Sự kiện & Bình luận

Sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách

Trung Kiên 11/11/2024 15:52

Tổng Bí thư Tô Lâm vừa có bài viết quan trọng, có ý nghĩa sâu sắc về xây dựng hệ thống chính trị với tiêu đề “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả”. Trong đó, Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh, thông qua vai trò, sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng, chúng ta đã giữ vững ổn định chính trị, bảo vệ Đảng, bảo vệ chính quyền; kinh tế xã hội phát triển, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa, tinh thần của nhân dân.

1. Thực tiễn chứng minh, dưới sự lãnh đạo của Đảng với phương pháp, cách thức cầm quyền dân chủ, khoa học, thường xuyên được đổi mới phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ từng thời kỳ, sự nghiệp cách mạng Việt Nam nói chung, sự nghiệp đổi mới nói riêng đã lập nhiều kỳ tích, đạt được thành tựu vĩ đại. Từ một đất nước chưa có tên trên bản đồ thế giới, bị chiến tranh tàn phá nặng nề, Việt Nam đã vươn lên trở thành biểu tượng hòa bình, ổn định, hiếu khách, điểm đến của các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

tbt-to-lam.jpg
Tổng Bí thư Tô Lâm có bài phát biểu quan trọng tại Phiên thảo luận chung cấp cao Đại hội đồng Liên hợp quốc Khóa 79 tại Trụ sở Liên hợp quốc ở New York, Hoa Kỳ. (Ảnh: TTXVN).

Từ một nền kinh tế lạc hậu, Việt Nam đã vươn lên lọt vào Top 40 nền kinh tế hàng đầu, có quy mô thương mại trong Top 20 quốc gia trên thế giới, mắt xích quan trọng trong 16 FTA gắn kết với 60 nền kinh tế chủ chốt ở khu vực và toàn cầu. Từ một đất nước bị bao vây cô lập, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 194 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, có quan hệ Đối tác chiến lược và Đối tác toàn diện với 30 nước, trong đó có tất cả các nước lớn, và là thành viên tích cực của trên 70 tổ chức khu vực và quốc tế. Lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân là mục tiêu phấn đấu, Việt Nam được Liên hợp quốc và bạn bè quốc tế xem như một câu chuyện thành công, một điểm sáng về xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của người dân.

Đảng luôn xác định, đoàn kết là giá trị cốt lõi, đại đoàn kết toàn dân tộc là đường lối chiến lược, là cội nguồn sức mạnh, động lực chủ yếu của cách mạng Việt Nam, có ý nghĩa quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa. Thực hiện chủ trương của Đảng về bình đẳng - kỷ luật - đoàn kết thời gian qua chính là cội nguồn sức mạnh, mang lại nhiều thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những kết quả, con số ấn tượng về phát triển kinh tế - xã hội những năm gần đây đã minh chứng cho điều đó.

Minh chứng, cuối tháng 8/2024, tại Lễ khánh thành đường dây 500kV mạch 3 vào, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định: Công trình là biểu tượng của tinh thần đại đoàn kết, sự thống nhất, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị mà người dân là gốc dưới sự lãnh đạo của Đảng.

catbangkt.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính và các đại biểu cắt băng khánh thành các dự án đường dây 500 kV mạch 3 từ Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) ngày 29/8/2024.

Dự án đường dây 500 kV mạch 3 Quảng Trạch (Quảng Bình) đến Phố Nối (Hưng Yên) là dự án trọng điểm quốc gia, có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên các mặt kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh - quốc phòng. Dự án được hoàn thành thần tốc góp phần nâng cao khả năng truyền tải từ miền Trung ra miền Bắc khoảng 2.200MW hiện nay lên khoảng 5.000MW, phát triển hạ tầng trọng yếu về năng lượng như đột phá chiến lược mà Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra.

2. Trong năm 2024, ngày 8/9 vừa qua, bão số 3 với tên gọi quốc tế Yagi đã đổ bộ vào các tỉnh, thành phố phía Bắc nước ta. Trước những dự báo về tình hình cơn bão số 3 đổ bộ vào nước ta và sẽ gây ra những thiệt hại nghiêm trọng tại các tỉnh miền Bắc, Đảng ta ngay lập tức chỉ đạo toàn diện công tác dự báo, ứng phó và khắc phục hậu quả.

bo-chinh-tri.jpeg
Tổng Bí thư Tô Lâm chủ trì họp Bộ Chính trị, Ban Bí thư về chỉ đạo khắc phục hậu quả cơn bão số 3 gây ra. (Ngày 9/9/2024).

Bộ Chính trị dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Tô Lâm đã tổ chức cuộc họp khẩn nhằm chỉ đạo cụ thể về các giải pháp khắc phục hậu quả. Tinh thần chỉ đạo được xác định là không được chủ quan, cần phải huy động tối đa nguồn lực để bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân. Bộ Chính trị yêu cầu thực hiện 5 mục tiêu chính trong công tác cứu hộ, gồm: Tập trung tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các nạn nhân, xử lý những thiệt hại về cơ sở hạ tầng, thống kê thiệt hại để có giải pháp khắc phục kịp thời và ứng phó hậu quả hoàn lưu bão như lũ ống, lũ quét, sạt lở, sụt lún…

Tổng Bí thư Tô Lâm, lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã chỉ đạo, thăm hỏi, động viên kịp thời, đưa ra các giải pháp ngay tại hiện trường. Riêng Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 9 công điện; chỉ đạo xử lý kịp thời, hiệu quả diễn biến tình hình, nhất là những diễn biến đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra như lũ ống, lũ quét, sập cầu, vỡ đê, vỡ đập... Huy động nguồn lực toàn diện các cơ quan, lực lượng, đã hướng dẫn hơn hàng chục ngàn tàu cá về nơi tránh trú, tổ chức di dời hàng vạn hộ dân với trên tại các vùng ngập sâu do lũ đến nơi an toàn.

Huy động gần nửa triệu người, 6.600 phương tiện ứng phó với bão; hơn 100.000 lượt người và hơn 2.100 lượt phương tiện ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất, lũ quét. Các tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nề như Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định... đã tổ chức sơ tán dân kịp thời, đảm bảo an toàn cho hàng chục nghìn người. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng đã nhanh chóng tiến hành công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu trợ khẩn cấp cho các khu vực bị ngập lụt, sạt lở, đảm bảo người dân có nơi ở tạm thời và tiếp tục được cung cấp nhu yếu phẩm.

thu-tuong-22.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính động viên bà con nhân dân trong chuyến công tác chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả bão số 3 tại thành phố Yên Bái, tỉnh Yên Bái (Ngày 12/9/2024).

Công tác hỗ trợ người dân không chỉ dừng lại ở cứu trợ khẩn cấp mà còn tập trung vào việc khôi phục sản xuất và ổn định cuộc sống lâu dài. Các địa phương đã khẩn trương triển khai các phương án tái định cư cho những hộ dân bị mất nhà cửa do bão lũ, sạt lở đất. Chính phủ yêu cầu hoàn thành việc xây dựng lại nhà cửa cho các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất, như bản Làng Nủ, Lào Cai. Ngoài ra, EVN đã nhanh chóng khôi phục điện cho hơn 5,98 triệu hộ gia đình, góp phần sớm ổn định đời sống cho người dân ở các tỉnh bị ảnh hưởng. Các lực lượng tiếp tục nỗ lực sửa chữa hệ thống hạ tầng như đường xá, cầu cống, và công trình công cộng để phục hồi giao thông và thông tin liên lạc.

Bên cạnh đó, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Nhà nước; Bộ Y tế đã kịp thời cấp phát thuốc và tổ chức các chiến dịch phòng ngừa dịch bệnh tại các địa phương bị ảnh hưởng. Các cơ sở y tế được chỉ đạo tăng cường lực lượng để đảm bảo sức khỏe cho người dân, đồng thời kiểm soát nguy cơ bệnh truyền nhiễm trong điều kiện môi trường ô nhiễm sau bão.

Nhờ sự chỉ đạo quyết liệt và kịp thời của Đảng và Nhà nước, chúng ta đã nhanh chóng huy động các nguồn lực để khắc phục hậu quả bão lũ, bảo vệ an toàn cho người dân và khôi phục đời sống. Sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành và địa phương, cùng tinh thần đoàn kết toàn dân, đã giúp giảm thiểu thiệt hại và nhanh chóng ổn định tình hình./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • Khám phá Tây Bắc tại triển lãm "Tây Park - Ngàn"
    Triển lãm thị giác "Tây Park - Ngàn" được thực hiện dựa trên quá trình 10 năm đi và trải nghiệm tại Tây Bắc (Việt Nam) kết hợp sáng tạo nhiếp ảnh của Nguyễn Thanh Tuấn.
  • Khúc ca tình mẫu tử khi đối thoại với thời gian
    Bài thơ “Mẹ” của Đỗ Trung Lai thuộc đề tài quen thuộc nhưng luôn mang sức gợi lớn: đề tài người mẹ. Bài thơ được chọn vào sách giáo khoa Ngữ văn 7 (tập 1, bộ Cánh diều). Xuyên suốt bài thơ là bóng dáng vất vả, tảo tần của người mẹ gắn liền với tình cảm thiêng liêng, sâu đậm mà người con dành cho mẹ. Bằng nét bút tinh tế và nghệ thuật biểu đạt đầy sáng tạo, bài thơ tựa như một khúc ru trầm, nhẹ nhàng mà da diết, chạm đến từng góc khuất trong tâm hồn người đọc.
  • Hà Nội thông qua Nghị quyết quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao
    Tại Kỳ họp 19 (kỳ họp chuyên đề) ngày 19/11 của HĐND Thành phố Hà Nội, UBND Thành phố đã trình Dự thảo quy định việc nhượng quyền khai thác, quản lý công trình kiến trúc có giá trị và công trình, hạng mục công trình hạ tầng văn hóa, thể thao thuộc phạm vi quản lý của thành phố (thực hiện điểm a, b khoản 4 Điều 41 Luật Thủ đô). HĐND Thành phố đã xem xét và thông qua Nghị quyết về nội dung này.
  • Hà Nội phê duyệt đề án vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng xanh
    UBND TP Hà Nội vừa có Quyết định số 6004/QD-UBND về việc, phê duyệt “Đề án phát triển hệ thống giao thông vận tải công cộng bằng xe buýt sử dụng điện, năng lượng xanh trên địa bàn Thành phố”.
  • Trường THCS Xuân La: Viết tiếp trang sử vàng truyền thống
    Hòa chung không khí hân hoan của cả nước chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam, ngày 20/11, Trường THCS Xuân La (Tây Hồ, Hà Nội) long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 42 năm ngày Nhà giáo Việt Nam và tuyên dương tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác giảng dạy năm học 2024.
Đừng bỏ lỡ
Sức mạnh của hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng đưa đất nước vượt qua mọi khó khăn, thử thách
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO