Sóc Sơn tổng kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 năm 2024
Sáng 03/01/2025, Hội nghị tổng kết công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 huyện năm 2024 đã chính thức diễn ra tại Hội trường UBND huyện. Dự hội nghị có các đồng chí Phan Văn Phúc - PGĐ Sở Thông & Truyền thông TP. Hà Nội; Phạm Văn Minh – Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn; Lê Hữu Mạnh - Thường vụ Huyện uỷ - Trưởng ban Tuyên giáo - GĐ trung tâm chính trị; Hồ Việt Hùng – Phó Chủ tịch UBND huyện; Nguyễn Thị Kim Tuyến - Trưởng phòng Nội vụ huyện cùng các thành viên Ban Chỉ đạo CCHC, Ban Chỉ đạo Chuyển đổi số và Tổ công tác Đề án 06 của huyện; lãnh đạo các ban Đảng, các phòng ban của huyện và lãnh đạo các xã, thị trấn tham dự.
Công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 tiếp tục được chỉ đạo quyết liệt
Năm 2024, công tác cải cách hành chính (CCHC) của huyện Sóc Sơn tiếp tục được Huyện ủy, UBND huyện, Chủ tịch UBND huyện và Ban Chỉ đạo CCHC huyện tập trung chỉ đạo quyết liệt. Theo đó các nhiệm vụ CCHC của huyện được triển khai thực hiện và hoàn thành theo đúng kế hoạch. Hội đồng nhân dân (HĐND), UBND huyện ban hành 89 văn bản chỉ đạo công tác CCHC, 65 văn bản chỉ đạo công tác chuyển đổi số, ban hành trên 50 văn bản chỉ đạo thực hiện Đề án 06. Thực hiện rà soát, kiện toàn, hợp nhất 188 Tổ Chuyển đổi số cộng đồng thôn, tổ dân phố với hơn 1500 thành viên 26 tổ Chuyển đổi số cấp xã. Việc xây dựng, ban hành văn bản đảm bảo tuân thủ đúng quy định của Luật Ban hành văn bản QPPL và pháp luật có liên quan.
Công tác cải cách TTHC được đẩy mạnh, thường xuyên rà soát, đánh giá TTHC để kiến nghị đơn giản hóa và triển khai nhiều giải pháp trong giải quyết TTHC mang lại hiệu quả thiết thực, giúp giảm công sức, thời gian đi lại, được sự đồng tình, ủng hộ của người dân và doanh nghiệp trên địa bàn huyện.
100% các TTHC tiếp nhận và trả kết quả tại cấp huyện, cấp xã đều được thực hiện theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông đảm bảo theo quy định. Đồng thời, tiếp tục triển khai rà soát, rút ngắn thời gian giải quyết hồ sơ, đẩy mạnh phân cấp cải cách TTHC và đẩy nhanh giải quyết TTHC trực tuyến. Qua đó, tạo bước chuyển biến trong công tác phục vụ của cơ quan hành chính, nâng cao sự hài lòng của người dân.
Việc ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số được đẩy mạnh
Về Hoạt động ứng dụng CNTT, chuyển đổi số, thực hiện Đề án 06, trong năm 2024, đã thu được nhiều kết quả nổi bật trong phát triển chính quyền số, kinh tế số và xã hội số.
100% văn bản đi, đến (trừ văn bản có nội dung mật) được xử lý hoàn toàn trên môi trường mạng. 100% Bộ phận một cửa sử dụng phương thức thanh toán phí, lệ phí không dùng tiền mặt; ứng dụng hiệu quả các phần mềm dùng chung thành phố triển khai.
Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan, đơn vị về sự phục vụ hành chính được cải thiện, nâng cao.
Triển khai cài đặt nền tảng iHanoi đến 100% đảng viên, cán bộ, công chức và Nhân dân trên địa bàn huyện (tính đến ngày 01/12/2024, đã có 78.145 tài khoản iHanoi của cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn huyện được cài đặt).
Đến nay, 146 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn 3-4 sao đã được hỗ trợ đăng tải trên các sàn thương mại điện tử, tạo điều kiện để các sản phẩm địa phương tiếp cận thị trường rộng lớn hơn. 26/26 xã, thị trấn đã phát động, triển khai thành công mô hình chợ và tuyến đường không dùng tiền mặt, thúc đẩy thói quen giao dịch không tiền mặt trong cộng đồng. Đặc biệt, tỷ lệ hộ kinh doanh sử dụng ứng dụng eTax Mobile để nộp thuế đạt 84,3%, cho thấy sự thay đổi tích cực trong việc ứng dụng công nghệ vào quản lý tài chính.
Tỷ lệ người dân (từ 14 tuổi trở lên) có tài khoản định danh điện tử đạt 88,1%. 94,8% hồ sơ sức khoẻ của người dân trên địa bàn huyện đã được khởi tạo trên hệ thống phần mềm hồ sơ sức khỏe toàn dân. Số người hưởng lương hưu, trợ cấp BHXH hằng tháng không dùng tiền mặt đạt tỷ lệ 97.24%, tăng gấp 3 lần so với năm 2023; Làm sạch và chuẩn hóa dữ liệu y tế đạt tỷ lệ 99,23%.
Năm 2025 – nỗ lực cải cách hành chính gắn với chuyển đổi số, triển khai có hiệu quả Đề án 06
Bên cạnh kết quả đạt được, Hội nghị đã thảo luận, phân tích sâu vào những hạn chế, khó khăn trong thực hiện các nhiệm vụ chuyển đổi số và CCHC như: Trình độ dân trí chưa cao, hạ tầng đường truyền máy móc chưa đáp ứng được yêu cầu, có nơi tỷ lệ người dân có điện thoại thông minh còn thấp, một bộ phận người dân còn lo ngại mất an toàn thông tin khi giải quyết thủ tục hành chính trực tuyến, chưa sẵn sàng sử dụng thanh toán qua tài khoản và giao dịch trực tuyến…
Việc đánh giá kết quả, đề ra mục tiêu phương hướng nhiệm vụ 2025 trong công tác chuyển đổi số, CCHC, thực hiện Đề án 06 phải được thực hiện trên cơ sở tiếp thu tư tưởng, chỉ đạo của Trung ương, Thành phố, với tinh thần quyết liệt, quyết tâm để công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số và Đề án 06 huyện đạt chất lượng và hiệu quả trong thời gian tới. Đặc biệt, trong giai đoạn Việt Nam đang chuẩn bị tiến vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Phó Bí thư Huyện ủy - Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Văn Minh
Qua kết quả báo cáo của đoàn kiểm tra, các đơn vị địa phương cần nỗ lực khắc phục hạn chế đã được chỉ ra, nhất là những nội dung mất điểm do lỗi chủ quan.
Các sở ngành, huyện, thành phố cần có giải pháp phù hợp để khắc phục các điểm số còn thấp, nâng cao các chỉ số một cách thực chất. Tăng cường chất lượng công tác tham mưu, nhất là việc khẩn trương sắp xếp tổ chức bộ máy theo Nghị quyết 18./.