Ông Nguyễn Thanh Kỳ
- Theo tôi, Dự thảo đã đưa ra nhiều điểm mới tích cực. Việc tăng một số thẩm quyền cho Thanh tra UBCKNN như thẩm quyền yêu cầu cung cấp thông tin từ tổ chức tín dụng, DN viễn thông và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm tạo điều kiện tốt hơn cho Thanh tra UBCKNN thực thi quyền hạn của mình trong xử lý các vi phạm trên thị trường, giúp thị trường hoạt động minh bạch hơn.
Ngoài ra, các quy định về tổ chức kiểm toán được chấp thuận kiểm toán cho đơn vị cũng có lợi cho công chúng. Đây là quy định mới được kỳ vọng sẽ đem lại những thông tin có chất lượng hơn trong Báo cáo tài chính của các công ty đại chúng và niêm yết, giúp nhà đầu tư có thông tin rõ ràng, minh bạch trước khi quyết định đầu tư.
Đưa TTCK Việt Nam tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế là kỳ vọng của nhà đầu tư và các thành viên tham gia thị trường. Dự thảo lần này đã đưa ra những quy định mới nào, thưa ông?
- Dự thảo đã đưa ra một số quy định nhằm tiếp cận gần hơn với các thông lệ quốc tế như: IPO gắn liền niêm yết, khái niệm nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp trong phát hành riêng lẻ... Đây là những quy định hết sức quan trọng giúp TTCK Việt Nam quen thuộc hơn với các nhà đầu tư nước ngoài và tạo tiền đề thuận tiện hơn trong việc phát triển các sản phẩm mới đã phát triển trên các TTCK trên thế giới.
Vậy để Dự thảo Luật Chứng khoán sửa đổi hoàn thiện hơn, ông có góp ý gì thêm?
- Thứ nhất, Dự thảo đã gắn trách nhiệm của DN chào bán chứng khoán ra công chúng trong việc niêm yết cổ phiếu ngay sau khi chào bán theo quy định tại khoản 6 - điều 12. Việc quy định bắt buộc niêm yết ngay sau khi chào bán chứng khoán ra công chúng nhằm mục tiêu gắn việc chào bán với niêm yết. Đây là một chủ trương đúng nhằm đưa thị trường gần hơn với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, quy định như Dự thảo hiện nay có thể dẫn đến nguy cơ khó áp dụng trên thực tế. Cụ thể, mặc dù các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng đã được nâng lên cả về điều kiện vốn, điều kiện hiệu quả DN.... Nhưng hiện nay, các điều kiện này vẫn chưa đồng nhất với các điều kiện để niêm yết cổ phiếu. Vì vậy, trên thực tế sẽ có trường hợp DN đáp ứng điều kiện chào bán nhưng không đáp ứng điều kiện niêm yết thì vẫn không thể niêm yết.
Thứ hai, việc nâng cao các điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng, đặc biệt là các điều kiện về hiệu quả DN chào bán một mặt có tác dụng tích cực là nâng cao được chất lượng hàng hóa chào bán ra công chúng, nhưng mặt khác lại gây khó khăn cho nhu cầu công khai, minh bạch để tối đa hóa hiệu quả của các DN. Có những trường hợp DN không có lãi nhưng vẫn là đối tượng quan tâm của đông đảo nhà đầu tư do những lợi thế tiềm ẩn của DN. Và trong những trường hợp này, việc được chào bán công khai sẽ tăng tính cạnh tranh để DN có thể có được hiệu quả cao nhất trong chào bán.
Một trong những vấn đề nóng thời gian qua là đạo đức người hành nghề chứng khoán. Những sửa đổi tại Dự thảo đã đủ để hạn chế hơn các vi phạm liên quan đến đạo đức hành nghề trên TTCK Việt Nam chưa, thưa ông?
- Theo dự thảo hiện nay, việc tuân thủ Bộ Quy tắc đạo đức nghề nghiệp chưa được đề cập đến trong việc quản lý người hành nghề.
Ở nhiều nước phát triển, người hành nghề được chú trọng đào tạo từ trong trường học, được quản lý bởi tổ chức Hiệp hội nghề nghiệp và riêng đối với ngành nghề kinh doanh chứng khoán, việc tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức nghề nghiệp được đặt lên hàng đầu. Vì vậy, để phát triển và quản lý người hành nghề được nâng lên một bậc, góp phần phát triển về chất TTCK, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán kiến nghị bổ sung quy định về điều kiện cấp chứng chỉ hành nghề: “Có cam kết bằng văn bản tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức hành nghề kinh doanh chứng khoán”. Đồng thời, quy định chứng chỉ hành nghề là có thời hạn và khi xem xét gia hạn chứng chỉ hành nghề cần xem xét các yếu tố tuân thủ Bộ quy tắc đạo đức hành nghề kinh doanh chứng khoán trong quá trình hành nghề.
Xin cảm ơn ông!