Tăng đóng góp của ngành logistics Việt Nam, giảm chi phí cho logistics

P.V/HNM| 08/12/2018 11:37

Ngày 7-12, tại Quảng Ninh, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ dự Diễn đàn logistics Việt Nam năm 2018 với chủ đề “Logistics kết nối các vùng tăng trưởng kinh tế” do Bộ Công Thương phối hợp với Ngân hàng thế giới (WB) và một số cơ quan tổ chức.

Đây là lần thứ 5 diễn đàn này được tổ chức, có sự tham dự của lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, Hiệp hội logistics Việt Nam và hàng trăm doanh nghiệp cung ứng dịch vụ logistics trong nước và quốc tế.
Tăng đóng góp của ngành logistics Việt Nam, giảm chi phí cho logistics
Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ phát biểu tại diễn đàn. Ảnh: VGP/Thành Chung

Phát biểu chào mừng diễn đàn, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, Chủ tịch Ủy ban Chỉ đạo cơ chế một cửa quốc gia, một cửa ASEAN và tạo thuận lợi thương mại, cho biết, văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XII đặt ra mục tiêu tốc độ tăng trưởng của khu vực dịch vụ phải cao hơn mức tăng của GDP bình quân. Logistics là ngành có giá trị gia tăng cao trong khối ngành dịch vụ cần được quan tâm phát triển nhằm hỗ trợ cho các hoạt động sản xuất, thương mại.

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng chỉ ra một chỉ số “ngược” trong phát triển logistics tại Việt Nam nhiều năm trước, đó là đóng góp của ngành này trong GDP còn khiêm tốn, chỉ 3-4%, nhưng ngược lại chi phí của tổ chức, doanh nghiệp bỏ ra cho logistics thì rất cao, hoàn toàn ngược với thế giới.

Nhận định được vai trò của logistics trong nền kinh tế mở, đầu năm 2017, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 200/QĐ-TTg về nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics đến năm 2025, mở ra một giai đoạn mới cho phát triển logistics ở Việt Nam. 

Nghị quyết số 36-NQ/TƯ của Hội nghị Trung ương 8 khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cũng nhấn mạnh nhu cầu xây dựng, hoàn thiện hạ tầng logistics, kết nối liên thông các cảng biển với các vùng, miền, địa phương trong nước và quốc tế. 

Sau các Quyết định của Thủ tướng và Nghị quyết của Trung ương, Phó Thủ tướng cho biết, logistics bứt phá mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng tăng trưởng. Ba năm qua, ngành này đạt mức tăng trưởng từ 12-14%. Năm 2018, WB đã xếp hạng Việt Nam ở thứ 36/160 quốc gia được nghiên cứu về logistics toàn cầu, tăng 35 bậc so với 2016 và xếp thứ 3 trong các nước ASEAN.

Nhưng Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nhấn mạnh, đòi hỏi của nền kinh tế là lớn hơn so với khả năng cung cấp logistics hiện nay, đặc biệt là phải phát triển mạnh mẽ doanh nghiệp logistics khi hiện nay cả nước mới chỉ có 3.000 doanh nghiệp, chiếm tỉ lệ rất nhỏ so với số lượng hiện nay và hầu hết là những doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, chưa có các tập đoàn logistics lớn đủ khả năng cạnh tranh ở trong khu vực và trên thế giới.

“Phải mở rộng thị phần trong nước và thâm nhập thị trường quốc tế, làm sao cho đóng góp của ngành này với GDP tăng lên và chi phí cho logistics thấp xuống, theo chủ trương là cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh nền kinh tế và doanh nghiệp. Chính phủ kỳ vọng vào sự hiến kế của các nhà quản lý, nghiên cứu, các hiệp hội và doanh nghiệp qua diễn đàn này”, Phó Thủ tướng nói.

Với chủ đề logistics tăng cường kết nối vùng, Phó Thủ tướng cho rằng, cần quan tâm tới cả kết nối nội vùng kinh tế động lực. Nhà nước với tư cách kiến tạo, sẽ xây dựng, hoàn thiện quy hoạch phát tiển KT-XH nói chung, trong đó có quy hoạch kết cấu hạ tầng và cả phát triển logistics. Trên cơ sở đó, huy động các nguồn lực, các thành phần kinh tế, trong và ngoài nước để triển khai chuỗi giá trị các sản phẩm, dịch vụ logistics.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Chính phủ, chính quyền địa phương không xây dựng các chuỗi giá trị này mà vai trò, trách nhiệm thuộc về khối doanh nghiệp, tư nhân”. Chính phủ muốn phát triển mạnh đội ngũ doanh nghiệp logistics trên nền tảng hạ tầng giao thông đồng bộ, môi trường kinh doanh thuận lợi để tăng cường liên kết các vùng kinh tế trong nước và giữa Việt Nam với thế giới.

Phó Thủ tướng cũng đặt ra bài toán cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp, Hiệp hội logistics Việt Nam phải phát triển hiện đại và mở rộng quy mô của ngành này trong bối cảnh triển khai xây dựng chính phủ điện tử, sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế số và thương mại điện tử.

“Chúng tôi sẽ tiếp thu những ý kiến giá trị về phát triển logistics và sẽ thể chế hoá vào Nghị quyết số 01 của Chính phủ năm 2019”, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu.

Chiều cùng ngày, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thăm cảng Tân Vũ của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines, cảng Lạch Huyện (cảng container quốc tế nước sâu đầu tiên của khu vực phía bắc) của Tổng công ty Tân Cảng Sài Gòn; thăm Nhà máy sản xuất ô tô Vinfast của Tập đoàn Vingroup tại Hải Phòng.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn”
    Nhà phê bình văn học Phạm Phú Phong cùng các cộng sự giới thiệu và ra mắt sách “100 năm văn học quốc ngữ xứ Huế (1920 – 2020) - Một góc nhìn” tại TP Huế.
  • “Chân mây” - những vẻ đẹp dung dị của cuộc sống
    Nguyễn Linh Khiếu, thời gian qua đã khẳng định là một nhà thơ đương đại khác biệt. Ở văn xuôi, với tùy văn, ông cũng đang từng bước khai mở một con đường riêng. Với ba tập tùy văn “Beijing lá phong vàng” (2018), “Hoa khởi trinh” (2024) và “Chân mây” (2024), Nguyễn Linh Khiếu đã hé lộ cảm quan nhân sinh và cả tình yêu cuộc sống.
  • [Podcast] Thành Cổ Loa – Tòa thành cổ độc đáo lớn nhất Việt Nam
    Di tích quốc gia đặc biệt Cổ Loa không chỉ được biết đến với sự hình thành Nhà nước Âu Lạc (khoảng từ năm 208 - 179 trước Công nguyên) mà còn là nơi hội tụ ba hệ giá trị: Lịch sử - sinh thái - nhân văn đặc sắc, tạo nên những giá trị độc đáo hiếm có: Từ truyền thuyết về một thời kỳ dựng nước sơ khai đến những bằng chứng vật chất về một tòa thành độc đáo, cổ nhất Việt Nam và vùng Đông Nam Á hay cả câu chuyện tình bi ai của đôi trai gái và nỗi niềm day dứt không nguôi của bao bậc hiền minh khi suy tư về phép đối nhân xử thế giữa con người với con người, giữa quốc gia với với quốc gia.
  • 6 nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2025
    Nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp, mới đây, Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã ký ban hành Kế hoạch 320/KH-UBND về thực hiện đề án phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực TP. Hà Nội năm 2025. Đề án đặt ra 6 nhiệm vụ phát triển sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội năm 2025.
  • [Inforgraphic] 5 định hướng trọng tâm về cải cách hành chính
    Kết luận Hội nghị giao ban Ban chỉ đạo Cải cách hành chính, Chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 tháng 11/2024. Ban chỉ đạo Thành phố Hà Nội đã nhấn mạnh 5 định hướng về cải cách hành chính, chuyển đổi số và thực hiện Đề án 06 thời gian tới.
Đừng bỏ lỡ
Tăng đóng góp của ngành logistics Việt Nam, giảm chi phí cho logistics
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO