Phố Phan Bội Châu dài 487m, rộng 12m.
Đây nguyên là đất các thôn Anh Mỹ, Nam Môn, Hoa Ngư và Yên Tập đều thuộc tổng Tiền Nghiêm (sau đổi là Vĩnh Xương), huyện Thọ Xương cũ.
Thời Pháp thuộc là đường số 44 (voie N044), năm 1909 đổi tên thành phố Cô-lông (rue Colomb). Sau cách mạng đổi ra tên hiện nay.
Nay thuộc phường Cửa Nam, quận Hoàn Kiếm.
Phan Bội Châu (1867-1940) hiệu Sào Nam, quê làng Đan Nhiệm, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An. Ông thi đỗ giải nguyên ngăn 1900, nhưng không ra làm quan. Tháng 5/1904, ông cùng một số nhân sĩ lập ra Duy tân hội nhằm mục đích gây một lực lượng chống Pháp. Tháng 1/1905, ông sang Nhật. Ông có viết một số sách gửi về nước, nổi tiếng nhất là Hải ngoại huyết thư. Những tác phẩm này cùng với việc tuyên truyền vận động của Duy tân hội trong nước đã thúc đẩy một số người xuất dương sang Nhật tìm đường cứu nước, gây nên phong trào Đông du. Song đến năm 1908, Chính phủ Nhật thỏa hiệp với Pháp trục xuất người Việt Nam ra khỏi nước này. Phan Bội Châu phải lánh sang Xiêm (Thái Lan).
Năm 1912, ông trở về Quảng Đông, cùng một số đồng chí đổi Duy tân hội thành Việt Nam Quang phục hội, chủ trương làm cách mạng dân chủ tư sản.
Ngày 30/6/1925, thực dân Pháp lừa bắt được Phan Bội Châu tại Thượng Hải rồi đưa về giam tại nhà lao Hỏa Lò Hà Nội. Ngày 23/11/1925, chúng đưa ông ra xử, kết án khổ sai chung thân. Nhân dân cả nước đã dấy lên phong trào đòi thả Phan Bội Châu, chúng đã phải ra lệnh ân xá cho ông nhưng lại đưua về giam lỏng ở Huế. Ông mất ở Huế ngày 29/10/1940.
Ông còn là nhà văn, nhà tư tưởng để lại nhiều tác phẩm như: Hải ngoại huyết thư, Việt Nam vong quốc sử, Kỷ niệm lục, Hà thành liệt sĩ truyện, Chân tướng quân, Phan Bội Châu niên biểu.