An Thọ là một xã thuần nông, nghèo của huyện An Lão, thành phố Hải Phòng. Người dân quanh năm “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”, ấy vậy mà người dân nơi đây vẫn đang phải “còng lưng” để đóng nhiều khoản thu vô lý do Trường mầm non An Thọ đề ra.
Theo phản ánh của một số PHHS, năm học 2017 - 2018, nhà trường tiến hành thu nhiều khoản tiền được cho là vô lý, cao, trái với quy định, không công khai minh bạch các khoản thu chi cho phụ huynh. Tại cuộc họp phụ huynh toàn trường, ngày 10/9/2017, các giáo viên chủ nhiệm đã triển khai “tạm thu” các khoản đóng góp với các số tiền cụ thể như sau: Lớp nhà trẻ 2.916.000 đồng, Lớp mẫu giáo 3 và 4 tuổi: 2.872.000 đồng, Lớp mẫu giáo 5 tuổi là 2.892.000 đồng. Theo kế hoạch các khoản thu này sẽ được tiến hành thu làm 02 đợt, đợt 1 tạm thu 1.600.000 đồng, đợt 2 còn lại sẽ thu vào cuối tháng 12/2017.
Trong các khoản thu nêu trên, có nhiều khoản thu khiến PHHS bức xúc như: tiền đồ dùng học tập: Lớp Nhà trẻ 220.000/cháu/năm, lớp 3 và lớp 4 tuổi 230.000/cháu/năm, lớp 5 tuổi 250.000 đồng/cháu/năm; tiền đồ dùng phục vụ nuôi ăn bán trú: 250.000/cháu đều cho các lớp; tiền xã hội hóa cào bằng: 295.000/cháu; tiền quỹ hội PH 350.000/cháu/năm...
Một PHHS cho biết: Con tôi học lớp 4 tuổi, vào đầu năm học tôi phải nộp cho con với số tiền 2.450.000 đồng. Năm nào nhà trường cũng thu tiền mua dụng cụ nấu ăn, dụng cụ học tập mỗi năm mấy trăm nghìn. Thử hỏi những dụng cụ đó năm nào cũng hỏng hay sao mà năm nào cũng phải mua?
Chị Nguyễn Thị T có con học lớp 4 tuổi nói: rất là vô lý, theo quy định tiền xã hội hóa không được thu cào bằng, nhưng nhà trường lại bắt mỗi cháu phải đóng đồng đều 295.000 một cháu. Con tôi năm nay học lớp 4 tuổi, sau khi kết thúc năm học, vẫn còn rất nhiều đồ dùng học tập (bảng, kéo, rổ, bộ hình học toán...), đồ dùng nấu ăn (xông nồi, bát đũa...) vẫn còn sử dụng được, nhưng tại sao nhà trường lại không biết cách tận dụng lại để tiết kiệm, sử dụng cho các lớp sau để giảm bớt số tiền đóng góp đi?
Phớt lờ các quy định?
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Duy Nhiêu - Chủ tịch UBND xã An Thọ, khẳng định: Hội đồng Nhân dân và UBND xã không có chủ trương về xã hội hóa đối với các trường trên địa bàn, trong đó có trường mầm non. Tuy nhiên, trong điều kiện khó khăn, ngân sách hạn hẹp, các trường trên địa bàn xã trên cơ sở thực tế đều có chủ trương xã hội hóa theo quy định. Các trường trên cơ sở kế hoạch thu - chi sẽ làm tờ trình lên Hội đồng nhân dân và UBND xã đồng ý xác nhận và gửi lên huyện. Sau khi huyện có quyết định, nhà trường sẽ tiến hành họp phụ huynh triển khai thu tiền xã hội hóa theo quy định.
Khi đề cập đến việc Trường Mầm non An Thọ thu tiền xã hội hóa cào bằng, ông Nguyễn Duy Nhiêu cho biết: Theo quyết định của UBND huyện nhất trí cho Trường Mầm non thu tiền xã hội hóa với số tiền 104.700.000 đồng. Nhà trường đã vận động chia đều cho số học sinh toàn trường mỗi cháu phải đóng là 295.000 đồng. “Đúng theo chủ trương thì xã hội hóa là tự nguyện, ai có điều kiện thì ủng hộ hơn thì hơn, ai không có điều kiện thì không có cũng được. Nhưng có điều làm như thế thì nó cũng rất khó là mức sống của bà con thì cũng ngang ngang nhau. Khi họp phụ huynh lại không ai có ý kiến gì cả, kể cả tôi tiếp xúc cử tri cũng không có ý kiến phản ánh gì cả”, ông Nhiêu nói.
Khi đề cập đến tiền xã hội hóa thu cào bằng, bà Vũ Thị Én thừa nhận nhà trường đã tiến hành thu cào bằng 295.000/cháu, mặc dù biết thu cào bằng như thế là trái quy định, nhưng vì để đạt được kế hoạch xã hội hóa đề ra cho năm học 2017 - 2018 được phê duyệt là 104.700.000 đồng, nhà trường đã cố tình “phớt lờ” các quy định của Bộ giáo dục, UBND thành phố Hải Phòng và UBND huyện An Lão về huy động tiền xã hội hóa giáo dục. Đồng thời, không hề quan tâm đến khả năng phụ huynh có đóng góp được số tiền xã hội hóa này hay không?
Lý giải cho điều này, bà Vũ Thị Én - Hiệu trưởng Trường mầm non An Thọ nói: “Ở nông thôn thì không như các trường nội thành, các chị mà không ra một cái mức thu, biết cào bằng thế này là không đúng, là sai quy định. Nhưng mà nếu để vận động thì sẽ không đạt kế hoạch mà huyện phê duyệt là 104.700.000 đồng. Tổng số học sinh của trường hiện nay là 355 cháu, thế mà không được phép thu quá 300.000 đồng/học sinh. Thế mà vậy các chị không thu cào bằng như vậy thì sẽ không đạt chỉ tiêu các đầu việc mà huyện đã phê duyệt. Thế nên bắt buộc các chị phải thu cào bằng, biết là sai. Thế nên cái lý do cào bằng là ở như vậy”.
“Còn đồ dùng học tập, đồ dùng phục vụ để ăn bán trú thì họ cứ nói bừa đấy. Năm nào nhà trường cũng phải mua sắm bổ sung, không phải một năm mà sắm hết được cả, cho nên năm nào cũng phải mua bổ sung. Các cháu nó học lên lớp rồi, một số đồ dùng bị hỏng hóc, rồi những đồ dùng chỉ dùng được trong một năm thôi, rồi xã hội nó tiến lên ngày càng phải bổ sung nhiều, nên bắt buộc là năm nào cũng phải thu và mua bổ sung ... Chứ nói thật, phụ huynh kể không phải đóng đồng nào thì người ta mới bảo không cao thôi”, bà Én nói thêm.
Phải chăng với quyết định tiến hành thu bình quân cào bằng tiền xã hội hóa giáo dục của lãnh đạo Trường mầm non xã An Thọ, huyện An Lão, thành phố Hải Phòng là đúng? Cái đúng ở đây, theo lý giải của bà Hiệu trưởng là nhằm mục đích đạt được kế hoạch xã hội hóa đã được cấp trên phê duyệt. Tuy nhiên, chỉ vì mục đích đạt được mà “cố tình” phớt lờ, làm trái quy định của cấp trên, gây bức xúc đối với PHHS là điều không thể chấp nhận được. Rất mong các cơ quan chức năng huyện An Lão nhanh chóng vào cuộc để giải quyết vấn đề như phản ánh nêu trên.
Được biết trước đó, ngày 15/9/2017, UBND thành phố Hải Phòng đã có công văn số 6021/UBND-VX, “Về việc chấn chỉnh công tác thu, quản lý, sử dụng các khoản thu tại các đơn vị giáo dục”. Ngày 10/8/2017, UBND huyện An Lão có văn bản số 921/UBND-VP, Về việc cho phép huy động nguồn lực xã hội hóa giáo dục năm học 2017 - 2018, trong đó nêu rõ: “Yêu cầu Ban giám hiệu các trường thực hiện đúng theo quy định tại Công văn số 6890/BGDĐT-KHTC ngày 18/10/2010 của Bộ giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn, quản lý, sử dụng các khoản đóng góp tự nguyện của các đối tượng tham gia đóng góp, không bình quân hóa mức đóng góp của phụ huynh học sinh.”
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.