Tăng cường giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh
Giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường không chỉ góp phần bảo vệ sức khỏe, tính mạng cho các em mà còn là nền tảng để xây dựng một thế hệ công dân tương lai có tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, tinh thần thượng tôn pháp luật vì mục tiêu “xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh”.
Công tác bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh là một trong những ưu tiên hàng đầu
Trong những năm qua, các cấp, các ngành đã quán triệt, triển khai nhiều biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; trong đó, có công tác bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh và đã đạt được những kết quả tích cực. Tuy nhiên, tình hình trật tự, an toàn giao thông liên quan đến lứa tuổi học sinh trong thời gian gần đây xuất hiện những diễn biến phức tạp. Số vụ tai nạn, số người chết và bị thương do tai nạn giao thông có chiều hướng gia tăng.
Báo cáo tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc, chuyên đề “Bảo đảm an toàn giao thông cho học sinh” do Phó thủ tướng Trần Lưu Quang - chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông quốc gia - chủ trì tháng 11/2023 cho thấy vấn đề bảo đảm an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh đang đứng trước những thách thức không hề nhỏ.
Trong năm 2023, trên cả nước đã xảy ra hơn 900 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh (độ tuổi từ 6-18 tuổi), làm chết gần 500 người, bị thương hơn 800 người. Đặc bệt, có đến 737 vụ là do thiếu niên, học sinh dưới 18 tuổi trực tiếp điều khiển phương tiện liên quan trong vụ tai nạn giao thông, làm chết 378 người, bị thương 658 người, để lại hậu quả thương tâm cho nhiều gia đình và xã hội cả trước mắt và lâu dài.
Tính riêng trên địa bàn Thủ đô Hà Nội, từ ngày 15/12/2022 đến ngày 14/10/2023, đã xảy ra 46 vụ tai nạn giao thông liên quan đến học sinh độ tuổi từ 6 - 18 tuổi (đứng thứ ba so với cả nước), làm chết 19 người (đứng thứ năm) và bị thương 59 người (đứng thứ hai).
Trước tình hình đó, ngày 21/12/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 31/CT-TTG về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới”. Trong đó xác định công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, là một trong những ưu tiên hàng đầu trong tổng thể công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông, vừa có tính cấp bách trước mắt vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, cần được thực hiện một cách quyết liệt, kiên trì, thường xuyên, liên tục để bảo vệ và xây dựng thế hệ công dân tương lai có văn hoá giao thông văn minh, góp phần phát triển bền vững đất nước.
Thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTG của Thủ tướng Chính Phủ, ngày 15/2/2024, UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 62/KH-UBND về “Tăng cường công tác bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh trong tình hình mới trên địa bàn thành phố Hà Nội”.
Kế hoạch 62/KH-UBND của UBND TP Hà Nội được triển khai trên toàn thành phố nhằm tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông, nhằm tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp uỷ Đảng, lãnh đạo các đơn vị phát huy sức mạnh tổng hợp của cơ quan, đơn vị về công tác giáo dục an toàn giao thông cho học sinh trên địa bàn Thành phố. Phát huy tinh thần chủ động, tích cực, sáng tạo của tập thể, cá nhân trong công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật đảm bảo trật tự an toàn giao thông; nâng cao ý thức trách nhiệm và ứng xử có văn hoá khi tham gia giao thông học sinh trong việc tự giác tuân thủ pháp luật về an toàn giao thông. Đồng thời có những chỉ đạo cụ thể cho các đơn vị chịu trách nhiệm trực tiếp trong công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về bảo đảm trật tự an toàn giao thông cho học sinh như Công an Thành phố, Sở GD&ĐT, Sở Thông tin và Truyền thông cùng các Sở, ngành liên quan.
Vai trò của công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông đối với học sinh
Học sinh là những thế hệ tương lai của đất nước. Cùng với việc trang bị kiến thức cho các em thì công tác giáo dục tư tưởng đạo đức, lối sống lành mạnh, ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cũng như trong cuộc sống hàng ngày là hành trang trưởng thành không thể thiếu cần được trang bị ngay từ khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường.
Công tác giáo dục đóng vai trò quyết định đến sự hình thành thói quen và nhận thức của con người, đặc biệt là đối với lứa tuổi học sinh. Muốn các em trở thành những công dân có ích, trước hết phải hun đúc cho các em tính kỷ luật, ý thức tự rèn luyện, tu dưỡng để trở thành một người biết tuân thủ quy tắc của cộng đồng, trong đó tinh thần thượng tôn pháp luật là yếu tố tiên quyết.
Hiện nay, trên địa bàn Thủ đô Hà Nội số lượng học sinh từ cấp học THCS đến THPT trực tiếp điều khiển phương tiện tham gia giao thông để đi học ngày càng tăng. Phương tiện các em sử dụng bao gồm xe đạp, xe đạp điện, xe máy điện và xe máy. Trong đó, những trường hợp học sinh chưa đủ tuổi, học sinh không có giấy phép lái xe đi xe máy đến trường, không đội mũ bảo hiểm, chở ba, đi hàng ngang,... diễn ra ngày càng phổ biến.
Những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của học sinh như trên thật đáng lo ngại và trước hết trách nhiệm này thuộc về gia đình và nhà trường. Thực tế chỉ ra rằng hiệu quả trong công tác phối hợp tuyên truyền, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh những năm qua còn nhiều hạn chế, mang nặng tính hình thức, chưa thật sự quyết liệt, liên tục và thống nhất.
Vấn đề đối với các nhà trường hiện nay là chưa có biện pháp hiệu quả để giáo dục học sinh, việc cung cấp kiến thức an toàn giao thông cho giáo viên chưa được trú trọng, kế hoạch giảng dạy an toàn giao thông theo quy định chưa bám sát tình hình thực tế. Đặc biệt là công tác tuyên truyền và phối hợp cùng phụ huynh để giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho học sinh còn chưa được coi trọng.
Đối với phụ huynh, chưa xác định được vai trò của gia đình trong công tác giáo dục ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông cho con em mình. Nhiều phụ huynh chưa lường được những hậu quả xấu khi giao phương tiện tham gia giao thông cho con em mình khi các em chưa đủ tuổi theo quy định và chưa được trang bị các kiến thức về an toàn giao thông.
90% số vụ tai nạn nghiêm trọng thuộc nhóm tự đi xe đến trường
Ông Trần Hữu Minh, Chánh Văn phòng Ủy ban ATGT quốc gia, cho rằng một số nghiên cứu gần đây tại Hà Nội và TP HCM chỉ ra 90% số vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan trẻ em thuộc nhóm tự đi xe đến trường. Theo dữ liệu tai nạn giao thông của Phòng CSGT CA Hà Nội, tai nạn của trẻ em do đi sai phần đường quy định chiếm 34%; vi phạm tốc độ 30% và thiếu quan sát 26%. Ông Trần Hữu Minh phân tích các nguyên nhân gây tai nạn này cho thấy học sinh hiện nay đang rất thiếu kỹ năng và kiến thức giao thông.
Hơn ai hết, cha mẹ là là tấm gương cho con em mình trong việc chấp hành pháp luật và ứng xử văn hóa khi tham gia giao thông. Cha mẹ cùng là người gần gũi nhất với các em, hiểu biết rõ tâm tư tình cảm của các em và dễ dàng khuyên răn, dạy bảo các em chấp hành pháp luật. Cha mẹ phải là người am hiểu pháp luật và tuyệt đối chấp hành quy định của pháp luật khi giao phương tiện tham gia giao thông cho con em mình.
Để những hậu quả đau lòng từ tai nạn giao thông không còn là nỗi ám ảnh đối với mọi gia đình và xã hội thì trước hết các bậc làm cha làm mẹ phải là người đầu tiên trang bị cho con em mình những kiến thức cơ bản về an toàn giao thông đồng thời chủ động phối hợp với nhà trường để kịp thời nắm bắt những hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông của các em (nếu có) để sớm có những biện pháp ngăn chặn, giáo dục. Mỗi thầy cô, cha mẹ phải là tấm gương về ý thức chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông để các em noi theo.
Những hậu quả mà tai nạn giao thông mang lại rất thảm khốc, không có vật chất nào có thể bù đắp. Bởi sinh mạng người vô cùng đáng quý. Sẽ chẳng có cơ hội để người làm sai có thể thay đổi hay làm lại.
Tai nạn giao thông sẽ chỉ giảm chừng nào tất cả chúng ta đều có ý thức cao và những lời tuyên truyền, những bài học dạy trẻ trong nhà trường cũng chỉ hiệu quả khi hằng ngày mỗi người, mỗi gia đình thể hiện sự gương mẫu chấp hành pháp luật và ứng xử có văn hóa khi tham gia giao thông./.