"Thánh đường" nghệ thuật ở Nhà hát Lớn: Vẫn là giấc mơ

nld.com.vn| 15/05/2017 07:21

Vấn đề nan giải là làm thế nào tìm được đầu ra thực sự cho các tác phẩm bằng việc bán vé có doanh thu, lợi nhuận chứ không phải phát vé mời miễn phí hoặc chấp nhận nhìn những hàng ghế trống trơn trong nhà hát

Quyết định biến Nhà hát Lớn (Hà Nội) thành "thánh đường" nghệ thuật cho các chương trình nghệ thuật, tác phẩm sân khấu chất lượng cao của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL) là nhằm tạo điều kiện, môi trường thuận lợi nhất để các đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ tâm huyết có cơ hội thể hiện tài năng, sức sáng tạo của mình, cống hiến nhiều hơn cho khán giả. Thế nhưng, sau gần một năm thực hiện, giấc mơ này không dễ hiện thực hóa.

"Cú hích" cứu sân khấu?

Gần 20 chương trình thuộc nhiều loại hình sân khấu như kịch nói, tuồng, chèo, cải lương, ca múa nhạc… được lựa chọn biểu diễn tại Nhà hát Lớn theo chủ trương của Bộ VH-TT-DL đã phần nào khẳng định được uy tín và thương hiệu nghệ thuật chuyên nghiệp.

Thánh đường nghệ thuật ở Nhà hát Lớn: Vẫn là giấc mơ - Ảnh 1.

Một cảnh trong vở diễn của Nhà hát Chèo Việt Nam tại “thánh đường” nghệ thuật Nhà hát Lớn

Công luận cũng như người xem thừa nhận các chương trình này có chất lượng nghệ thuật cao, đạt tới sự tổng hòa về nội dung và hình thức thể hiện. Nhiều vở diễn đã thực sự chạm tới trái tim của người xem, để lại những dấu ấn tốt đẹp.

NSND Lê Tiến Thọ, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam - một trong những khán giả đi xem phần lớn chương trình tại Nhà hát Lớn, nhận định: "Xem các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn trong kế hoạch của Bộ VH-TT-DL, chúng tôi có thể khẳng định đó là những tác phẩm nghệ thuật được đặt đúng chỗ, đúng đối tượng khán giả".

Khó có thể kể hết niềm vui của các nghệ sĩ đã tham gia những chương trình nghệ thuật nằm trong chủ trương này. Trước ngày, giờ biểu diễn, trên Facebook cá nhân, các nghệ sĩ thi nhau đưa thông tin về chương trình, vở diễn của mình. Họ được sống trong không khí mà giới nghệ sĩ gọi là "thánh đường" nghệ thuật. Các đêm diễn chèo, tuồng, cải lương, múa rối cạn, nhạc giao hưởng đã cho thấy sự trân trọng và yêu quý của khán giả dành cho nghệ thuật.

Thánh đường nghệ thuật ở Nhà hát Lớn: Vẫn là giấc mơ - Ảnh 2.

Tiết mục trình diễn của Nhà hát Múa rối Việt Nam tại Nhà hát Lớn

Tiếp bước những thành công của năm 2016, năm 2017, chủ trương trên được tiếp tục với những chuyên đề riêng biệt theo từng tháng và chất lượng vẫn phải được đặt lên hàng đầu. Tuy nhiên, vấn đề nan giải là làm thế nào tìm được đầu ra thực sự cho các tác phẩm bằng việc bán vé có doanh thu, có lợi nhuận cao thay thế cho thói quen đi xem nghệ thuật bằng giấy mời của khán giả thủ đô.

Khán giả không thích mua vé…

Có tác phẩm, có lực lượng biểu diễn và có một "bà đỡ" rất thiện tâm là Bộ VH-TT-DL, các đơn vị nghệ thuật không bán vé thì nghệ sĩ vẫn nhận được thù lao biểu diễn từ nguồn ngân sách nhà nước cấp. Đó là chủ trương trong thời gian đầu thực hiện việc diễn các tác phẩm nghệ thuật chất lượng cao ở Nhà hát Lớn khi mà khán giả thủ đô và bản thân các đơn vị nghệ thuật, nghệ sĩ vẫn chưa tạo được điểm diễn thường xuyên hút người xem như các chương trình khác.

Vấn đề ở đây là làm thế nào biến Nhà hát Lớn thực sự trở thành địa điểm biểu diễn thu hút được sự chú ý của khán giả. Bên cạnh đó, các vở diễn phải thực sự bán được vé, có doanh thu chứ không chỉ trông chờ vào ngân sách nhà nước hay phụ thuộc vào việc có mời được các nhà tài trợ vé cho từng đêm diễn hay không.

Hiện nay, các nhà hát, các đơn vị nghệ thuật biểu diễn hầu như phó mặc việc bán vé, doanh thu cho ban quản lý Nhà hát Lớn. Đơn vị này lâu nay không có chức năng phải bán vé doanh thu, chỉ cho thuê rạp. Cộng thêm lực lượng cán bộ làm công tác tổ chức biểu diễn quá ít ỏi nên số vé bán cho các chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn thời gian qua không nhiều. Đó là lý do có những chương trình số lượng vé bán chưa tới 100. Thử hỏi, với số vé bán ít ỏi như vậy thì làm sao có thể có doanh thu để duy trì tốt cho một loạt chương trình biểu diễn thường xuyên?

Mặc dù Bộ VH-TT-DL đã chỉ đạo các đơn vị nghệ thuật phải vào cuộc bán vé nhưng bộ phận tổ chức biểu diễn ở phần lớn các đơn vị này vẫn giậm chân tại chỗ. Lãnh đạo một số đơn vị như Nhà hát Chèo Việt Nam, Nhà hát Tuồng Việt Nam, Nhà hát Cải lương Việt Nam khi trao đổi đều cho rằng việc bán vé ở Nhà hát Lớn không khả quan, lý do là các loại hình nghệ thuật này vốn dĩ đã không ăn khách. Ngay tại các rạp hát của họ, dù giá vé đã rất thấp - từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng - mà mỗi suất chỉ bán được vài chục vé, thậm chí có suất chỉ dăm ba người vào xem.

Thế nên, giá vé từ 200.000 đến 500.000 đồng để xem tuồng, chèo, cải lương ở Nhà hát Lớn quả là khó khăn cho việc phát hành vé khi mà khán giả chưa hề có thói quen bỏ tiền ra mua vé xem nghệ thuật truyền thống, đa phần chỉ đi xem bằng giấy mời được cho, biếu…

Cuộc chơi mới đòi hỏi tư duy mới

Qua nhiều cuộc trao đổi với các đơn vị nghệ thuật, lãnh đạo Bộ VH-TT-DL đã đặt ra những vấn đề như: sẽ không có chuyện phát vé mời để vào xem ở Nhà hát Lớn; những đơn vị tham gia biểu diễn sẽ phải cùng với ban tổ chức bán 30%- 40% số ghế mỗi đêm diễn của mình, nếu không thực hiện được sẽ phải chịu trách nhiệm, thậm chí trừ tiền; sẽ chi phần trăm hoa hồng cho tập thể và cả cá nhân phát hành vé...

Thậm chí, các nhà hát còn được quyền hưởng toàn bộ số tiền bán vé. Vậy mà rốt cuộc, số lượng vé bán doanh thu cho tháng chuyên đề sân khấu truyền thống vào tháng 5-2017 thậm chí còn thấp hơn nhiều so với số lượng vé bán của các chương trình trong năm 2016.

Nhìn nhận về cách thức thực hiện và tổ chức biểu diễn các chương trình nghệ thuật ở Nhà hát Lớn, thuộc đề án của Bộ VH-TT-DL, ngay cả với người trong cuộc cũng có những ý kiến rất khác nhau. Tại sao năm 2017 lại tổ chức biểu diễn dồn vào 2 tháng - biểu diễn sân khấu truyền thống vào tháng 5 và kịch nói vào tháng 8? Tại sao không có một lịch diễn cố định trong tuần, trong tháng để tạo cho khán giả thói quen muốn đi xem nghệ thuật đỉnh cao ở Nhà hát Lớn thì sẽ xem vào những ngày nào? Việc sắp xếp biểu diễn dồn đủ các loại hình nghệ thuật - từ tuồng, chèo, cải lương, nhạc giao hưởng cho tới múa rối, xiếc… - liệu có phù hợp với một không gian biểu diễn sân khấu như Nhà hát Lớn?

Nên chăng, cần phải có sự chọn lọc loại hình như ưu tiên biểu diễn sân khấu truyền thống, một loại hình khó tiếp cận khán giả và có thể không đặt nặng việc bán vé doanh thu nhằm mục đích tài trợ cho khán giả, nuôi họ đến với nghệ thuật truyền thống. Bên cạnh đó, phải có một kế hoạch truyền thông dài hơi, bài bản với nhiều phương thức quảng bá trên các kênh thông tin đại chúng cũng như tận dụng được thế mạnh và mặt tích cực của mạng xã hội để kéo khán giả đến với mình.

Ngay cả ý thức về trách nhiệm quảng bá thông tin cho chương trình, một số đơn vị nghệ thuật tỏ ra rất kém. Bà Nguyễn Thị Minh Nguyệt, Giám đốc Nhà hát Lớn, bày tỏ: "Việc in thông tin quảng bá cho chương trình cũng như phát hành vé sớm là rất cần thiết. Thế nhưng, chúng tôi luôn gặp khó khăn khi cứ phải giục một số đơn vị gửi các thông tin về chương trình để in quảng cáo và in vé. Có những chương trình gần tới ngày diễn, chúng tôi cũng chưa nhận được hình ảnh và nội dung giới thiệu của đơn vị biểu diễn".

Đặt chân vào biểu diễn tại Nhà hát Lớn rõ ràng là một bước đi mới đối với các đơn vị nghệ thuật. Để duy trì lịch diễn định kỳ và thu hút được khán giả, trước hết vẫn phải là những tác phẩm, những chương trình nghệ thuật chất lượng. Bên cạnh đó, rất nhiều vấn đề mà nhà tổ chức cũng cần quan tâm như: điều tiết lịch biểu diễn thường kỳ tại Nhà hát Lớn, có chiến dịch quảng bá truyền thông cho tác phẩm sớm, quy định rõ về hoa hồng bán vé cho tập thể và cá nhân tham gia phát hành… Rõ ràng, cuộc chơi mới đòi hỏi cách nghĩ mới. Không thể mang cách làm cũ, tư duy cũ cho một cuộc chơi mới. 

(0) Bình luận
  • Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người” kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh
    Kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Nghệ An cùng các đơn vị có liên quan tổ chức Triển lãm “Hồ Chí Minh đẹp nhất tên Người”.
  • Trao 80 di ảnh phục dựng chân dung Anh hùng liệt sĩ tại tỉnh Ninh Bình
    Trong không khí trang nghiêm và xúc động kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 – 22/12/2025); vừa qua, Hội Cựu Công an Nhân dân (CAND) tỉnh Ninh Bình, phối hợp với “Trái tim người lính Việt Nam,” đã tổ chức Lễ trao Di ảnh Anh hùng - Liệt sĩ CAND và Anh hùng – Liệt sĩ có thân nhân là Công an tỉnh Ninh Bình, như một hành động thiết thực thể hiện lòng tri ân sâu sắc đối với những người đã hi sinh vì Tổ quốc.
  • Trưng bày “Gan vàng dạ sắt”: Thế hệ trẻ thêm vững bước trên con đường bảo vệ và xây dựng Tổ quốc
    Nhân kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944 – 22/12/2024) và 35 năm Ngày Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024), Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò (TP. Hà Nội) tổ chức trưng bày chuyên đề “Gan vàng dạ sắt”. Đây là sự kiện không chỉ gợi nhắc ký ức hào hùng mà còn lan tỏa niềm tự hào, khơi dậy tinh thần yêu nước cho thế hệ hôm nay.
  • Triển lãm Văn Miếu - Quốc Tử Giám và truyền thống khoa bảng Hải Phòng
    Triển lãm được chắt lọc từ hàng trăm tư liệu nhằm tái hiện lại quá trình hình thành và phát triển của Văn Miếu – Quốc Tử Giám, một trong những di sản quan trọng bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, biểu tượng của văn hiến và trí tuệ Việt, đồng thời tôn vinh truyền thống hiếu học cũng như danh nhân văn hóa Hải Phòng.
  • Tổ chức triển lãm tranh cổ động cỡ lớn Kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam
    Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Trịnh Thị Thủy vừa cho biết, cuộc triển lãm tranh cổ động cỡ lớn tuyên truyền kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12/1944 - 22/12/2024) và 35 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2024) sẽ được tổ chức vào tháng 12/2024, dự kiến giới thiệu 150 đến 200 tác phẩm đến công chúng.
  • 29 tác phẩm xuất sắc nhận giải thưởng Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7
    Sáng ngày 29/11, sự kiện khai mạc Festival Mỹ thuật trẻ lần thứ 7 đã diễn ra tại Trung tâm Nghệ thuật Đương đại Vincom (VCCA). Các tác phẩm trong festival phản ánh đa dạng thực tế cuộc sống và cho người xem thấy được sự trăn trở của các nghệ sỹ trẻ trước các vấn đề trong cuộc sống, xã hội đương đại.
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
"Thánh đường" nghệ thuật ở Nhà hát Lớn: Vẫn là giấc mơ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO