Tái hiện Lễ Vu lan báo hiếu dân tộc Khmer trong lòng Hà Nội
Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào Khmer được xem như Lễ Vu lan báo hiếu của người Kinh, sẽ được tái hiện và giới thiệu tới người dân Thủ đô và du khách tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam (Đồng Mô, Thị xã Sơn Tây, TP. Hà Nội).
Trong tháng 10/2023, nhiều chương trình đặc sắc và hấp dẫn trong cộng đồng 54 dân tộc được tổ chức tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Đáng chú ý, Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam cho biết, ngày 14/10/2023 sẽ tổ chức tái hiện Lễ Sene Đôn Ta của dân tộc Khmer tỉnh Sóc Trăng tại quần thể chùa Khmer.
Tại Thủ đô Hà Nội, duy nhất có chùa Khmer có ở Làng Văn hoá - Du lịch các dân tộc Việt Nam. Chùa được xây dựng theo nguyên mẫu chùa K’leng tại thành phố Sóc Trăng và hiện hữu trang nghiêm trong lòng Hà Nội. Lễ Sene Đôn Ta tổ chức tại chùa Khmer dịp này hứa hẹn đem đến nhiều trải nghiệm thú vị, giúp người dân và du khách hiểu hơn về đời sống tôn giáo, tín ngưỡng, các giá trị văn hóa của đồng bào Khmer tỉnh Sóc Trăng nói riêng, các tỉnh Nam Bộ nói chung.
Theo tiếng Khmer, “Sen” có nghĩa là cúng, “Đôn” có nghĩa là bà, “Ta” nghĩa là ông. Bởi vậy, Lễ Sene Đôn Ta của đồng bào dân tộc Khmer có ý nghĩa như Lễ Vu lan báo hiếu của người Kinh - thể hiện tấm lòng thành kính với ông bà tổ tiên đã khuất. Lễ này thường diễn ra vào cuối tháng 8 đến đầu tháng 9 âm lịch, mang đậm nét văn hóa truyền thống, mọi hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng gắn liền với ngôi chùa Khmer.
Tại Việt Nam, tỉnh Sóc Trăng là địa phương có đồng bào dân tộc Khmer đông đảo nhất, chiếm hơn 30% dân số. Nhiều năm qua, Sóc Trăng luôn quan tâm đến công tác dân tộc và triển khai các chính sách dân tộc trên địa bàn. Qua đó đã hỗ trợ cho đồng bào vươn lên thoát nghèo, đời sống, văn hóa ngày càng khởi sắc. Cũng vì thế, bao đời nay, Lễ Sene Đôn Ta tại tỉnh Sóc Trăng được đồng bào Khmer gìn giữ, trao truyền và thường diễn ra trong 3 ngày chính (từ 29/8 đến mồng 1/9 âm lịch), mỗi ngày mang mỗi ý nghĩa khác nhau.
Ngày thứ nhất, các gia đình chuẩn bị mâm cơm cúng tại nhà để tưởng nhớ người quá cố, cầu phúc cho ông bà cha mẹ hiện tiền. Buổi chiều tối, mọi người thắp hương, khấn vái mời ông bà đã quá cố và cùng đến chùa để nghe các vị chư tăng tụng kinh cầu siêu và thuyết pháp.
Ngày thứ hai, Lễ chính tại chùa, các gia đình chuẩn bị lễ vật cần thiết dâng đến chùa làm lễ Ph’chum Ben (lễ rước ông bà) và thắp hương ban thờ tổ tiên. Bà con Phật tử trong phum sóc cùng ăn cơm lễ, trao đổi kinh nghiệm trong công việc đồng áng và vui chơi tại chùa. Sau đó bà con rước linh hồn ông bà về nhà, làm mâm cơm mới cúng ông bà và mời ông bà ở lại chứng kiến cuộc sống sung túc của con cháu.
Đến ngày thứ ba, gia đình chuẩn bị mâm cơm, mời các vị sư cùng họ hàng trong phum sóc đến nhà tụng kinh cầu siêu tiễn đưa linh hồn người quá cố. Đặc biệt người Khmer chuẩn bị một phương tiện (thường làm bằng bẹ chuối kết thành chiếc thuyền, dài từ 50 đến 70cm) và đặt cơm, thức ăn, kèm theo cả lúa, gạo, muối, đậu, bánh trái… Thắp nhang khấn vái xong, người dân Khmer thả thuyền dưới sông, kênh rạch hoặc ao hồ gần nhà để đưa ông bà cùng những người thân quá cố về lại thế giới bên kia.
Đây cũng là nghi thức cuối cùng khép lại Lễ Sene Đôn Ta mang đậm nét sinh hoạt văn hóa truyền thống của dân tộc Khmer./.