Phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội

13/07/2017 15:42

Phố Đội Cấn dài 2.840m, rộng 7m. Từ phố Ngọc Hà đến đường Bưởi chỗ dốc Cống Vị.

Phố Đội Cấn dài 2.840m, rộng 7m.
Phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội

Từ phố Ngọc Hà đến đường Bưởi chỗ dốc Cống Vị.

Đây là một con đường mới thành hình khoảng thế kỷ XX (khoảng năm 1901) dẫn tới bãi Quần Ngựa (là bãi đua ngựa, nay là khu vực Cung Thể thao tổng hợp Hà Nội nằm giữa phố Hoàng Hoa Thám và phố Đội Cấn) cho nên có tên là đường Quần Ngựa (route du Champ des courses). Nhưng dân chúng thì quen gọi là đường Mới.

Đường Mới tới năm 1910 mới được nối dài ra đến dốc tập lái bên Đường Thành (nay là đường Bưởi). Đường này đi xuyên qua cánh đồng các làng Ngọc Hà, Vạn Phúc, Đại Yên, Liễu Giai, Cống Vị, thời xưa là các trại của tổng Nội thuộc huyện Vĩnh Thuận cũ. Tại các nơi này, đình làng cũ vẫn nguyên vẹn. Đình Vạn Phúc nay ở trong ngõ 32 phố Đội Cán, là nơi thờ Linh Lang (xem thêm mục Cầu Giấy). Đối xứng với làng Vạn Phúc qua trục phố Đội Cấn là làng Ngọc Hà, sau vườn Bách Thảo, còn đền Ngọc Hà ở số nhà 122 phố Đội Cấn. Đình Đại Yên ở mé phía Bắc của phố này. Đó là nơi thờ một cô bé 9 tuổi đã có công theo Lý Thường Kiệt đi dẹp giặc Chế Ma Na (?) xâm lấn bờ cõi. Theo thần tích cô bé là Tường, bố họ Trần nguyên là người xứ Thanh, mẹ ở thôn Đại Yên (khi đó còn gọi là Đại Bi). Khi triều đình tuyển lính, cả hai cha con cùng nhập ngũ. Ở chiến trường cô giả vờ đi bán trầu cau, len lỏi vào trại địch rồi làm ám hiệu cho quân ta tiến công. Khi khải hoàn vua phong cho là Ngọc Hoa công chúa… Sau dân làng thờ làm thành hoàng xây đình ngay cạnh ngôi mộ của cô.

Đình thôn Liễu Giai cũng ở phía Bắc phố Đội Cấn, thờ dũng sĩ họ Hoàng, một người con trai làng Lệ Mật (Gia Lâm, ngoại thành Hà Nội) tương truyền đã có công mở mang vùng tổng Nội này, nơi thờ chính là ở đình Thái Tể (xem mục Hoàng Hoa Thám).

Nhiều tài liệu cho rằng chỗ thôn này, đời Lý – Trần là con đường trồng toàn liễu chạy tới cửa Tây hoàng thành, đối xứng với con đường trồng toàn hòe ở phía cửa Đông (tức phố Hòe Nhai ngày nay). Do đó mà có tên là Liễu Nhai, sau đọc là Liễu Giai (cũng như Hòe Nhai đã từng được đọc là Hòe Giai rồi Hòa Giai).

Đình Cống Vị ở cuối phố, gần ngã ba đê Đại La, thờ Linh Lang. Ngoài ra ở trên đất làng Vạn Phúc chỗ giáp làng Ngọc Hà, ngay cạnh đường đi, đăng sau có số nhà 203 có một ngồi chùa mới trùng tu năm 1916 nhưng lại có lịch sử lâu đời: Đó là chùa Bát Tháp. Tương truyền chỗ này là núi Vạn Bảo và chùa này do ba chùa hợp lại: trong chùa có một quả chuông đúc năm Quý Hợi (1803) ghi rằng năm ấy vào ngày 20 tháng Giêng dời chùa ở núi Voi và chúa Chéo Vàng về hợp dựng với chùa Vạn Bảo thành chùa Bát Tháp. Quả chuông có dòng chữ ghi: “Vạn Bảo trại, Bát Tháp tự”. Vạn Bảo là tên cũ của làng Vạn Phúc.

Trong thời Pháp thuộc, thực dân Pháp xây một chủng viện khá lớn ở địa phận làng Liễu Giai, nay là số nhà 218 phố Đội Cấn. Tới thời tạm chiếm (1947 – 1954) chúng biến thành nơi giam cầm tra tấn cán bộ kháng chiến cùng nhân dân yêu nước chống Pháp. Nay được cải tạo thành khách sạn La Thành.

Phố Đội Cấn có khá nhiều ngõ: bên dãy phía Bắc có các ngõ 5, ngõ 13, ngõ Kim Phúc… bên dãy phía Nam có ngõ Gốc Khế, ngõ 8, 14, 24, 28, 32… Đối với lịch sự cách mạng Thủ đô, phố Đội Cấn có một ngõ đáng nhớ: đó là ngõ Gia Thịnh. Vào những năm 1938 – 1939, ngôi nhà số 1 ngõ này là một cửa hàng xén nhỏ. Đây là cơ sở bí mật mà bà Nguyễn Thị Lựu, tức “chị Cả Khương”, sau khi thoát khỏi nhà tù Hỏa Lò đã tổ chức ra. Ông Nguyễn Văn Cừ trong thời gian làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Đông Dương đã từng ở tại nhà này.

Đội Cấn (? – 1918) tức Trịnh Văn Cấn quê ở thông Yên Nhiên, xã Vũ Di, huyện Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Phúc. Ông làm đội lính khố xanh, đóng ở thị xã Thái Nguyên. Do căm ghét thực dân nên ông có cảm tình với những nhà cách mạng đang bị giam cầm tỏng nhà lao Thái Nguyên. Ông thường tìm cách đưa tin và giúp đỡ họ. Cuối cùng ông được Lưu Ngọc Quyến, lúc đó đang bị giam tại nhà lao Thái Nguyên giác ngộ. Họ quyết định tổ chức khởi nghĩa. Vào khoảng nửa đêm ngày 30/8/1917 cuộc nổi dậy bắt đầu. Sau khi hạ sát tên giám binh, nghĩa quân làm chủ trại lính khố xanh rồi chia nhay đi đánh chiếm các công sở.

Giặc Pháp đưa lính tới trấn áp, Đội Cấn chỉ huy nghĩa quân chống lại rất anh dũng, nhưng vì lực lượng quá chênh lệch nên nghĩa quân phải rút ra ngoài tỉnh lỵ vào đêm mùng 5/9/1917. Sau đó ông đưa nghĩa quân hoạt động tại vùng núi rừng giáp Vĩnh Yên. Song thế lực ngày một suy, cho tới đầu năm 1918 ở bên ông chỉ còn có hai người thân tín. Để không rơi vào tay giặc, sau khi cho hai người kia trở về, ông đã dùng súng tự sát: đó là ngày 11/1/1918.

(0) Bình luận
Nổi bật Tạp chí Người Hà Nội
Đừng bỏ lỡ
Phố Đội Cấn, quận Ba Đình, Hà Nội
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO