Thấm đẫm tinh thần ái quốc và ăm ắp giá trị lịch sử

Hoàng Nhật| 19/04/2022 09:01

Trong lịch sử hình thành và phát triển, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã trải qua nhiều cột mốc đáng nhớ đồng thời có những đóng góp to lớn vào công cuộc giải phóng đất nước, giành lại nền độc lập tự do cho dân tộc. Gần 70 năm đã trôi qua, điện ảnh cách mạng Việt Nam vẫn là niềm tự hào của biết bao thế hệ người yêu nghệ thuật thông qua những thước phim thấm đẫm tinh thần ái quốc và đầy ắp giá trị lịch sử.

Thấm đẫm tinh thần ái quốc  và ăm ắp giá trị lịch sử
Hoạt động điện ảnh ở Bưng Biền - Nam bộ

Từ Bưng Biền đến chiến khu Việt Bắc

Trước khi Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và nhiếp ảnh Việt Nam, vào tháng 10/1947, ở miền Tây Nam Bộ, một nhóm các nhà điện ảnh đã không quản gian khổ, tính mạng, từng bước đặt những viên gạch đầu tiên xây nên ngôi nhà điện ảnh Nam Bộ. Để có thể “tạo ra một nền điện ảnh thủ công giữa đầm lầy thiếu thốn mọi bề”, các nhà làm phim, sau này trở thành những cây đa, cây đề của ngành điện ảnh như Khương Mễ, Mai Lộc, An Như Sơn, Hồ Tây… cùng với những đồng nghiệp của mình đã làm việc trong những mái lều bên bờ kênh, dùng thuyền làm xưởng sản xuất phim dưới bom đạn của chiến tranh. Vừa học vừa làm, họ còn tự tạo ra những thiết bị mới để phục vụ cho quá trình làm phim như: Tạo dựng “phòng lạnh” bằng cách dùng gỗ đóng thùng đựng chậu thuốc, xung quanh chèn nước đá để hạ nhiệt độ; lấy máy quay phim cũ chế thành máy in - nhân bản phim song song với việc sử dụng ánh sáng đèn măng-xông hoặc ánh sáng mặt trời. 
Dù vậy, những bộ phim - chủ yếu là phim dạng phóng sự, tài liệu - mộc mạc thô sơ, của các nhà điện ảnh Nam Bộ ra đời trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn ấy đã chung sức cùng dân tộc vượt qua hai cuộc kháng chiến vệ quốc trường kỳ. Tiêu biểu như bộ phim Trận Mộc Hóa (do đạo diễn Mai Lộc thực hiện ngày 24/12/1948, được coi là mốc son đầu tiên của điện ảnh cách mạng Việt Nam) và hàng loạt các bộ phim khác như: Trận La Ban, Chiến dịch Bến Cát, Đoàn quân xuyên Tây, Trận Bầu Bàng, Chiến dịch Trà Vinh - Cầu Kè tiếp nối ra đời đánh dấu sự phát triển vững vàng của điện ảnh Nam Bộ. Cũng từ đây, nền điện ảnh cách mạng Việt Nam hình thành con đường phát triển gắn liền với lý tưởng nhân văn, đậm tính dân tộc.
Ngày 15/3/1953, tại khu Đồi Cọ, xã Điềm Mặc, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên, Chủ tịch Hồ Chí Minh kí sắc lệnh thành lập doanh nghiệp quốc gia chiếu bóng và nhiếp ảnh Việt Nam. Từ cột mốc này, điện ảnh cách mạng Việt Nam đã có những bước phát triển mạnh mẽ. Các cơ sở hoạt động điện ảnh quan trọng - tiền thân của các đơn vị sản xuất phim lớn hiện nay - lần lượt ra đời gồm: Xưởng phim thời sự, tài liệu Trung ương (1956), Xưởng phim truyện Việt Nam (1956), Xưởng phim hoạt họa và búp bê Việt Nam (1959). Hoạt động điện ảnh ở chiến khu Việt Bắc vô cùng sôi nổi. Cùng với chiến thắng của quân dân cả nước trong chiến tranh, các nhà điện ảnh càng như được tiếp thêm nội lực. Họ trở thành những chiến sĩ - nghệ sĩ đặt chân đến mọi vùng miền, ghi lại những hình ảnh chân thực về sự gan dạ, dũng cảm của quân dân ta trong cuộc chiến chống thực dân xâm lược. 
Năm 1959, điện ảnh cách mạng Việt Nam gây được tiếng vang trên trường quốc tế khi giành được huy chương Vàng tại LHP Quốc tế Matxcova cho phim tài liệu Nước về Bắc Hưng Hải. Cũng năm đó, bộ phim truyện đầu tiên được sản xuất qui mô, bài bản ra đời. Bộ phim có tựa đề Chung một dòng sông với bức thông điệp về khát vọng thống nhất non sông của người dân Việt Nam. Năm 1960, bộ phim hoạt hình đầu tiên Đáng đời thằng cáo được trình chiếu, lập tức để lại dấu ấn mạnh với công chúng. 
Thấm đẫm tinh thần ái quốc  và ăm ắp giá trị lịch sử
Một cảnh trong phim “Em bé Hà Nội”

Có thể xem đây là thời kì điện ảnh cách mạng Việt Nam có những bước phát triển mạnh mẽ, nhanh chóng và bứt phá. Hàng loạt các bộ phim ra đời trong bầu không khí hào hứng và tràn đầy nhiệt huyết. Đội ngũ những người làm điện ảnh Việt Nam được đào tạo, bổ sung đông đảo, trưởng thành nhanh chóng thông qua rèn luyện thực tiễn. Họ có mặt ở khắp các nẻo đường đất nước vừa phản ánh công cuộc xây dựng cuộc sống mới ở miền Bắc đồng thời sát cánh cùng đoàn quân giải phóng trong cuộc chiến cam go khốc liệt ở miền Nam, đồng lòng ý chí thống nhất đất nước. 
Tự hào quá khứ, khát vọng tương lai

Trong những năm chiến tranh chống Mỹ, điện ảnh cách mạng Việt Nam rất được khán giả trân trọng và đã tạo ra một sức mạnh tinh thần trong cuộc sống của nhân dân khi phải đương đầu với những hoàn cảnh gay go ác liệt. Thời kỳ này những bộ phim của điện ảnh cách mạng Việt Nam không chỉ đơn thuần là những tác phẩm mang tính chuyên ngành nghệ thuật mà còn là tiếng nói của quần chúng nhân dân. Các thế hệ nghệ sĩ với các tác phẩm của mình đã tạo dựng được một nền điện ảnh Việt Nam, một gương mặt Việt Nam anh hùng, bất khuất, nhận được sự ủng hộ và tin yêu của đông đảo bạn bè quốc tế. 
Thấm đẫm tinh thần ái quốc  và ăm ắp giá trị lịch sử
10 năm chống Mỹ cứu nước là giai đoạn phim tài liệu - thời sự đạt được những thành tích rực rỡ cả về số lượng lẫn chất lượng. Bởi lẽ, những thước phim tài liệu - thời sự nóng hổi phản ánh sinh động, toàn cảnh về những sự kiện nổi bật trong cuộc sống chiến đấu cũng như trong sản xuất trên cả nước đã đem đến cho công chúng trong nước cũng như quốc tế những thông tin kịp thời về thời kỳ đặc biệt sôi động của đất nước. Lũy thép Vĩnh Linh, Những cô gái Ngư Thủy, Thành phố lúc rạng đông là những tác phẩm tiêu biểu ra đời trong thời kì hoàng kim của điện ảnh tài liệu. 
Với thể loại phim truyện, đây là giai đoạn tốt nhất để dẫn chứng lí giải vì sao nền điện ảnh Việt Nam lại được gọi là nền điện ảnh cách mạng Việt Nam. Chủ đề chính, bao trùm của phim truyện thời kỳ này là chống giặc ngoại xâm, đấu tranh giành độc lập thống nhất đất nước. Một loạt phim truyện ra đời và tạo được sức sống bền bỉ đến tận hôm nay như: Trên vĩ tuyến 17, Nổi gió, Nguyễn Văn Trỗi, Biển gọi, Rừng O Thắm, Tiền tuyến gọi, Đường về quê mẹ, Vĩ tuyến 17 ngày và đêm, Bài ca ra trận, Em bé Hà Nội,… cùng với đó là đề tài sản xuất, xây dựng cuộc sống mới và thông điệp ca ngợi truyền thống cách mạng được truyền tải qua các phim: Chuyện vợ chồng anh Lực, Đến hẹn lại lên…
Cùng với phim tài liệu - thời sự, phim truyện, phim hoạt hình Việt Nam lúc này cũng bước vào thời kì hoàng kim. Và với cột mốc đáng nhớ là các bộ phim thuộc các thể loại ra đời trong giai đoạn 10 năm chống Mỹ, có thể xem như điện ảnh Việt Nam vừa hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị vừa tạo dựng được dấu ấn nghệ thuật đặc sắc khi phản ánh sâu đậm về một thời kì lịch sử hào hùng của dân tộc.
Đa số các tác phẩm điện ảnh hoàn thành trong giai đoạn này đặc biệt đều tập trung đề cao lòng yêu nước, ý chí quyết thắng, giành độc lập tự do. Nhân cách và tình cảm lý tưởng cách mạng luôn là trọng tâm của mọi chủ đề tư tưởng phim cũng như nhân vật trong phim, từ đó tạo sự đồng cảm lớn đối với công chúng trong nước cũng như bạn bè quốc tế, góp phần to lớn vào công cuộc cách mạng của dân tộc. 
Hòa bình lập lại, điện ảnh bước vào một thời kì mới - giai đoạn đổi mới, mở cửa. Đây cũng là thời kì hoạt động sôi nổi của điện ảnh, đặc biệt là phim truyện, với rất nhiều tác phẩm xuất sắc về đề tài chiến tranh cách mạng, hậu chiến như: Ván bài lật ngửa (8 tập), Biệt động Sài Gòn (4 tập), Dòng sông hoa trắng, Giữa dòng, Ngã ba Đồng Lộc, Bến không chồng… Các bộ phim này không chỉ tập trung ca ngợi cuộc sống, chiến đấu mà còn đề cao sự hi sinh, mất mát của của người chiến sĩ cách mạng, người lính Cụ Hồ, xem đó như là hậu quả của chiến tranh.
Thấm đẫm tinh thần ái quốc  và ăm ắp giá trị lịch sử
Một cảnh trong phim “Đừng đốt”

Từ đầu thập niên 2000 cho đến nay, điện ảnh Việt Nam hoạt động theo cơ chế thị trường. Các công ty sản xuất phim tư nhân được ra đời khiến cho đời sống điện ảnh trong nước nhiều màu sắc hơn. Số lượng phim được sản xuất nhiều hơn. Các từ mới như “phim mì ăn liền”,  “ngôi sao”, “ăn khách”, “hút khách”, “bom tấn”… được sử dụng rộng rãi để nói về một sản phẩm điện ảnh. Dưới tác động của nền kinh tế thị trường, điện ảnh dần không còn là sáng tạo nghệ thuật đơn thuần mà trở thành một lĩnh vực kinh doanh, vì vậy dòng phim chiến tranh cách mạng, vốn không ăn khách như đề tài tâm lí xã hội, kinh dị, hài hước…, thu hẹp dần và chủ yếu do các Hãng phim Nhà nước đặt hàng sản xuất bằng nguồn kinh phí Nhà nước cấp, chiếu trong các dịp lễ kỉ niệm, phi thương mại, được truyền thông quen gọi là “dòng phim cúng cụ”. Một số phim tiêu biểu thuộc dòng phim này là: Hà Nội 12 ngày đêm, Kí ức Điện Biên, Sống trong sợ hãi, Đừng đốt, Mùi cỏ cháy, Những người viết huyền thoại, Người trở về, Truyền thuyết về Quán Tiên…  Đội ngũ những người làm điện ảnh cấp tập vật lộn với cơm áo gạo tiền và bắt đầu bị áp lực doanh thu được tính bằng số tiền bán vé, tỉ suất người xem… mà để làm được điều đó, họ phải tìm kiếm những câu chuyện, đề tài hợp khẩu vị khán giả. Như một vòng luẩn quẩn, thể loại tâm lí, hài, võ thuật … lên ngôi, điện ảnh rời xa và ngày càng thiếu vắng những bộ phim đề tài chiến tranh, cách mạng, hậu chiến. Trong vòng 20 năm qua, dòng phim này, tuy vẫn chảy nhưng vô cùng… nhỏ giọt bên cạnh dòng phim thị trường với số lượng lên tới vài chục phim mỗi năm. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới sự chênh lệch này và cũng đã có rất nhiều cuộc hội thảo, bàn tròn để tìm ra giải pháp nhằm thông mạch, khơi dòng để ngày càng có thêm các bộ phim đề tài chiến tranh cách mạng hay, hấp dẫn để điện ảnh trở thành công cụ đắc lực trong việc nhắc nhớ thế hệ trẻ về truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc. Thế nhưng đó vẫn là bài toán khó chưa tìm ra đáp án trong khi đó vấn đề chính vẫn là ở con người, tập trung chủ yếu ở hai khía cạnh: tài năng và tầm nhìn. Vậy là những bộ phim hay, nổi tiếng trong quá khứ vẫn được nhắc đến như những hạt kim sa lấp lánh trong dòng chảy điện ảnh vốn đã dài tới gần 70 năm.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Trường đại học đầu tiên đạt chứng chỉ EDGE uy tín toàn cầu
    Sở hữu khuôn viên xanh rộng 6.5 hecta với tổng vốn đầu tư 165 triệu USD, Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) mới đây đã đạt chứng chỉ xanh EDGE uy tín, “bảo chứng” của nhiều công trình xanh quy mô trên toàn cầu.
  • Chung kết cuộc thi: Đổi mới phong cách của cán bộ y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh
    Ngày 21/11, Công đoàn Y tế Việt Nam tổ chức Chung kết Cuộc thi tuyên truyền kết quả thực hiện kế hoạch “Đổi mới phong cách, thái độ phục vụ của cán bộ Y tế hướng tới sự hài lòng của người bệnh” và giải pháp giai đoạn 2 “Thấu hiểu, tận tâm – Nâng tầm, đổi mới”.
Đừng bỏ lỡ
Thấm đẫm tinh thần ái quốc và ăm ắp giá trị lịch sử
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO