Phố Khúc Hạo dài 220m, rộng 6m.
Từ phố Lê Hồng Phong đến phố Trần Phú.
Đây nguyên là khu vực nội thành của thành Thăng Long đời Nguyễn. So với bản đồ Hà Nội năm 1873, đây là con đường dẫn vào Võ Miếu vốn ở vào khu tam giác với ba cạnh là Điện Biên Phủ, Chu Văn An và Lê Hồng Phong.
Thời Pháp thuộc là đường số 132 (voie No132), năm 1926 được đặt tên là phố Sác-lơ Cu-li-ê (rue Charles Coulier), năm 1945 đổi thành phố Tích Quang, năm 1949 đổi thành phố Khúc Hạo cho đến nay.
Nay thuộc phường Điện Biên, quận Ba Đình.
Khúc Hạo (?-917) quê ở làng Cúc Bồ, nay thuộc huyện Ninh Giang, tỉnh Hải Dương. Hiện giờ ở đây vẫn còn đình thờ họ Khúc và người họ Khúc cũng khá đông.
Khúc Hạo là con Khúc Thừa Dụ, sống khoảng đầu thế kỷ thứ X. Năm 905, nhân lúc chính quyền thống trị nhà Đường suy tàn, Khúc Thừa Dụ tự xưng là Tiết độ sứ, lợi dụng bộ máy và danh nghĩa của bọn đô hộ để giành độc lập buộc Triều đình nhà Đường phải công nhận.
Ngày 23/7/907 Thừa Dụ mất. Khúc Hạo nối nghiệp cha, cũng tự xưng là Tiết độ sứ (ngày 1/9/907) đảm đương trọng trách củng cố nền tự chủ còn non trẻ của dân tộc Việt Nam.
Về tổ chức hành chính Khúc Hạo chia cả nước thành các lộ, phủ, châu, giáp, xã. Mỗi xã có một chánh lệnh trưởng và tá lệnh trưởng đứng đầu. Mỗi số xã ở gần nhau trước đây là hương thì nay đổi là giáp có quản giáp và phó tri giáp trông nom mọi việc.
Khúc Hạo còn sửa đổi lại các chế độ tô thuế, lực dịch: “Bình quan thuế ruộng, tha bỏ lực dịch, lập sổ hộ khẩu… Chính sự cốt chuộng khoan dung, giản dị. Nhân dân đều được yên vui” (Cương mục). Ông mất vào năm 917.