết tật nói chung và học sinh tự kỷ nói riêng. “Tại Hà Nội, chưa có cơ sở giáo dục nào có thể hỗ trợ trẻ khuyết tật từ giai đoạn can thiệp sớm đến giáo dục thực nghiệm hướng nghiệp. Đây là một mô hình rất phù hợp với thực trạng giáo dục trẻ khuyết tật hiện nay”, PGS.TS Phạm Minh Mục đánh giá.
“Mỗi đứa trẻ sinh ra, dù lành lặn hay khuyết tật đều như một viên ngọc quý trời ban và trách nhiệm của những người làm cha làm mẹ là phải tìm cách mài giũa để những viên ngọc ấy ngày càng sáng hơn, quý giá hơn”. Tâm niệm như thế, nên chị Hoàn luôn mong muốn mọi trẻ em khuyết tật, tự kỷ đều được hướng nghiệp, dạy nghề để trở thành những “viên ngọc” tỏa sáng. Chị cho hay sẵn sàng chuyển giao công nghệ miễn phí cho các trung tâm giáo dục đặc biệt khác. Với chị, việc nhân rộng, phát triển mô hình của Ngọc Ân cũng chính là cách chị trả ơn với cuộc đời./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
  • Hà Nội: Xúc động thanh niên tình nguyện “cứu” lúa cho đồng bào mùa mưa bão
    Cùng với cấp ủy, chính quyền, lực lượng công an, quân đội… tham gia khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra trên địa bàn Thành phố Hà Nội; đoàn viên thanh niên của Thủ đô là lực lượng xung kích, nòng cốt. Trong đó, màu áo xanh tình nguyện ngâm mình trong ruộng nước, hỗ trợ người dân thu hoạch lúa để giảm thiểu thiệt hại cho đồng bào đã chạm đến trái tim của cộng đồng, xã hội.
  • Người dân Thủ đô chung tay tổng vệ sinh môi trường sau cơn bão số 3
    Sau khi bão Yagi quét qua Hà Nội, dù lực lượng chức năng đã dồn tổng lực dọn dẹp, nhưng đường phố, ngõ phố của Thủ đô, nhất là trong các quận nội thành vẫn ngổn ngang. Trước thực tế này, Ủy ban MTTQ Việt Nam Thành phố Hà Nội đã phát động phong trào toàn dân tham gia tổng vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả cơn bão số 3. Từ sáng sớm ngày 14/9, tại các quận huyện trên địa bàn thành phố, công tác vệ sinh môi trường được tập trung cao độ với sự chung sức của nhiều đoàn thể và đông đảo người dân địa phương.
  • Thị xã Sơn Tây lan tỏa tinh thần “nhường cơm sẻ áo” tới đồng bào bị ảnh hưởng của bão số 3
    Thị ủy - HĐND – UBND - Ủy ban MTTQ thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) vừa tổ chức phát động ủng hộ đồng bào bị thiệt hại do bão số 3.
  • Thị xã Sơn Tây chủ động, quyết liệt phòng chống bão lụt
    Bão số 3 cùng hoàn lưu sau bão đã để lại những hệ quả phức tạp, đặt ra những tình huống cấp bách chưa từng có trên thị xã Sơn Tây (TP. Hà Nội) trong nhiều năm qua: nước sông dâng cao, đe dọa sự an toàn đê điều, nhiều vùng trũng rơi vào tình trạng ngập úng… Song với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị Sơn Tây đã triển khai quyết liệt, kịp thời, nỗ lực ở mức độ cao nhất để bảo đảm an toàn tính mạng, tài sản cho người dân.
  • Lan tỏa Hà Nội - Thành phố Vì Hòa bình, Thành phố Sáng tạo tại Cần Thơ và Cà Mau
    Chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), Sở Văn hóa – Thể thao Hà Nội sẽ tổ chức chương trình nghệ thuật, triển lãm tại Thành phố Cần Thơ, tỉnh Cà Mau; qua đó quảng bá các nét đặc trưng về văn hóa, di sản văn hóa tiêu biểu của Hà Nội ngàn năm văn hiến; con người Thủ đô thanh lịch, văn minh, Thủ đô Hà Nội - Thành phố Vì Hòa bình, Thành phố Sáng tạo tới nhân dân hai địa phương miền Tây Nam Bộ.
  • Trưng bày tài liệu “Hà Nội và những Cửa Ô”: Kể câu chuyện lịch sử các Cửa Ô Thăng Long - Hà Nội
    Hướng tới Kỷ niệm 70 năm Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024), UBND thành phố Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày tài liệu lưu trữ với chủ đề “Hà Nội và những Cửa Ô”. Trưng bày dự kiến diễn ra tại Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội (19C, quận Hoàn Kiếm) ngày 9/10/2024.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Thắp sáng ước mơ cho trẻ tự kỷ và người khuyết tật
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO