Thời Hùng Vương thứ 18, có nhà họ Hải tên Bột Công ở quận Hải Đông, đạo Hải Dương. Cả hai vợ chồng luôn làm việc thiện, sống hiền lành, chỉ có điều muộn đường sinh nở.
Vào một ngày đẹp trời, phu nhân của Bột Công ra biển tắm. Bỗng gió to sóng lớn nổi lên. Song chỉ chốc lát trời quang mây tạnh. Bỗng nhiên một con rồng vàng nổi lên mặt nước và sinh ra 5 quả trứng. Rồi trứng trôi tới trước mặt bà, vỡ ra tan vào nước và thấm vào cơ thể. Từ đấy bà mang thai. Được 14 tháng, ngày 12/5 bà sinh ra một bọc có 5 người con trai dung mạo kỳ vĩ. Ông bà đặt tên cho các con là Thổ Lệnh, Cự Lâu, Hồng Lý, Cao Man, Uyên Linh.
Đình làng Cổ Chế đã xuống cấp trầm trọng, cần được trùng tu tôn tạo
Được cha mẹ tầm sư học đạo, lại thông minh nên cả 5 anh em đều thông tỏ kinh sử, học một biết mười, lớn lên có sức vóc phi thường, có thể dời non lấp bể. Nhân dân trong vùng gọi là ngũ Thánh giáng trần. Sau đó cha mẹ lần lượt qua đời, năm anh em lo mai táng đúng với bổn phận, để tang trong 3 năm.
Một năm, nhà vua mở khoa thi để kén nhân tài. Năm anh em về kinh dự thi. Vua Hùng nhận thấy 5 anh em họ Hải là những nhân tài xuất chúng nên được trọng dụng, ban tước, lập ấp, cấp ruộng… theo thứ tự cao thấp khác nhau. Riêng người anh cả là Thành Công được phong là quan Trưởng Lệnh, thống lĩnh thủy binh.
Cảnh thanh bình thịnh trị được 10 năm, bỗng xảy ra nạn hồng thủy, cuốn trôi nhiều nhà cửa, trâu bò, lợn gà… dân tình rất khổ cực. Hùng Duệ Vương cử Thành Công đem quân cứu hộ. Ngài đi đến đâu cũng được nhân dân nghênh tiếp. Đồng thời được thủy thần, giao long phù trợ nên nước rút, đê vỡ được bồi đắp lại. Từ đấy người dân lại được sống bình yên.
Thục Phán biết Hùng Duệ Vương không có người kế ngôi. Nên đã đưa quân vào xâm lược hòng cướp ngôi. Chúng huy động 30 vạn quân đánh nước văn Lang. Hùng Duệ Vương triệu Tản Viên Sơn Thánh cùng Thành Công và các ông Cự Lâu, Hồng Lý, Cao Man, Uyên Linh cùng các tướng trong triều bàn kế sách đánh giặc. Tản Viên thống lĩnh 50 sơn thần và 10 vạn quân bộ. Thành Công thống lĩnh 2 đạo thủy quân và 50 thủy thần cùng 10 vạn thủy quân và 10 nghìn thuyền chiến tiến đánh quân Thục tại Biền Châu, Hoan Châu, Ái Châu, Bố Chính, Hải Khẩu, Lương Giang… nghênh chiến với thủy quân của Thục. Quân Thục bị đánh tan tác phải tháo chạy về nước. Chiến thắng trở về, Ngài được vua ban thưởng trang ấp… được phong là Trung Thành đại vương.
Thục vẫn không từ bỏ ý đồ xâm lược Văn Lang để chiếm ngôi báu. Đến thời hậu Thục, chúng huy động 10 vạn quân cả quân bộ và quân thủy tái xâm lược Văn Lang. Tản Viên Sơn Thánh cùng Thành Công tiếp tục chỉ huy thủy, bộ tiến đánh quân Thục.
Năm anh em Thành Công đã tiêu diệt hàng vạn quân giặc. Quân Thục đại bại buộc phải tháo chạy. Từ đấy, chúng từ bỏ mưu đồ xâm lược Văn Lang. Thắng trận trở về, 5 anh em Thành Công được vua Hùng trọng thưởng…
Ngài thường vi hành khắp thiên hạ. Một ngày kia, ngài đáp thuyền rồng đến trang Tông Chất. Bỗng một trận cuồng phong nổi lên, sấm chớp rền vang … Ngài hóa và về trời. Đó là ngày mồng 10 tháng 6 năm Giáp Tý. Được tin, nhà vua vô cùng thương tiếc. Vua ra chiếu, lệnh cho nhân dân trang Tông Chất và nhiều nơi khác lập đền thờ và phong mỹ tự Phổ tế Trung thành đại vương thượng đẳng phúc thần.
Ngài là thủy thần thường hiển linh phù trợ cho dân trong vùng được an khang thịnh vượng. Ngoài trang Tông Chất, nhiều làng khác cũng thờ Trung Thành làm Thành hoàng làng, trong đó có làng Cổ Chế.
Đình làng Cổ Chế thuộc xã Phúc Tiến thuộc, huyện Phú Xuyên, TP. Hà Nội đã được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) công nhận là Di tích Lịch sử Văn hóa. Năm 2015 đình được xếp hạng Di tích Lịch sử Văn hóa cấp Quốc gia. Hiện đình còn lưu giữ cuốn Thần phả và 12 đạo Sắc phong bằng chữ Hán và bản dịch chữ quốc ngữ mà các triều đại phong kiến đã phong tặng cho Thành hoàng làng đình Cổ Chế là Trung Thành đại vương. Bản Sắc phong xưa nhất niên hiệu Chính Hòa thứ 7, ngày 5/2/1681 (thuộc đời vua Lê Huy Tông 1663 – 1716). Bản 12 là bản cuối cùng thuộc Triều Nguyễn niên hiệu Duy Tân thứ 3, ngày 11/8/1909 (vua Duy Tân 19/9/1900 – 26/12/1945).
Đình Cổ Chế là loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo. Đình hướng Tây Nam trên thế đất đẹp ở trung tâm làng. Trước đình có hồ rộng và đẹp tôn thêm vẻ đẹp cho quần thể văn hoa tín ngưỡng. Kiến trúc theo kiểu Tiền nhất hậu đinh gồm các hạng mục: Đại bái, Trung cung, Hậu cung, có sân rộng và thoáng. Loại hình kiến trúc từ thế kỷ XVII. Bên trong Đại bái, các bộ vì làm theo kiểu kiến trúc khác nhau trên mặt bằng 4 hàng cột gỗ. Mặt tiền có hệ thống cửa bức bàn vừa thoáng và thuận tiện cho việc sử dụng. Hai bộ vì gian giữa làm theo kiểu: thượng trồng rường con nhị, hạ cốn trồng rường, bẩy hiên…
Đặc biệt là hoa văn họa tiết thể hiện tại 4 bức cốn gian giữa. Các bức cốn được chạm khắc tỉ mỷ với tích long cuốn thủy, nhị long, múa lân, hình đầu người thân rắn. Đặc biệt là những bức cốn có tuổi đời hàng trăm năm, gỗ màu nâu xỉn, vậy mà hình mặt người vẫn trắng như được tô sơn… Trong Đại bái có những bức cốn chạm khắc các hoa văn họa tiết theo phong cách nghệ thuật thời Lê (thế kỷ XVIII). Trung cung là ngôi nhà ngang 3 gian, 2 dĩ tường xây hồi bít đốc… Các bức cốn chạm khắc theo đề tài mây cụm, hoa lá cách điệu… Hậu cung là ngôi nhà dọc nối liền với gian giữa trung cung tạo thành chuôi vồ. Hạng mục này gồm 3 gian kiểu tường xây, hồi bít đốc với hai mái chảy lợp ngói ri… Đây chính là nơi tôn nghiêm nhất trong đình thờ Thánh. Nơi đặt long ngai, bài vị Thành hoàng…
Đình Cổ Chế có thời gian tồn tại khá lâu. Qua nhiều lần tu sửa nên điêu khắc trang trí trong kiến trúc đình mang dấu ấn điêu khắc nghệ thuật nhiều giai đoạn khác nhau. Đồng thời còn bảo lưu nhiều di vật độc đáo quý hiếm có niên đại từ thế kỷ XVIII cho đến nay.
Với kiến trúc nghệ thuật, di vật, hiện vật của nhiều niên đại khác nhau đã tạo nên một cách tổng quan về giá trị nghệ thuật trong di tích, và vẻ đẹp của di tích cả văn hóa vật thể và phi vật thể. Mặt khác, di tích đã góp phần về việc tìm hiểu, nghiên cứu sâu sắc hơn về kiến trúc cổ Việt Nam.
Song, do thời gian và sự tác động của thiên nhiên, thời tiết, nên đình đã xuống cấp trầm trọng. Do vậy, các ngành hữu quan, đặc biệt là ngành văn hóa cần quan tâm trùng tu tôn tạo để giữ lấy một di tích Văn hóa Lịch sử quý báu trên. Đó là nguyện vọng của nhân dân làng Cổ Chế và xã Phúc Tiến.