Phố Phạm Huy Thông dài 800m, rộng 5-6m.
Đất thôn Ngọc Khánh tách ra từ trại Giảng Võ, tổng Nội, huyện Vĩnh Thuận xưa.
Nay thuộc phường Ngọc Khánh, quận Ba Đình.
Tên phố mới đặt tháng 7/2001.
Phạm Huy Thông (1916-1988) giáo sư - viện sĩ, nhà thơ, nhà sử học, nhà sư phạm. Ông quê làng Đào Xá, huyện Ân Thi, tỉnh Hưng Yên. Tốt nghiệp cử nhân Luật ở Hà Nội (1937), sang Pháp học đậu tiến sĩ Luật (1942), thạc sĩ Sử - Đại (1944), làm việc ở Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học Pháp (1944-1950), biết nhiều ngoại ngữ, đảng viên Đảng Cộng sản Pháp (1949). Ở Pháp, ông hoạt động trong giới Việt kiều yêu nước, làm thư ký cho Hồ Chủ tịch và phái đoàn ta sang Pháp (1946). Ông bị trục xuất về nước 1952 và bị bắt giam tại Sài Gòn hai năm, ra tù ông làm Tổng thư ký Phong trào Hòa bình Sài Gòn - Chợ Lớn, địch lại bắt đưa ra Hải Phòng, năm 1955 được cách mạng giải thoát. Ông từng giữ nhiều chức vụ quan trọng: Hiệu trưởng Trường Đại học Sư Phạm, Viện trưởng Viện Khảo cổ học, Phó chủ nhiệm Ủy ban khoa học xã hội Việt Nam, Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học nước CHDC Đức, quyền Tổng thư kjys Hội Khoa học lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam, Chủ tịch Hội Du lịch Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc, Ủy viên Đoàn chủ tịch Ủy ban Hòa bình Thế giới, đại biểu Quốc hội khóa II, III. Giải thưởng Hồ Chí Minh (2000).
Ông là một trong những người khởi xướng “thơ mới”, tác giả nhiều tập thơ và kịch thơ, đề xuất nghiên cứu thời Hùng Vương.