Phố Lê Thanh Nghị dài 1.000m, rộng 22,5m.
Từ phố Bạch Mai qua phường Bách Khoa và Đồng Tâm đến đường Giải Phóng.
Đất phường Hồng Mai và xã Phương Liệt trước đây.
Nay thuộc phường Bạch Mai, Bách Khoa, Đồng Tâm, quận Hai Bà Trưng.
Tên phố mới đặt tháng 1/2002.
Lê Thanh Nghị (1911-1989), tên thật là Nguyễn Khắc Xứng sinh ra trong một gia đình nhà Nho nghèo ở làng Thượng Cốc, huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương. Xuất thân làm nghề thợ điện.
Từ năm 1925 - 1930, ông ra làm thợ ở các nhà máy điện Cửa Cấm (Hải Phòng), Cọc Năm (Hồng Gai) và mỏ Vàng Danh.
Từ năm 1928, ông tham gia phong trào công nhân chống áp bức của bọn đế quốc và chủ mỏ. Trong phong trào, ông đã tham gia Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, sau đó gia nhập Đảng Cộng sản Đông Dương.
Tháng 5/1930, ông bị thực dân Pháp bắt rồi kết án tù đày ra Côn Đảo.
Giữa 1936, ông ra tù trở về Hà Nội hoạt động trong phong trào công nhân, ra sức xây dựng các hội ái hữu, nghiệp đoàn, tổ chức cơ sở Đảng và tham gia Thành ủy Hà Nội.
Cuối 1937, ông được cử về hoạt động tại quê nhà Hải Dương, tham gia liên tỉnh ủy, rồi công tác ở Xứ ủy Bắc Kỳ.
Đầu năm 1930, ông lại bị thực dân Pháp bắt và kết án đày đi Sơn La.
Đầu năm 1945, ông ra tù và trở về Hà Nội, được Đảng chỉ định vào Thường vụ Xứ ủy. Sau ngày Nhật đảo chính Pháp (9/3) ông được phân công chỉ đạo phong trào cách mạng ở chiến khu Hoàng Hoa Thám và được cử vào Ủy ban Quân sự Bắc Kỳ, phụ trách chiến khi II.
Sau Cách mạng tháng Tám, ông là Xứ ủy viên phụ trách miền duyên hải. Trong cuộc kháng chiến toàn quốc (1946 - 1954), ông là một trong những người lãnh đạo chủ chốt phong trào Liên khu III, lần lượt giữ những công tác Đảng và chính quyền trọng yếu: Thường vụ Xứ ủy, Phó bí thư Liên khu ủy III, Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Tại Đại hội toàn quốc lần thứ II của Đảng (1951), ông được bầu làm Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng, trực tiếp làm Bí thư Liên khu ủy kiêm Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính, Chính ủy Bộ Tư lệnh Liên khu III, Bí thư Thành ủy Hà Nội.
Hòa bình lập lại ông làm Chánh văn phòng Trung ương Đảng.
Tháng 10/1956, được Trung ương cử vào Bộ Chính trị.
Tại Đại hội toàn quốc lần III (1960) và lần thứ IV của Đảng (1976), ông được bầu vào Ban chấp hành trung ương Đảng và Bộ Chính trị, lần lượt phụ trách Trưởng ban Công nghiệp Trung ương Đảng (1967) rồi Thường trực Ban Bí thư (1980).
Về công tác chính quyền, ông đã giữ các chức vụ: Bộ trưởng Bộ Công nghiệp (1955), Phó Thủ tướng chính phủ, Chủ nhiệm Văn phòng Công nghiệp (1969), Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước (1967), Phó chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hội đồng Nhà nước (1982).
Ông là đại biểu Quốc hội từ khóa II đến khóa VI. Do công lao và thành tích với cách mạng ông đã được tặng Huân chương Sao vàng.