Quy tắc ứng xử nơi công cộng góp phần hình thành nền nếp ứng xử văn minh, thanh lịch
Mục đích ban hành bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố Hà Nội góp phần từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền
Để tăng thực hiệu quả thực thi bộ Quy tắc ứng xử nơi công cộng trong thực tiễn, UBND TP. Hà Nội yêu cầu tăng thời lượng tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng về nội dung Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố theo Quyết định số 1665/QĐ-UBND ngày 10/3/2017 của UBND Thành phố với các hình thức phù hợp.
Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Tuyên truyền lưu động, tuyên truyền thông qua việc tổ chức các hội thi, hội diễn, trại sáng tác, tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm, sinh hoạt dưới cờ, tuyên truyền trong hệ thống trường học, thông qua các hội thi “Tuyên truyền Quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn thành phố Hà Nội”…
Gần đây, tiêu biểu phải kể đến hội thi Tuyên truyền viên giỏi trong công tác tuyên truyền, vận động triển khai thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng năm 2023 do Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội phát động trên địa bàn Thành phố. Hội thi được đánh giá đã phát huy thiết thực việc lan toả Quy tắc ứng xử nơi công cộng, nhằm đa dạng các hình thức tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện quy tắc ứng xử nơi công cộng trên địa bàn Thành phố, góp phần đưa Quy tắc trở thành nề nếp trong đời sống nhân dân Thủ đô, từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi của cá nhân, tổ chức nơi công cộng, xây dựng Thành phố văn minh, hiện đại. Đồng thời, qua Hội thi, nhằm tạo sân chơi để các quận, huyện, thị xã giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm tuyên truyền Quy tắc ứng xử, đặc biệt là các mô hình đã, đang tổ chức thực hiện có hiệu quả tại địa phương.
Tại quận Cầu Giấy, để phát huy tối qua hiệu quả, quận chủ trương lồng ghép việc ký cam kết thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng với Quy tắc ứng xử đối với cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trên toàn quận. Đến nay, 100% các cơ quan, đơn vị, trường học, khu vực đông dân cư, 50 di tích, 02 công viên và 228 tổ dân phố của quận được niêm yết Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Mô hình chung cư văn hóa, ứng xử lịch thiệp, tôn trọng không gian chung và Mô hình di tích lịch sử văn hóa - điểm đến an toàn, hấp dẫn được các phường hưởng ứng đăng ký tham gia triển khai tích cực.
Xuất hiện nhiều cách làm trong thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng gắn với thực hiện nếp sống văn minh trong quản lý di tích và lễ hội. Quy tắc ứng xử nơi công cộng được tuyên truyền và niêm yết tại các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, di tích đầy đủ để nhân dân và du khách thập phương đến thực hành tín ngưỡng thực hiện. Tại các điểm di tích hầu hết không còn hiện tượng ăn mặc hở hang, phản cảm, thực hiện nếp sống văn minh nơi thờ tự.
Nhiều tấm gương tiêu biểu
Đối tượng áp dụng của Quy tắc là các tổ chức và cá nhân làm việc, sinh sống, công tác, tham quan, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội. Bộ Quy tắc gồm 11 Điều, quy định rõ những việc nên và không nên làm trong ứng xử chung; tại vỉa hè, lòng đường; tại vườn hoa, quảng trường, tượng đài, công viên; tại cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo; tại bảo tàng, thư viện, nhà văn hóa; tại trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, nhà hàng, quán ăn; tại nhà ga, bến xe ô tô, bến tàu, sân bay; khi tham gia giao thông và tại khu vui chơi, giải trí, điểm tham quan du lịch…
Theo thông tin từ Sở Văn hoá và Thể thao Hà Nội, gần 7 năm qua, việc triển khai, thực hiện Quy tắc ứng xử nơi công cộng đã được duy trì thành nề nếp, thường xuyên, liên tục và phù hợp với tình hình thực tế của các cơ quan, đơn vị, địa phương; từng bước xây dựng, hình thành những chuẩn mực văn hóa nhằm điều chỉnh lời nói, thái độ, hành vi ứng xử của cá nhân, tổ chức nơi công cộng trên địa bàn thành phố phù hợp với chuẩn mực xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh. Thông qua việc triển khai Quy tắc, xuất hiện nhiều mô hình sáng tạo, cách làm hay, nhiều gương cá nhân/tập thể điển hình tiêu biểu trong thực hiện Quy tắc ứng xử, được UBND Thành phố và các cấp tôn vinh, biểu dương, khen thưởng, tặng Bằng khen, giấy khen.
Tại huyện Đông Anh, công tác thi đua – khen thưởng cho tập thể, cá nhân có thành tích tốt trong lĩnh vực văn hoá thể thao, trong đó có thành tích trong thực hiện Quy tắc ứng xử được quan tâm thường xuyên liên tục.
Theo Trưởng phòng Văn hoá thông tin huyện Đông Anh Đặng Giang Sơn chia sẻ, để khích lệ, động viên kịp thời các cá nhân, tập thể trong thực hiện Quy tắc ứng xử của Thành phố, hàng năm, Phòng Văn hoá Thông tin đều đề xuất UBND Thành phố và huyện khen thưởng cho các cá nhân, tập thể tiên tiến, điển hành có nhiều cách làm, kinh nghiệm hay. Trong đó, phải kể đến các giải của Phòng Văn hoá Thông tin như: Giải đặc biệt cuộc thi trực tuyến “Tuyên truyền quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội năm 2021”; Tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị 11/CT-TU, ngày 3/10/2012 của Ban Thường vụ Thành uỷ Hà Nội (khoá XV) về việc “Tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới trên địa bàn Thành phố Hà Nội”, giai đoạn 2012 – 2022. Mới đây, đội Phòng Văn hoá Thông tin huyện Đông Anh đạt giải nhất trong Cuộc thi về thực hiện nếp sống văn minh trong lễ hội, Sở Văn hóa và Thể thao chuẩn bị tổ chức hội thi “Cán bộ quản lý và tổ chức lễ hội giỏi” thành phố Hà Nội, lần thứ I - năm 2023.
Trong thời gian tới, các địa phương cần tiếp tục tăng cường vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, nâng cao trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, trường học, mọi tầng lớp nhân dân trong thực hiện bộ Quy tắc ứng xử nhằm xây dựng hình thành những chuẩn mực văn hóa; góp phần giữ gìn và phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của người Hà Nội xưa và nay.