Trong giai đoạn 2014 - 2016 vừa qua, dù Tập đoàn VNPT thực hiện thành công tái cơ cấu, thay đổi mô hình kinh doanh, tổ chức, nhân sự, nhưng vẫn đạt được kết quả sản xuất, kinh doanh ấn tượng. Cụ thể, từ ngày 1-7-2014 MobiFone đã tách khỏi VNPT. Nếu tính cả doanh thu của MobiFone trước khi tách ra thì tổng doanh thu của Tập đoàn VNPT đạt 59.899 tỷ đồng, nhưng nếu bóc tách doanh thu riêng của Tập đoàn VNPT (không gồm doanh thu MobiFone) đạt 51.151 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 2.627 tỷ đồng.
Năm 2015, tổng doanh thu năm đạt 50.586 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế tăng mạnh đạt 3.453 tỷ đồng. Đáng chú ý, dù tăng trưởng khá, nhưng chưa đột phá là do triển khai chế độ kế toán, tài chính theo Thông tư 200/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính: Không thực hiện ghi nhận doanh thu từ hoạt động khuyến mại dịch vụ (khoảng 4.700 tỷ đồng). Đến năm 2016, doanh thu của VNPT tiếp tục gây ấn tượng khi đạt 53.139 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 4.140 tỷ đồng. Đây là năm thứ 3 liên tiếp đạt tốc độ tăng trưởng lợi nhuận hơn 20%/năm.
Nói về kết quả này, ông Phạm Đức Long, Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT cho rằng, lợi nhuận trong 3 năm qua đều tăng gấp đôi so với thời kỳ trước là nhờ đơn vị triển khai tái cơ cấu đúng hướng. Còn Chủ tịch HĐTV Tập đoàn VNPT Trần Mạnh Hùng lại nhấn mạnh, thực hiện tái cấu trúc, VNPT đã từng bước chuyển dịch cơ cấu tăng trưởng từ các dịch vụ viễn thông truyền thống sang phát triển, cung cấp các sản phẩm dịch vụ viễn thông - công nghệ thông tin (CNTT). VNPT đã áp dụng các phương pháp quản trị hiện đại (quản trị theo quy trình chuẩn, công cụ thẻ điểm cân bằng BSC, trả lương theo 3Ps…). VNPT cũng thực hiện phân phối thu nhập theo năng suất lao động của từng cá nhân, tạo động lực cho người lao động...
Trên thực tế, sau khi tái cơ cấu, mô hình 3 lớp dịch vụ - hạ tầng - kinh doanh của VNPT đã phát huy tác dụng. VNPT có nhiều điều kiện hơn trong việc đầu tư chăm sóc mạng lưới; hệ thống kênh bán hàng được thống nhất và xuyên suốt trên toàn quốc. VNPT thực hiện chuyên biệt hơn trong việc bán hàng, chăm sóc khách hàng... Khối công nghiệp CNTT cũng đã có điều kiện phát triển, đã đáp ứng 100% nhu cầu của VNPT và dần tiến ra thị trường ngoài nước.
Phát triển các dịch vụ mũi nhọn
Cũng theo Tổng Giám đốc Tập đoàn Phạm Đức Long, năm 2017 và thời gian tới VNPT sẽ tiếp tục đầu tư, phát triển các dịch vụ mũi nhọn như di động, băng rộng, CNTT, giá trị gia tăng. Đặc biệt, VNPT sẽ tập trung chuyển đổi từ nhà cung cấp dịch vụ viễn thông truyền thống thành nhà cung cấp giải pháp dịch vụ viễn thông - CNTT.
Đây cũng là định hướng được VNPT cụ thể hóa ngay từ trong quá trình thực hiện tái cấu trúc. Trong 3 năm qua, Tập đoàn cũng đã làm được những điều tưởng như không thể: Từ những sản phẩm CNTT còn khiêm tốn đến nay đã triển khai VNPT - HIS, VnEdu, đã ký kết hợp tác về viễn thông - CNTT với 51/63 UBND tỉnh, thành phố để triển khai các sản phẩm chính phủ điện tử (iOffice, iGate…). Tính tới thời điểm này, VNPT đã tham gia sâu rộng vào việc ứng dụng CNTT trong an sinh xã hội và phục vụ chính quyền điện tử trên toàn quốc, có mối quan hệ chặt chẽ với các địa phương. Mới đây nhất, VNPT tiếp tục đi đầu trong việc xây dựng thành phố thông minh (smartcity) tại Việt Nam khi chính thức được lựa chọn trở thành đối tác triển khai xây dựng smartcity tại các địa phương như TP Hồ Chí Minh, huyện đảo Phú Quốc (tỉnh Kiên Giang), Tiền Giang, Lâm Đồng, Đắk Lắk…
Bên cạnh đó, VNPT đặt mục tiêu chú trọng bảo đảm an toàn thông tin trên hệ thống. Đây được coi là yếu tố tiên quyết trong việc cung cấp dịch vụ trong giai đoạn mới. VNPT dự kiến sẽ đưa trung tâm an ninh thông tin theo tiêu chuẩn quốc tế vào hoạt động; đồng thời, xây dựng đội ngũ chuyên gia trình độ cao để vừa bảo vệ hạ tầng mạng hệ thống thông tin nội bộ VNPT, cũng như tiến tới cung cấp các dịch vụ an toàn thông tin của khách hàng, đặc biệt khách hàng chính phủ và doanh nghiệp.