Quất bonsai trồng trong heo đất hút khách dịp Tết Kỷ Hợi. |
Đặc sản khắp nơi đổ về Hà Nội
Chỉ còn khoảng hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, bên cạnh nhóm hàng thiết yếu phục vụ người dân với số lượng dồi dào, thì nhiều loại đặc sản ngon, sạch đã được khách hàng đặt mua để sử dụng và làm quà biếu dịp Tết. Chị Lê Hà, chủ cửa hàng chuyên kinh doanh thực phẩm sạch và các loại đặc sản tại phố Nguyễn Thị Thập, quận Cầu Giấy cho biết, các loại đặc sản như thịt trâu gác bếp, nấm hương rừng Sa Pa, măng khô Tuyên Quang, cá kho làng Vũ Đại, chả mực Quảng Ninh, nem chua Thanh Hóa, tôm chua Huế, hay bưởi hồ lô, dưa hấu vuông miền Tây Nam Bộ... đang là những mặt hàng được nhiều người tìm mua. Tại cửa hàng của chị Hà hiện đã bày bán khá nhiều món ngon như: Thịt lợn gác bếp, thịt trâu gác bếp (của bà con dân tộc thiểu số vùng Tây Bắc) có giá từ 600.000 đến 1 triệu đồng/kg; nấm hương rừng Sa Pa giá khoảng 500.000 đồng/kg…
Cùng với những món ngon, lạ truyền thống của Việt Nam, cửa hàng của chị Hà đã nhập về nhiều đặc sản như khô trâu Siem Reap (Campuchia) giá 650.000 đồng/gói 500g, chà là Ấn Độ 100.000 đồng/gói 500g...
Có thể thấy, người tiêu dùng ngày càng quan tâm tới các loại hàng đặc sản khó tìm, hiếm gặp. Chị Nguyễn Hoàng Lan (ở số 24 ngõ 28 Xuân La, quận Tây Hồ) chia sẻ: “Việc thay đổi món ăn trong mâm cơm ngày Tết giúp các thành viên trong gia đình thích thú, hào hứng hơn. Dù giá hơi cao, nhưng mình đặt hàng trực tiếp từ người quen, bảo đảm chất lượng, nên cũng yên tâm sử dụng”.
Các loại đặc sản vùng, miền không chỉ xuất hiện tại các chợ truyền thống, cửa hàng online, sàn giao dịch điện tử như Sendo, Adayroi…, mà còn được bày bán rất phong phú trong hệ thống siêu thị, cửa hàng bán lẻ hiện đại... Lâu nay, siêu thị Big C Thăng Long (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy) đã đưa nhiều loại sản phẩm địa phương và đặc sản các vùng miền như trái cây Nam Bộ; các loại nước mắm Phú Quốc, Nha Trang, Phan Thiết…; cốm làng Vòng, chả, giò, bánh chưng Ước Lễ (Hà Nội); hành, tỏi Lý Sơn (Quảng Ngãi); chè Tân Cương (Thái Nguyên); cam Cao Phong (Hòa Bình); cam Vinh (Nghệ An); gạo nương (Tuyên Quang)… cùng hàng trăm chủng loại lương thực, thực phẩm ba miền phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô.
Tại hệ thống siêu thị VinMart và VinMart+, các đặc sản vùng miền, vật phẩm địa phương như gạo nếp Tú Lệ, gạo Séng Cù, măng khô Bắc Kạn, chả mực Hạ Long, tôm chua Huế,… cũng được bày bán phong phú. Các nhóm hàng khi đưa vào hệ thống Vinmart, Vinmart+ tiêu thụ đều được kiểm tra kỹ về chất lượng, truy xuất nguồn gốc và được dán tem nhãn đầy đủ.
Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan cho biết, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Sở Công Thương đã phối hợp chặt chẽ với Cục Quản lý thị trường Hà Nội, các sở, ngành chức năng và UBND các quận, huyện thường xuyên giám sát, kiểm tra nguồn gốc, chất lượng sản phẩm, đặc biệt chú trọng công tác an toàn, vệ sinh thực phẩm.
Nấm linh chi bonsai dù đắt đỏ vẫn được nhiều người săn tìm. |
Nhiều loại trái cây, cây cảnh độc đáo
Nhiều năm nay, anh Nguyễn Xuân Tùng ở phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy đều đến các vườn trồng bưởi Diễn (thuộc quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm) đặt mua sản phẩm để dùng vào dịp Tết Nguyên đán và làm quà biếu. Anh Tùng cho biết, đã từng mua bưởi Diễn trồng ở nhiều tỉnh khác, nhưng độ ngon, ngọt sắc, mẫu mã đẹp, mùi thơm đặc trưng thì khó có nơi nào sánh bằng các vườn trồng bưởi của Hà Nội.
Bên cạnh những loại trái cây đặc sản theo vùng miền, những năm gần đây, các chủ vườn miền Tây Nam Bộ đã sáng tạo ra nhiều loại trái cây độc đáo rất hút khách trong dịp Tết. Tuy nhiên, do việc chăm sóc các loại trái cây này rất phức tạp, đòi hỏi nhiều công sức, không đúng kỹ thuật là phải bỏ đi nên giá khá đắt. Điển hình như: Bưởi thỏi vàng tài lộc giá 3 triệu đồng/cặp, dưa hấu hồ lô tài lộc có giá 2,2 triệu đồng/cặp, dưa hấu hồ lô hoàng kim có giá 1,7 triệu đồng/cặp, bưởi hồ lô đồng tiền thỏi vàng loại đặc biệt giá 2,2 triệu đồng/cặp… Giá trái cây cũng phụ thuộc vào chất lượng như lá còn nhiều, trái to nặng, chữ in rõ ràng.
Trong khi đó, bắt kịp trào lưu đón Xuân Kỷ Hợi, các nghệ nhân đã trồng quất bonsai trên lưng các chú heo đất để đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng dịp Tết Nguyên đán 2019. Để cây quất có thể ra nhiều quả và có thế độc đáo, mỗi ngày anh Nguyễn Tiến Mạnh (chủ một vườn quất tại Tứ Liên, quận Tây Hồ) phải bỏ ra 4-5 tiếng đồng hồ để cắt tỉa lá, tạo hình cây. Giá mỗi chậu quất dao động từ 2 đến 5 triệu đồng. Đến thời điểm này, gia đình anh Mạnh cũng như nhiều nhà vườn đã bán được lượng lớn sản phẩm. Cũng theo anh Mạnh, hiện giá quất cảnh chơi Tết vẫn chưa biến động và có thể giá cũng sẽ không thay đổi so với năm trước.
Bên cạnh quất thế, thì nấm linh chi bonsai được nuôi trồng công phu, hình dáng độc đáo cũng được chuẩn bị đưa ra phục vụ thị trường Tết. Được biết, để nấm linh chi tạo thành những chậu cây cảnh bonsai phải mất từ 4 đến 6 tháng ươm, trồng. Giá mỗi chậu nấm linh chi kèm nhiều tiểu cảnh dao động từ 450.000 đồng đến gần 5 triệu đồng và mỗi chậu có một ý nghĩa khác nhau.