Tái ngộ “Đường thư”, “Đất lành” trong Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam
Khán giả Thủ đô có cơ hội thưởng thức 2 phim truyện đặc sắc “Đường thư”, “Đất lành” trong Tuần phim kỷ niệm 79 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, (22/12/1944 - 22/12/2023) và 34 năm Ngày hội Quốc phòng toàn dân (22/12/1989 - 22/12/2023) do Điện ảnh Quân đội tổ chức, từ ngày 17 – 20/12 tại Hà Nội.
ACác tác phẩm được trình chiếu trong Tuần phim có đề tài chiến tranh cách mạng và hậu chiến, với hình tượng chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam được khắc họa rõ nét, chân thực và sinh động.
8 tác phẩm điện ảnh sẽ được trình chiếu tại Rạp chiếu phim Điện ảnh Quân đội nhân dân (số 17 Lý Nam Đế, Hoàn Kiếm, Hà Nội), phục vụ người dân Thủ đô.
Theo Ban tổ chức, thông qua sự kiện này nhằm sự tri ân, tôn vinh lịch sử vẻ vang, truyền thống trung với Đảng, hiếu với dân, vì nhân dân quên mình của Quân đội nhân dân Việt Nam; khẳng định ý nghĩa, tầm vóc, vai trò lãnh đạo sáng suốt của Đảng, Nhà nước qua các giai đoạn lịch sử và trong thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập. Các bộ phim cũng nhằm tuyên truyền, giáo dục truyền thống yêu nước, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, khơi dậy lòng tự hào dân tộc trong các tầng lớp nhân dân, đặc biệt là thế hệ trẻ ngày nay.
Cụ thể, Điện ảnh Quân đội sẽ trình chiếu phim truyện “Sao xanh nơi biển sóng” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng), “Tiểu đội hoa hồng” (đạo diễn Nguyễn Quang Quyết), “Đường thư” (đạo diễn Bùi Tuấn Dũng, Hãng Phim truyện Việt Nam sản xuất), “Đất lành” (đạo diễn Đặng Thái Huyền). Bên cạnh đó, Ban tổ chức công chiếu 4 phim tài liệu, gồm: “Khát vọng thiên thanh” (đạo diễn Nguyễn Diệu Hoa), “Thanh âm đại ngàn” (đạo diễn Nguyễn Quang Quyết), “O Chẩm” (đạo diễn Hoàng Lâm, Trung tâm Phim tài liệu, Đài Truyền hình Việt Nam sản xuất), “Thép trong lòng biển sâu” (đạo diễn Vũ Trọng Quảng).
Trong các tác phẩm trên, “Đường thư” là tác phẩm được nhiều khán giả cả nước yêu thích khi đã được công chiếu trên sóng truyền hình nước ta. Bộ phim của đạo diễn Bùi Tuấn Dũng là một câu chuyện nhỏ trong chiến tranh, đi sâu vào những chi tiết, những cảm nhận cụ thể nhất về chiến tranh dưới cái nhìn của anh lính trẻ Hoàng An. Xây dựng nhân vật chính là hình tượng người chiến sĩ quân bưu, một hình tượng khá mới của điện ảnh chiến tranh Việt Nam, phim truyện “Đường thư” đã tạo cho mình một mảnh đất mới để khai thác triệt để lợi thế này. Khán giả nhạy cảm chắc chắn sẽ không tránh khỏi cảm giác “cay mũi” khi chứng kiến những thước phim về những lá thư hậu phương gửi tới chiến trường.
Bên cạnh đó, phim truyện “Đất lành” của đạo diễn trẻ Phạm Thái Huyền dựa theo truyện ngắn cùng tên của nhà văn Phương Trà, cũng đầy cảm xúc và mang tính nhân văn. Phim kể về trong chiến tranh, Thạch, người lính Cộng Hòa bị thương nặng và bị bỏ lại trong rừng, tưởng chết. Nhưng Thạch đã được một anh bộ đội giao liên cứu sống. Trớ trêu thay, trong lúc anh bộ đội đang đưa Thạch ra khỏi khu rừng thì anh lại bị trúng đạn của tốp thám báo Ngụy. Anh giao liên chết khi mà Thạch còn chưa kịp biết tên anh. Thạch và tốp thám báo đã an táng anh bộ đội giao liên trong rừng, đánh dấu mộ, và Thạch nguyện với lòng mình là sẽ đi tìm lại mộ anh sau khi chiến tranh kết thúc để đưa anh về nghĩa trang ấm áp.
Câu chuyện của “Đất lành”, là câu chuyện của những người sống sót sau một cuộc chiến đằng đẵng khốc liệt, nhiều mất mát. Những tình huống diễn biến trong phim được kể khá hợp lí và lôi cuốn. Phim đặt ra những tình huống đòi hỏi sự ứng xử của các nhân vật, bật rõ cái nhân tính cần thiết của con người sau chiến tranh hành động, ứng xử ra sao với nhau để hóa giải hận thù.
“Đất lành” với những tình huống như vậy, nhất là cái kết đặt ra ở cuối phim rất rõ ràng, nói lên một thông điệp rằng, chỉ có sự tha thứ, thương yêu, hướng vào thực tại và tương lai, mới trút bỏ mọi hận thù. Và chính sự tha thứ, lòng bác ái trong một dân tộc mới có thể làm tan đi những nỗi đau của con người. Đấy cũng là điều cốt tử làm sáng ra tinh thần hòa hợp dân tộc trong giai đoạn hiện nay của Đảng và nhà nước ta. Tinh thần ấy phải từ những điều hoàn cảnh thực tế cụ thể nhất, đời sống nhất, đòi hỏi ở mỗi con người từng mất mát trong cuộc chiến khi họ biết tha thứ mà thương yêu. Qua đó, “Đất lành” mang trĩu nặng ý nghĩa dân tộc và nhân văn./.