Tiến sĩ Tadashi Yamamura, chuyên gia Liên hợp quốc về môi trường cho biết: Nhật Bản dự kiến mang thiết bị công nghệ hiện đại bio-nano, tốc độ xử lý siêu nhanh đến đặt dưới lòng sông Tô Lịch để làm sạch lòng sông. Với công nghệ này, chỉ sau ba ngày, mùi sẽ giảm nhiều. Công nghệ gồm máy sục khí công nghệ nano, sử dụng vật liệu thiên nhiên...
Sông Tô Lịch có chiều dài khoảng 14km, chảy qua địa phận 6 quận, huyện: Ba Đình, Cầu Giấy, Đống Đa, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Thanh Trì… đang bị ô nhiễm do phải gánh lượng nước thải chưa qua xử lý lớn và rác sinh hoạt của người dân.
Ông Nguyễn Duy Tặng (phường Nhân Chính) cho biết: “Tôi thường xuyên đi tập thể dục dọc sông Tô Lịch vào mỗi buổi chiều. Vào những ngày nắng nóng, nước sông bốc mùi hôi rất khó chịu, ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân hai bên đường”.
“Tôi hy vọng, dòng sông sớm được làm sạch để người dân có môi trường sống tốt hơn” ông Tặng chia sẻ.
Những túi rác sinh hoạt thường bị những người thiếu ý thức đổ ngay ven bờ hoặc ném xuống lòng sông….
Hằng ngày, công nhân của Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội vẫn dọn rác 2 bên bờ kè và dưới lòng sông, nhằm giảm ô nhiễm.
Chị Bùi Thị Thu Huyền (công nhân Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội) cho hay: “Chúng tôi chia 2 ca trong ngày để dọn rác, sáng từ 6h30 đến 10h30 và chiều từ 14h đến 18h. Công việc vất vả nhất là vào ngày đầu tuần, bởi trong những ngày nghỉ cuối tuần, lượng rác thải đổ ra sông thường khá lớn”.
“Rác thải ra sông chủ yếu là rác sinh hoạt, nếu không được thu gom nhanh sẽ làm nghẽn dòng chảy và gây ra mùi hôi thối”, chị Huyền cho biết thêm.
Cùng với việc thu gom rác thải đều đặn mỗi ngày, từ năm 2014, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã lắp đặt 38 cụm bè thủy sinh trên sông nhằm giảm ô nhiễm.
Hệ thống cây xanh dọc bờ sông Tô Lịch cũng góp phần làm môi trường trong lành hơn và tạo cảnh quan đô thị.
Khoảng 14km sông Tô Lịch chảy qua địa phận 6 quận, huyện (Hà Nội). Ảnh: Google Maps