Theo ông Nguyễn Viết Sáu, thôn 3 còn có nhiều hộ trồng rau màu cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Bên cạnh đó, một số hộ chuyên sản xuất rau giống cải bắp, su hào, súp lơ, cà chua..., mặc dù diện tích canh tác nhỏ, chỉ 1-2 sào, nhưng cũng cho doanh thu tới hơn 100 triệu đồng/sào/năm.
Tương tự, người dân ở thôn 6 cũng đã chuyển đổi, trồng rau màu, cây ăn quả, hoa, cây cảnh trên tổng diện tích hơn 40ha. Nhiều hộ mặc dù diện tích canh tác không lớn, nhưng cũng cho thu nhập 250-400 triệu đồng mỗi năm, như gia đình ông Nguyễn Tiến Bảy chuyên trồng cây quất cảnh trên diện tích 1.000m2, gia đình bà Nguyễn Thị Oanh trồng rau màu trên diện tích 2.500m2... Ngoài ra, hơn 60% số lao động ở thôn 6 làm kinh doanh, dịch vụ, buôn bán rau, quả tại các chợ lớn trên địa bàn thành phố, làm việc tại các nhà máy, xưởng sản xuất, cho thu nhập ổn định 8-10 triệu đồng/người/tháng.
Chia sẻ về phát triển kinh tế tại địa phương, Trưởng thôn 1 Vương Trọng Quân cho biết: 100% lao động trong độ tuổi của thôn đều có việc làm, trong đó, hơn 70% là lao động công nghiệp, xây dựng... có thu nhập 10-12 triệu đồng/người/tháng, số còn lại là lao động nông nghiệp. Đến nay, thôn 1 chỉ còn 4 hộ cận nghèo và tiếp tục phấn đấu giảm thêm hộ cận nghèo trong năm 2022.
Năm 2021, tổng giá trị sản xuất của xã Song Phương đạt hơn 660 tỷ đồng, trong đó giá trị công nghiệp - xây dựng hơn 271 tỷ đồng, giá trị thương mại, dịch vụ và lao động phổ thông hơn 332 tỷ đồng; thu nhập bình quân toàn xã đạt 48,2 triệu đồng/ người/năm. Theo Chủ tịch UBND xã Song Phương Đỗ Văn Toàn, năm 2022 và những năm tiếp theo, xã tiếp tục nỗ lực đẩy mạnh phát triển kinh tế, phấn đấu nâng thu nhập bình quân lên hơn 51 triệu đồng/người/năm; tổng giá trị sản xuất đạt hơn 716 tỷ đồng... Đặc biệt, xã sẽ tập trung hoàn thiện các tiêu chí nông thôn mới nâng cao, tiêu chí phường theo chỉ đạo của UBND huyện Hoài Đức và Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Hà Nội.