Không cần ra cửa hàng hay siêu thị, chỉ cần gõ vào google sẽ hiện ra vô số các website bán đèn xông tinh dầu, người dùng tha hồ lựa chọn chủng loại, mẫu mã đèn và tinh dầu. Không chỉ phong phú về các mẫu dáng thiết kế đèn xông mà hương tinh dầu cũng có hàng trăm loại, trong đó, phổ biến là tinh dầu sả, cam, chanh, bưởi, bạc hà, tràm, quế, oải hương, hoa hồng, hoa nhài, trầm, ngọc lan tây…
Về xuất xứ của tinh dầu thì đa phần của Ấn Độ, Việt Nam, Singapore, Indonesia, Thái Lan, Pháp, Úc và cả những loại không rõ nguồn gốc xuất xứ và cả tinh dầu handmade. Giá cả cũng cực kỳ “đa dạng”, cùng một loại hương nhưng giá có thể khác nhau một trời một vực. Lý do người bán đưa ra là dù cùng một loại, nhưng nếu hương tinh dầu tự nhiên 100% nhập khẩu từ châu Âu sẽ cao hơn rất nhiều so với loại có nguồn gốc Việt Nam hoặc Trung Quốc, Thái Lan. Thậm chí, chỉ 20.000 đồng người tiêu dùng có thể mua được một lọ tinh dầu. Còn loại nhập khẩu được quảng cáo tinh dầu 100% từ thiên nhiên giá có thể lên đến 500.000 - 700.000 đồng tùy sản phẩm, dung tích.
Điều đáng nói, trên thị trường hiện nay, ngoài những tinh dầu có xuất xứ rõ ràng còn xuất hiện tràn lan các loại hương liệu trôi nổi, không rõ nguồn gốc và cả hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó cũng có không ít loại tinh dầu của các hộ gia đình tự làm bán ra thị trường. Mặc dù người bán cam đoan đảm bảo chất lượng nhưng lại rất khó kiểm soát.
Cả nhà ngộ độc vì xông tinh dầu
Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình vừa điều trị cho một gia đình có 4 thành viên (ở Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) bị ngộ độc khi sử dụng máy xông tinh dầu đuổi muỗi.
Trước đó 10 ngày, gia đình bệnh nhân mua 1 bộ máy xông tinh dầu đuổi muỗi về đặt ở chỗ bán hàng tại tầng 1 - nơi người chồng thường xuyên có mặt. Loại tinh dầu có nhãn hiệu ghi bằng chữ Hàn Quốc là "Lọ tinh dầu xông muỗi, thân thiện với môi trường và không gây hại cho trẻ nhỏ". Sau đó, gia đình mang máy xông tinh dầu này cắm trong phòng ngủ ở tầng 2 ngôi nhà. Sáng hôm sau ngủ dậy, tất cả 4 thành viên trong gia đình đều có dấu hiệu mệt mỏi, đau đầu và nôn. Các bệnh nhân sau đó được đưa lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cấp cứu. Sau 3 ngày điều trị, hai cháu nhỏ (một cháu 3 tuổi, một cháu 8 tuổi) đã ổn định sức khỏe, đang được gia đình theo dõi và chăm sóc ở nhà. Riêng bố mẹ vẫn phải điều trị trong bệnh viện dù các triệu chứng ngộ độc đã giảm. Người chồng có triệu chứng nặng hơn do có số ngày tiếp xúc nhiều hơn với máy xông tinh dầu đuổi muỗi.
Còn tại Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhi Trung ương cũng đã từng tiếp nhận nhiều trường hợp vào viện cấp cứu do sử dụng tinh dầu xông nhà. Người thì có triệu chứng bệnh lý hô hấp, người lại bị nổi mẩn ngứa toàn thân do cơ thể phản ứng với hóa chất…
Không tùy tiện sử dụng
TS Hoàng Công Tình - Trưởng khoa hồi sức tích cực và chống độc, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình cho biết, có rất nhiều loại tinh dầu được giới thiệu là có khả năng đuổi muỗi. Do vậy, bác sĩ Tình khuyên người dân nên thận trọng khi sử dụng trong gia đình, đặc biệt là các loại tinh dầu không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, người mua cần tìm hiểu rõ thành phần của tinh dầu, hướng dẫn sử dụng. "Tốt nhất, không nên sử dụng tinh dầu đuổi muỗi thường xuyên và tuyệt đối không đặt thiết bị này trong phòng ở đóng kín cửa" - bác sĩ Tình khuyến cáo.
PGS.TS Trần Hồng Côn – giảng viên khoa Hóa học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội cho biết, hiện nay chưa xác định được loại tinh dầu gia đình trên sử dụng nên không rõ có hóa chất gì bên trong. Tuy nhiên, ông cho rằng, bất cứ tinh dầu, hương diệt muỗi, xịt muỗi nào có thể gây chết muỗi thì cũng độc với con người. Về bản chất, hóa chất nào cũng có chất độc. Tùy vào nồng độ và phụ thuộc vào phản ứng của mỗi người, mức độ ảnh hưởng khác nhau, nhưng trẻ em thường rất nhạy cảm với các loại hóa chất này.
Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Tiến Dũng – Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, việc đốt tinh dầu ở các gia đình hiện nay là vô cùng nguy hiểm. Nhiều người nghĩ, tinh dầu là tốt nhưng không phải với ai cũng tốt, đặc biệt là trẻ con. PGS.TS Dũng cũng từng gặp bệnh nhân ngộ độc tinh dầu, nến thơm. Theo ông, niêm mạc mũi của người lớn dày nên khi họ ngửi thấy mùi tinh dầu cảm thấy không sao, thậm chí thấy dễ chịu, hưng phấn nhưng trẻ con thì không. Có trường hợp bệnh nhi bị ngộ độc mùi tinh dầu bồ kết do người nhà đốt tinh dầu bồ kết để diệt vi khuẩn. Vì thế, để an toàn và dễ chịu cũng như tạo hương thơm, chỉ nên xông với các mùi hương quen thuộc như hương hoa hồng, hương nhài... với nồng độ vừa phải. Khi xông không nên đóng kín cửa phòng, tránh xông nồng độ cao, đậm mùi. Đặc biệt, người dùng nên đọc kỹ hướng dẫn trước khi sử dụng, xem thành phần, nguồn gốc xuất xứ, tuyệt đối không dùng sản phẩm trôi nổi trên thị trường.