“Quê nón” hôm nay

Theo nhipsonghanoi.vn| 16/06/2017 14:50

"Nón làng Chuông" từ lâu đã định vị trong tâm thức của nhiều người về một làng nghề hiền hòa nhưng không kém phần năng động. Giờ đây, Phương Trung (huyện Thanh Oai) có thêm niềm tự hào là xã đạt chuẩn nông thôn mới. Mọi thành quả ở đây đều xuất phát từ sự đồng lòng của người dân và chính quyền, tạo thành khối thống nhất vượt qua gian khó...

"Nụ cười" người làng nón... 
“Quê nón” hôm nay
Nón làng chuông


Về làng Chuông, ai cũng có cảm giác dễ chịu vì sự mộc mạc, thân thiện với nụ cười mến khách của người làng nghề. Có thể khẳng định rằng, người dân ở đây thực sự chăm chỉ, khéo tay. Ngoài làm nông nghiệp như các làng quê quanh vùng, họ còn miệt mài với nghề truyền thống: Khâu nón. Chả thế mà người làng nghề không mấy khi kêu "đói" vì thu nhập từ nông nghiệp cộng với nghề phụ đã giúp cuộc sống của họ ổn định, có tích lũy cho gia đình và góp phần xây dựng quê hương.


Giới thiệu về địa phương, Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Toàn cho biết: Xã Phương Trung (còn gọi là làng Chuông) với hơn 17.600 dân, 4.800 hộ, đông gấp 2 đến 4 lần các xã khác trong huyện Thanh Oai. Tuy dân đông nhưng đất canh tác lại ít (239ha) nên người dân Phương Trung không trông chờ vào đồng đất mà năng động làm nhiều nghề để kiếm sống, trong đó có nghề khâu nón lá. Hiện nay, cả xã Phương Trung có 3.000-4.000 người thường xuyên làm nón, đóng góp khoảng 20% vào cơ cấu kinh tế địa phương. Để hỗ trợ bà con, hằng năm, xã mở các lớp đào tạo và nâng cao tay nghề. Vì vậy, nghề khâu nón nơi đây luôn được duy trì và ngày càng thịnh vượng...

Là một trong những hộ làm nón, chị Phạm Thị Hồng (xóm Chợ) cho biết: “Tôi khâu nón bất cứ khi nào có thời gian nhàn rỗi. Các con tôi cũng giúp mẹ khâu nón khi được nghỉ học. Tuy chỉ làm tranh thủ nhưng cũng giúp gia đình thêm thu nhập trang trải cuộc sống”. Cầm chiếc nón mới vừa hoàn thiện bằng chính đôi tay mình, bà Lưu Thị Đông (xóm Chợ) tâm sự: Nghề khâu nón cũng đã gắn bó với tôi hơn 30 năm. Để có một chiếc nón đẹp, đòi hỏi nguyên liệu phải được lựa kỹ như: Vòng, mo, lá; rồi đường kim mũi chỉ cũng phải mau và đều tăm tắp; cung nón tròn, chóp nhọn, lá mượt và trắng… Những chiếc nón như vậy sẽ bán được khoảng 100.000 đồng/chiếc, trừ chi phí, người khâu được 70.000 đồng. Mỗi ngày, một người khâu nón chuyên nghiệp có thể làm được 2 chiếc. Ngoài làm nón, bà Đông còn thu mua lá cọ từ Quảng Bình về sơ chế, bán cho các hộ nên kinh tế gia đình tương đối khá giả...

Nhờ nghề truyền thống, nhiều hộ dân trong xã đã xây dựng nhà cửa khang trang; đường làng ngõ xóm được đổ bê tông sạch sẽ. Ở Phương Trung vừa có sự hiện đại của những công trình mới hoàn thiện, vừa xen lẫn nét cổ kính từ nếp nhà cổ, mái đình, giếng nước cùng những phiên chợ Chuông truyền thống vẫn được người dân gìn giữ...

Đồng lòng góp tiền, góp sức làm nông thôn mới

Do dân cư đông đúc, đất ở chật chội nên nhiều tuyến đường ở xã Phương Trung trước đây khá hẹp, đi lại khó khăn. Triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), cấp ủy, chính quyền đã vận động nhân dân hiến đất để mở rộng đường, đặc biệt là các góc "cua". Nhờ vậy, hệ thống đường làng, ngõ xóm ở Phương Trung hiện nay đã được bê tông hóa, sạch đẹp, rộng thoáng hơn.

Nhận thức rõ việc xây dựng NTM chỉ dựa vào ngân sách nhà nước thì rất khó trong quản lý, bảo trì, nhưng nếu có sự góp sức của người dân thì phần việc này sẽ thuận lợi hơn. Do đó, khi triển khai xây dựng NTM, xã Phương Trung đã vận động nhân dân tham gia đóng góp được 13 tỷ đồng để xây dựng các công trình phúc lợi công cộng. Không chỉ góp tiền, nhân dân còn tự nguyện góp sức với 4.000 ngày công, hiến 500m2 đất thổ cư cùng hàng nghìn mét vuông đất nông nghiệp để mở rộng các tuyến đường. Bên cạnh đó, Phương Trung còn luôn thực hiện tốt phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa; việc cưới, việc tang, mừng thọ có nhiều đổi mới theo hướng văn minh. 

Nhờ sự đồng lòng, chung sức của người dân với cấp ủy, chính quyền địa phương, năm 2016, xã Phương Trung đã hoàn thành 5 nhóm, 19 tiêu chí NTM. Mới đây, Phương Trung đã long trọng tổ chức lễ đón Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM. "Quê nón" hôm nay không chỉ cần cù, giỏi giang, năng động mà còn xứng đáng là điển hình để các nơi đến tham khảo và làm theo.
(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
  • [Video] Sóng lụa làng nghề Vạn Phúc
    Là một trong những làng nghề thủ công ra đời sớm nhất vùng Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước, làng lụa Vạn Phúc (quận Hà Đông) là làng nghề dệt lụa tơ tằm nổi tiếng từ xa xưa. Nhiều mẫu hoa văn của lụa Vạn Phúc từng được chọn may quốc phục dưới các triều đại phong kiến. Ngày nay, ngoài việc gìn giữ, phát huy giá trị của nghề truyền thống qua các sản phẩm, làng lụa Vạn Phúc còn là điểm đến hấp dẫn của nhiều du khách trong nước và quốc tế.
  • Tọa đàm những vấn đề về kịch bản sân khấu hiện nay
    Với mong muốn tìm ra những nguyên nhân và giải pháp về vấn đề kịch bản sân khấu hiện nay, sáng 22/11, Hội Sân khấu Hà Nội tổ chức tọa đàm “Những vấn đề về kịch bản sân khấu” với sự tham gia của đông đảo hội viên trong hội.
  • [Podcast] Thu Hà Nội – Mùa của tình yêu và nỗi nhớ
    Bốn mùa, xuân, hạ, thu, đông của Hà Nội, mỗi mùa đều mang trong mình nét đẹp riêng bới hương, bởi sắc của mỗi mùa. Nhưng có lẽ, mùa thu vẫn là một mùa thật đặc biệt của Người Hà Nội. Mỗi độ thu về như gói gọn cả một Hà Nội cổ kính, trầm mặc, một Hà Nội thơ mộng và trữ tình. Chính bởi vẻ đẹp đó mà mùa thu đã trở thành nỗi nhớ cho những ai đã từng gắn bó với Hà Nội mà nay phải chia xa, là niềm ước ao một lần được “chạm vào” của nhiều du khách.
  • Triển lãm "Cộng đồng kiến tạo": Vinh danh những đóng góp giá trị cho xã hội
    Sáng 22/11, tại sân Bái Đường, Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã diễn ra Triển lãm "Hành động vì cộng đồng" - Human Act Prize 2024 với chủ đề “Cộng đồng kiến tạo”.
  • Đồng chí Nguyễn Việt Phương giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội
    Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Thanh Trì Nguyễn Việt Phương được điều động đến công tác tại Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Hà Nội, giữ chức Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy khóa XVII.
Đừng bỏ lỡ
“Quê nón” hôm nay
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO