Văn hóa – Di sản

Rước cỗ yến làng Kiêu Kỵ

Hoàng Lê 07:43 31/10/2023

Kiêu Kỵ tên nôm là Cầu Cậy, là một trong 7 làng của xã Kiêu Kỵ, huyện Gia Lâm, Hà Nội. Đây là một làng nghề có tiếng, chuyên dát vàng quỳ trang trí các đồ tế khí, có từ thời Trần, đến nay đã gần 800 năm. Nơi đây vẫn thờ cúng vị tổ nghề là Nguyễn Quý Trị và hậu thần Vũ Danh Thuận. Cùng với vị tổ nghề, làng còn thờ tướng Nguyễn Chế Nghĩa làm Thành hoàng.

lang-kieu-ky.jpg
Một góc nhỏ làng Kiêu Kỵ

Nguyễn Chế Nghĩa là người làng Cối Xuyên, huyện Tràng Tân, phủ Hạ Hồng, lộ Hồng Châu (nay là thị trấn Gia Lộc, tỉnh Hải Dương). Ông là một danh tướng thời Trần, tinh thông võ nghệ, thiên văn, địa lý… Dưới cờ của Hưng Đạo đại vương, ông đã cùng Phạm Ngũ Lão, Trần Nhật Duật lập nhiều chiến công hiển hách. Theo sách “Tóm tắt niên biểu lịch sử Việt Nam” của Hà Văn Thư - Trần Hồng Đức, sau chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ 2 và thứ 3, ông được vua Trần Anh Tông gả con gái là công chúa Ngọc Hoa cho và tấn phong làm Phò mã Đô úy. Trải các đời vua Trần, ông được phong Nhập nội Thái úy, Thái tể Nghĩa Xuyên Công, có lúc đứng đầu ban võ, kiêm Lễ bộ Thượng thư. Ông có công lao đối với nước, không những thế mà còn có công với dân trong việc cày cấy, tằm tang, bảo vệ đê điều, chống bọn tham nhũng. Ông bị bọn gian nịnh xúc xiểm ly gián với nhà vua và cuối cùng bị chúng hãm hại khi từ kinh đô về Kiêu Kỵ. Dân làng Kiêu Kỵ lập đền thờ ông.

Hằng năm, cứ vào cuối tháng Tám, làng Kiêu Kỵ lại mở hội tưởng niệm Nguyễn Chế Nghĩa suốt ba ngày đêm, từ 27 đến 29 tháng Tám. Ngày đầu vào đám cáo kỵ, ngày 28 là chính kỵ.

Ngày làng vào đám, có rước hóa mã từ nhà ông cai đám và rước văn từ nhà ông tiên chỉ ra miếu thờ. Đặc biệt vào sáng 28 tháng Tám là ngày chính kỵ có lễ rước cỗ yến. Cỗ có ba loại: Cỗ yến, cỗ xéo và cỗ hậu (còn gọi là cỗ giải). Cỗ yến là cỗ để tiến cúng Thành hoàng làng ở miếu thờ. Còn cỗ xéo, cỗ giải thì không phải rước mà chỉ dọn ra ở đình để theo thứ tự trong làng mà hoan ẩm. Cỗ yến được chế biến rất cầu kỳ và tinh tế, gồm ba mâm cỗ; mỗi mâm có 18 bát đĩa xếp thành ba tầng chồng lên nhau. Người xếp cỗ phải khéo léo và cẩn thận, sao cho bát dưới, đĩa trên để khi di chuyển không bị xô lệch đổ vỡ. Mâm hình chữ nhật có khung gỗ cao khoảng 20cm vừa làm khung đỡ che chắn xung quanh cho bát đĩa, vừa là vật trang trí được chạm trổ sơn son thếp vàng rất trang trọng.

Cỗ yến, xôi gà, xôi thủ lợn của các giáp phải được kiểm tra chấm giải chặt chẽ. Gà luộc cả con phải là gà to béo được nuôi nhốt khá sạch sẽ và được gọi là Ông Kê. Lợn cũng vậy, gọi là Ông Ỷ. Ông Ỷ chân ngắn, vai mông bằng nhau được ăn cám trộn bèo cái, bèo có năm sáu cánh nhỏ trắng thì thịt mới thơm ngon. Lợn thường xuyên được tắm rửa sạch sẽ.

Làng có mười giáp, mỗi giáp đều tìm chọn người nuôi từ trước. Đến ngày hội, ban khánh tiết cử người đến tận nhà chủ nuôi xem xét, nếu Ông đạt tiêu chuẩn mới được mổ. Mổ lợn cũng rất cầu kỳ, chọc tiết phải đúng tim, lỗ chọc nhỏ. Nước làm lông không để sôi quá mà chỉ lăn tăn chừng 80 độ; làm nhanh để khi pha, thịt vẫn còn nóng. Thủ lợn để tiến cúng, phần còn lại chia làm sáu vè (phần). Hai vè dành cho ông đám để lo cỗ, bốn vè chia đều cho các giáp.

Cỗ yến bao giờ cũng có các món nem, mọc, giò lụa, chim quay, gà tần, vây cá, mực tươi, mực khô, bóng cá, rau câu, nấm hương, mộc nhĩ… Các món này phải làm sạch sẽ, tươm tất, đảm bảo có đủ các món hàn, món nhiệt; sử dụng vừa đủ các gia vị như hạt tiêu, hành; các vị thuốc bắc như thảo quả, quế chi. Cốt yếu là chế biến sao cho món này không át món kia; mỗi món vẫn giữ được hương vị riêng mà hương không lấn át vị. Ngoài hương vị còn phải có sắc màu tươi tắn và bày biện cho đẹp mắt nữa. Bởi thế, người nấu cỗ yến phải là người sành sỏi ẩm thực và khéo tay. Tục thi cỗ yến xem như là nội dung chủ yếu trong hội làng Kiêu Kỵ.

Như trên đã nói, Kiêu Kỵ có nghề dát vàng quỳ và mực nho, hai nghề này nguyên liệu chính là keo da trâu nên những chủ hiệu dát vàng mỗi khi giết trâu để lấy da làm keo lại đem trâu tế ngoài đình. Không kể những ngày lễ, ngày hội thường niên, việc mổ trâu để tế thánh là chuyện có quanh năm. Vì thế, từ xa xưa, dân gian đã có câu: “Sống con trai Bát Tràng, chết Thành hoàng Kiêu Kỵ”./.

Bài liên quan
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Rước cỗ yến làng Kiêu Kỵ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO