Phố Hòa Mã dài 460m, rộng 10m.
Từ phố Lò Đúc đến phố Huế, cắt ngang qua phố Ngô Thì Nhậm.
So vào bản đồ Hà Nội 1831 thì đoạn đầu phố phía đông nguyên là đất thôn Hương Thái (sau hợp với thôn Hoa Viên thành thôn Hương Viên) và phần còn lại là đất thôn Hòa Mã đều thuộc tổng Tả Nghiêm, huyện Thọ Xương cũ.
Thời Pháp thuộc phố này có tên là phố Đô đốc Xe – nét (rue Amiral Sénés) nhưng nhân dân quen gọi là phố Hà Mã. Sau cách mạng, tên gọi này được chính thức hóa.
Nay thuộc hai phường Phạm Đình Hổ và Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng.
Đầu thế kỷ XIX thôn Hòa Mã có tên là Đổi Mã. Có hai chứng cứ: một là các sách “Các trấn tổng xã danh bị lãm” và “Bắc thành địa dư chí lục” đều ghi tên gọi này. Đó là hai chữ nôm có nghĩa là thay đổi áo xống. Chứng cứ thứ hai là tấm bia hiện nay vẫn còn ở trong chùa Hòa Mã cũng có ghi tên gọi đó.
Nguyên chùa này có tên là Thiên Quang tự, là chùa của thôn Đổi Mã cũ, vốn có cổng thông ra phố Hòa Mã, nhưng đã bị nhà dân xây chắn nên bây giờ cổng ra vào lại ở chỗ số nhà 3 phố Phùng Khắc Khoan. Ở ngoài bức tường phía tay phải chùa có tấm bia, còn đề chữ: “Hoài Đức phủ, Thọ Xương huyện, Tả Nghiêm tổng, Đổi Mã thôn, Thiên Quang tự, hiệu Đổi Mã cung bị…” nghĩa là: “phủ Hoài Đức, huyện Thọ Xương, tổng Tả Nghiêm, thôn Đổi Mã, gọi là bia cung Đổi Mã…”.
Như thế là chùa Thiên Quang này xưa là cung Đổi Mã tức là nơi vua đổi xiêm áo thường, mặc lễ phục để vào tế ở đàn Nam Giao. Tọa lạc ở vị trí nhà máy cơ khí Trần Hưng Đạo. Và các sử sách cũ đều ghi rằng thuở xưa, mỗ lần tế giao, xa giá nhà vua từ hoàng thành đi tới hành cung Đổi mã (hoặc Canh Y), dừng tại đây để vua thay lễ phục, rồi mới đi tiếp tới Giao Miếu. Mã là một tiếng Việt cổ, có nghĩa là vỏ, trang phục bề ngoài. Nay tiếng này không được dùng nữa nhưng vẫn bảo lưu trong ca dao, tục ngữ như:
“Tốt mã giẻ cùi”.
“Con gà tốt mã vì lông, răng đen vì thuốc, rượu nồng vì men”.